Chính phủ số

Chủ tịch VCCI: Thế chân kiềng là động lực tăng trưởng bền vững của kinh tế Việt Nam

DNVN - Chủ tích VCCI cho rằng bối cảnh đại dịch Covid-19 thì khả năng kết nối giữa Việt Nam và thế giới đã tốt hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, thế kiềng 3 chân của nền kinh tế Việt Nam vẫn được giữ vững bao gồm: Đổi mới thể chế, thúc đẩy hội nhập và chuyển đổi số. Đây chính là động lực tăng trưởng dài hạn và bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Bộ Công Thương - VCCI: Phối hợp hoạt động để phục vụ doanh nghiệp tốt nhất / Chủ tịch VCCI: Tư duy sợ mất mát, ngại thay đổi chính là rào cản lớn nhất khi chuyển đổi số

Chiều ngày 24/11/2020 đã diễn ra “Diễn đàn kinh tế 2021: Điểm tựa phục hồi và phát triển kinh tế” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Sự kiện được tổ chức nhằm phân tích, dự báo xu hướng kinh tế năm 2021, đồng thời đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, giúp các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược trong kinh doanh năm 2021 và những năm tiếp theo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc –Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thì khả năng kết nối giữa Việt Nam và thế giới đã tốt hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, thế kiềng 3 chân của nền kinh tế Việt Nam vẫn được giữ vững bao gồm: đổi mới thể chế, thúc đẩy hội nhập và chuyển đổi số. Đây chính là động lực tăng trưởng dài hạn và bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Các chủ tọa tham gia phiên thảo luận tại “Diễn đàn kinh tế 2021: Điểm tựa phục hồi và phát triển kinh tế”.

Các chủ tọa tham gia phiên thảo luận tại “Diễn đàn kinh tế 2021: Điểm tựa phục hồi và phát triển kinh tế”.

Mặc dù vậy, theo Chủ tịch VCCI, các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp thời gian qua vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Những biện pháp về tài chính, tiền tệ của Chính phủ còn có nhiều hạn chế nên sẽ khó được mở rộng. Chính vì vậy, điều doanh nghiệp cần nhất thời điểm hiện tại không phải là tiền bạc mà là sự thay đổi về thể chế, cơ chế.

Từ đó, cùng với sự hỗ trợ về tài khóa, tín dụng thì việc hỗ trợ khai thông thị trường, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh chính là những hỗ trợ vô hạn tạo động lực rất lớn cho sự phát triển.

Bên cạnh đó TS.Vũ Tiến Lộc cũng đưa ra đề xuất Chính phủ có thể cân nhắc một giải pháp có thể hỗ trợ có chọn lọc các doanh nghiệp có tiềm năng có thể bật dậy sau đại dịch để có thể khai thác các dự án tiềm năng, tạo điều kiện phát triển kinh tế sau đại dịch.

Cũng tại sự kiện, trong bài phát biểu của mình, ông Võ Trí Thành – Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, Việt Nam là một trong những nền kinh tế chịu những tác động rất tiêu cực của đại dịch Covid-19. Kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 1,81% nửa đầu năm 2020, mức thấp nhất trong suốt tiến trình đổi mới.

Ông cũng cho rằng đây là một giai đoạn vô cùng khó khăn của cả nền kinh tế và doanh nghiệp. Nhưng càng khó khăn thì càng phải cầm cự, duy trì “năng lượng” để khi cơn bão dịch đi qua, chúng ta có thể lại vươn lên mạnh mẽ.

Khi đề cập đến các gói hỗ trợ về kinh tế của Chính phủ dành cho doanh nghiệp nhưng việc thực thi còn khá chậm, thiếu quyết liệt, ông Thành cho rằng “quan trọng nhất là cần đảm bảo tính thực thi “nhanh, đúng và minh bạch” các gói hỗ trợ này.

Tiến sĩ Võ Trí Thành cũng khẳng định: “Doanh nghiệp cần xem cú sốc đại dịch Covid-19 là “cơ trong nguy” để xoay chuyển tình thế và cải tổ chính mình. Có thể nói đây chính là thời điểm “tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại” gắn với việc nhận diện xu thế; định vị thị trường, đối tác; xác định cách thức chuyển đổi số; nâng cấp quản trị (cả quản trị rủi ro); sáng tạo sản phẩm; đào tạo kỹ năng mới cho người lao động”.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm