Chủ tịch VCCI: Việc cứu DN, bảo vệ sinh kế cho người dân, công ăn việc làm cho người lao động là quan trọng nhất
Bàn giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 / EVFTA sẽ là bàn đạp vững chắc cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Đức
Chiều 4/10/2020 tại TP. Hòa Bình đã diễn ra Diễn đàn Hợp tác – Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XIII năm 2020 tại tỉnh Hòa Bình (gọi tắt là Diễn đàn).
Diễn đàn là dịp để các doanh nghiệp thảo luận về những khó khăn, rào cản trong việc đưa Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đi vào cuộc sống. Kịp thời đưa ra các kiến nghị để sớm giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp trong sản xuất – kinh doanh; tạo điều kiện để doanh nghiệp tìm kiếm thị trường trong nước, phát huy tiềm năng, lợi thế, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo mối liên kết giữa các tập đoàn kinh tế lớn với các SMEs.
Phát biểu tại Diễn đàn, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chúng ta đang sống trong thời kỳ bão tố của nền kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng và suy thoái này tác động lên nền kinh tế thế giới còn tệ hơn cả cuộc đại khủng hoảng và đại suy thoái toàn cầu và nó đến từ xung đột giữa con người với tự nhiên.
Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cho rằng đến thời điểm hiện tại DN vẫn tiếp tục khó khăn. Chính vì vậy việc cứu DN, bảo vệ sinh kế cho người dân, bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động là việc làm quan trọng nhất.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh, sống trong thế giới thay đổi, mọi thứ đều thay đổi đồng nghĩa với việc mọi nền kinh tế, mọi cộng đồng, mọi DN đều phải sống trong tâm thế của sự thay đổi. Bên cạnh rất nhiều những chỉ số khác nhau thì chỉ số thích ứng của DN và việc xây dựng mô hình quản trị có khả năng thích ứng và chống chịu là quan trọng nhất.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
"Nền kinh tế, con người Việt Nam, DN Việt Nam đến thể hiện đều thể hiện sự thích ứng rất cao trong phòng chống dịch bệnh. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư sẽ chọn đến Việt Nam vì khả năng thích ứng và chống chịu của DN và nền kinh tế nước ta", Chủ tịch VCCI cho biết.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cũng chỉ ra một trong những trở ngại hiện nay của doanh nghiệp chính là những bất cập, xung đột chồng chéo trong những quy định pháp luật về kinh doanh. Hiện nay có rất nhiều quy định làm theo luật này thì đúng, mà làm theo luật khác thì sai. Nếu làm như vậy thì doanh nghiệp không làm được và chính quyền địa phương cũng bó tay luôn. Nhiều dự án không triển khai được chỉ vì những vướng mắc về thủ tục.
Chính vì vậy, Chủ tịch VCCI đã đưa ra đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ các DN trong thời gian tới. Ông cho rằng cần phải giải tỏa ngay, phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa các hệ thống pháp luật về kinh doanh tạo môi trường minh bạch, an toàn cho hoạt động của DN và chính quyền địa phương các cấp. Đó là điều kiện quan trọng nhất để cộng đồng DN phát triển một cách minh bạch, mạnh mẽ và liên kết được với nhau và có thể đầu tư vào công nghệ, vào quản trị.
Bên cạnh đó, các DN cũng cần xây dựng mô hình quản trị bền vững bởi vì hầu hết những DN có khả năng trụ vững được trong những hoàn cảnh khó khăn đều phát triển theo mô hình này. Chủ tịch VCCI đề nghị các DN hãy xây dựng chiến lược kinh doanh phát triển bền vững bao trùm. “Nếu không định hướng phát triển bền vững thì sẽ coi như không có giấy thông hành để đi sang Mỹ, châu Âu và phát triển toàn cầu. Phát triển bền vững là phải đảm bảo 3 mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường”, ông nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI cho rằng chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc đối với các DN, không chỉ DN lớn mà kể cả những DN nhỏ và siêu nhỏ cũng phải chuyển đổi số để bắt kịp với yêu cầu của cuộc cách mạnh 4.0.
Cũng theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, tài sản của DN bây giờ không phải là vật chất, không phải là tiền bạc mà chính là hệ giá trị mà DN theo đuổi, là nguồn nhân lực DN có và thương hiệu DN đang nắm giữ. Tài sản và sức mạnh của DN đều chuyển sang giá trị vô hình. Như vậy dù là DN nhỏ, siêu nỏ hay vừa cũng phải hướng đến giá trị này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo