Chính phủ số

Đà Nẵng ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính: Đổi mới công nghệ hay đổi mới quản trị công?

DNVN - Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam về việc ứng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác cải cách hành chính và định hướng chuyển đổi số trong Hệ thống Chính quyền điện tử TP Đà Nẵng thời gian đến.

Tối nay (25/11) công bố chương trình du lịch “Ba địa phương – Một điểm đến, nhiều trải nghiệm” / Đà Nẵng: Yêu cầu đảm bảo an toàn các công trình xây dựng đang “nước rút” trước Tết Nguyên đán 2021

Ngày 11/12/2020, UBND TP Đà Nẵng tổ chức tổng kết chương trình cải cách hành chính (CCHC) nhà nước 10 năm 2011 – 2020; đề ra định hướng cho giai đoạn 2021 - 2020. Phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã trao đổi với ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng về việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác CCHC và định hướng chuyển đổi số trong Hệ thống Chính quyền điện tử TP Đà Nẵng thời gian tới.

Ông Trần Ngọc Thạch thay mặt Sở TT-TT Đà Nẵng nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vì có thành tích xuất sắc trong công tác CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020

Ông Trần Ngọc Thạch thay mặt Sở TT&TT Đà Nẵng nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vì có thành tích xuất sắc trong công tác CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.

Nhìn lại việc ứng dụng CNTT vào công tác CCHC của TP Đà Nẵng 10 năm qua (2011 – 2020), ông thấy có điểm nào nổi bật?

Ông Trần Ngọc Thạch: Thực tế thời gian qua đã khẳng định CNTT là công cụ lõi, hỗ trợ đắc lực, hiệu quả và thúc đẩy nhanh quá trình cải cách, đặc biệt là làm trụ cột hiện đại hóa nền hành chính và cung cấp dịch vụ công (DVC) của Đà Nẵng. Nhìn lại chặng đường 10 năm 2011 – 2020, chúng tôi thấy có 03 dấu mốc điểm nhấn nổi bật về cung cấp DVC trực tuyến (online services), hướng đến cung cấp dịch vụ số (Digital services – dịch vụ dựa trên dữ liệu số)".

Thứ nhất là năm 2014, TP Đà Nẵng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử với các hợp phần cơ bản theo chuẩn mực của Ngân hàng Thế giới, gồm: Trung tâm dữ liệu, Mạng kết nối dùng riêng, Hệ thống Wi-Fi công cộng, Trung tâm Thông tin DVC, Nền tảng chính quyền điện tử dùng chung bao gồm: DVC trực tuyến, Hệ thống văn bản và điều hành, Hệ thống một cửa điện tử, liên thông,….

Ở thời điểm năm 2014, đây là mô hình chính quyền điện tử tập trung đầu tiên ở Việt Nam, sau đó Nghị quyết 01 đầu năm 2015 của Chính phủ đã chỉ đạo nhân rộng, chuyển giao Hệ thống Chính quyền điện tử Đà Nẵng cho các Bộ ngành, địa phương trong cả nước. Từ năm 2014 đến nay, Hệ thống Chính quyền điện tử Đà Nẵng tiếp tục cập nhật, bổ sung theo nhu cầu của các cơ quan, người dân.

Thứ hai là tính đến cuối tháng 12/2020, Cổng DVC của TP Đà Nẵng đã có 97% DVC trực tuyến mức 3, mức 4, đạt 95%; trong đó 52% DVC trực tuyến đạt mức 4. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trong 11 tháng đầu năm 2020 đạt 54%. TP Đà Nẵng đạt và vượt các chỉ tiêu đưa ra tại Nghị quyết 17 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; đặc biệt là đã thí điểm tích hợp dữ liệu số vào Cổng DVC và bắt đầu thí điểm sử dụng dữ liệu số (hộ khẩu, sổ đỏ,..) trong cung cấp DVC, người dân không cần phải nộp các giấy tờ này khi làm dịch vụ.

 

Cổng DVC TP Đà Nẵng sử dụng công nghệ lõi, nên khi cần triển khai dịch vụ mới thì chỉ cần thiết lập trong không quá 02 ngày là có dịch vụ; so với trước đây phải làm hồ sơ đầu tư hết ít nhất 200 ngày, thậm chí 01 năm mới có một dịch vụ mới. Và cũng chính vì sử dụng công nghệ số dạng lõi này nên khi xảy ra dịch bệnh Covi-19 và giãn cách xã hội, 100% thủ tục hành chính đã triển khai trực tuyến chỉ trong vòng 5 ngày sau khi có chỉ đạo của UBND TP, bảo đảm duy trì cung cấp DVC cho người dân, doanh nghiệp.

Dấu mốc thứ ba là đến nay, nhiều ứng dụng liên quan đến điều hành và cung cấp DVC của Đà Nẵng đã được triển khai trên điện thoại thông minh (App Mobile) để thuận lợi cho người dùng như: App văn bản điều hành, App dịch vụ công, App Góp ý phản ánh, App Xe buýt, App Cổng thông tin điện tử, App du lịch, App đỗ đậu xe… Đặc biệt, Đà Nẵng đã đưa vào thí điểm 01 App tích hợp đa dịch vụ của nhiều ứng dụng (có tên là Danang Smart city) để người dân, doanh nghiệp cài 01 ứng dụng tích hợp là có thể dùng tất cả các dịch vụ, thông tin của TP.

Cùng với đó, còn có những tồn tại, hạn chế nào cần phải khắc phục?

Sở TT&TT là một trong hai cơ quan (cùng với Sở Nội vụ) chủ trì về công tác CCHC và CNTT của TP Đà Nẵng. Qua đó, chúng tôi nhận thấy có một số tồn tại, hạn chế trong việc ứng dụng CNTT vào công tác CCHC diễn ra trong thời gian dài trước đây. Đến nay tuy đã có một số vấn đề dần được khắc phục nhưng vẫn chưa hoàn toàn triệt để.

Cụ thể, lãnh đạo TP chỉ đạo các cơ quan, địa phương xem ứng dụng CNTT là giải pháp “lõi” để nâng cao hiệu quả hoạt động trong điều kiện tinh giảm biên chế và yêu cầu cung cấp DVC ngày càng cao; tuy nhiên một số cơ quan chưa quan tâm thấu đáo, chưa chỉ đạo quyết liệt; thậm chí việc triển khai ứng dụng ở mức “Có cũng được”, “Không có cũng được”.

 

Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, địa phương trên địa bàn Đà Nẵng chưa được chia sẻ, sử dụng cho các mục tiêu quản lý nhà nước chung của TP. Cơ sở dữ liệu quốc gia chưa được triển khai đưa vào sử dụng kịp thời (ví dụ: dân cư, đất đai…). Việc triển khai các Hệ thống có quy mô từ Trung ương đến địa phương vẫn còn hiện trạng thay thế hệ thống địa phương đang dùng, gây nhiều trùng lắp, lãng phí.

Trước tình hình đó, Sở TT&TT Đà Nẵng đề xuất những giải pháp nào để tiếp tục thúc đẩy ứng dụng CNTT vào công tác CCHC và định hướng chuyển đổi số trong Hệ thống Chính quyền điện tử TP trong giai đoạn mới 2021 – 2030?

Tiếp theo việc hoàn thiện Chính quyền điện tử là triển khai Chính quyền số, dựa trên công nghệ số và các thành tựu của Cách mạng 4.0. Chính quyền số sẽ hỗ trợ vận hành chính quyền đô thị Đà Nẵng thuận lợi và hiệu quả hơn, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng “Thành phố thông minh”, làm đầu tàu cho phát triển kinh tế số và tạo ra xã hội số, chính quyền số. Khi đó, số lượng dịch vụ hành chính giảm đi, một số DVC sẽ chuyển sang là tiện ích, hoặc thành phần hồ sơ DVC phải nộp sẽ giảm đi mà thay vào đó là sử dụng dữ liệu điện tử.

Kế thừa kết quả đã đạt được 10 năm qua cũng như sự sẵn sàng của công nghệ số và nhu cầu ngày càng cao của người dân, chúng tôi cũng đã đưa ra những đề xuất đối với lãnh đạo UBND TP, HĐND TP Đà Nẵng, Sở Nội vụ và lãnh đạo các cơ quan, địa phương cho chặng đường 10 năm sắp đến (2021 – 2030).

Theo đó, chúng tôi kiến nghị lãnh đạo các cơ quan, địa phương cần chủ động đề xuất, đưa ra các bài toán cần giải quyết của cơ quan mình. Việc triển khai như thế nào sẽ do cán bộ chuyên môn, cán bộ CNTT và sự hỗ trợ của Sở TT&TT.

 

Công nghệ chỉ là nền tảng hỗ trợ, chứ tự nó không tạo ra đổi mới cho khu vực công. Đổi mới của khu vực công phải bắt đầu từ đổi mới quản trị công, từ CCHC. Do vậy, chúng tôi cho rằng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đừng lo lắng phải áp dụng công nghệ hiện đại nhất, mới nhất mới có kết quả, mà vấn đề là sử dụng công nghệ phù hợp để tái cấu trúc quy trình, phù hợp với bài toán cần giải quyết của mình.

Chúng tôi cũng đề xuất trong thời gian đến sử dụng dữ liệu số để thay thế thành phần hồ sơ giấy mà người dân phải nộp; cấp ngay trong ngày hoặc cấp lấy ngay kết quả đối với các dịch vụ cấp lại, cấp đổi; cho phép người dân sử dụng lại tài liệu điện tử của các TTHC đã nộp trước đó cho việc sử dụng TTHC lần sau.

Chính quyền các cấp sử dụng dữ liệu số để điều hành và ra các quyết định; đồng thời sử dụng báo cáo điện tử dùng chung; giảm các trường hợp yêu cầu cơ quan khác báo cáo, cung cấp thông tin. Đồng thời thay đổi từ nền hành chính công “một cửa cố định” đến “một cửa bất kỳ” mọi lúc, mọi nơi. Khi cần một dịch vụ bất kỳ, người dân có thể nộp hồ sơ qua mạng, hoặc từ một cơ quan nhà nước, chính quyền gần nhất tại nơi ở của mình.

Hiện nay có nhiều DVC liên quan một cách thường xuyên, hàng ngày đến đời sống người dân do doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp - hay còn gọi là dịch vụ sự nghiệp công (điện, nước, môi trường, truyền hình, viễn thông, hạ tầng đô thi, y tế, giáo dục, hỗ trợ vay…).

Chúng tôi kiến nghị ngoài kiểm soát và cung cấp trực tuyến thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước, thời gian đến cần triển khai kiểm soát và cung cấp trực tuyến đối với các dịch vụ sự nghiệp công để đem lại thuận lợi hơn nữa cho người dân.

 

Xin cảm ơn ông!

Hải Châu (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm