Muốn chuyển đổi số thành công, phải đưa công nghệ thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống
Chuyển đổi số là con đường hiệu quả nhất, ngắn nhất và nhanh nhất để tăng tốc và bứt phá / Bảo mật cho 5G xu hướng tất yếu của chuyển đổi số quốc gia
Cần phổ cập công nghệ số, dịch vụ số và dịch vụ an ninh mạng
Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam là hoạt động thiết thực đồng hành cùng Chính phủ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam, thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Ngày Chuyển đổi số Việt Nam được tổ chức với mong muốn đưa công nghệ thâm nhập vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Nếu như hồi tháng 3/2020 trên toàn bộ không gian mạng số lượt đề cập có chứa từ khóa “chuyển đổi số” chỉ khoảng 3.000 lượt thì đến tháng 11/2020 đã có 30.000 lượt. Từ khóa “chuyển đổi số” đã và đang len lỏi vào cuộc sống của chúng ta. Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2020 cũng nằm trong xu hướng này. Chuyển đổi số là sự dịch chuyển từ không gian thực lên không gian số. Sự dịch chuyển này là mới, chưa có tiền lệ. Vì vậy, nhận thức là quan trọng và chúng ta phải chia sẻ với nhau.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh một số nội dung về tiến trình chuyển đổi số quốc gia thời gian tới. Cụ thể, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hãy hoạch định cho mình một chiến lược và kế hoạch hành động để thực hiện chuyển đổi số. Người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức hãy là người tư duy, lựa chọn định hướng, xác định mục tiêu và ra đề bài về chuyển đổi số. Đối với các bộ, cơ quan ngang Bộ, chuyển đổi số không chỉ là trong hoạt động của nội bộ của bộ mình, mà là chuyển đổi số của ngành mình.
Còn với địa phương, chuyển đổi số không chỉ là hoạt động của các cơ quan nhà nước, không chỉ là phát triển chính quyền số mà còn là phát triển kinh tế số, xã hội số. Tỉnh ủy thảo luận, ra nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số. UBND tỉnh ban hành chiến lược và kế hoạch hành động để cụ thể hóa nghị quyết của Tỉnh ủy. Bộ TT&TT đã xuất bản Cẩm nang chuyển đổi số làm tài liệu tham khảo với khoảng hơn 100 câu hỏi-đáp đơn giản, dễ hiểu về chuyển đổi số và phân công Cục Tin học hóa là đầu mối đồng hành, hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng nêu rõ, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng đến sản phẩm, dịch vụ và làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó vươn ra toàn cầu.
Theo Thứ trưởng, Bộ TT&TT kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ lớn tập trung vào việc phát triển hạ tầng và các nền tảng, tạo không gian để các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động, kết nối kinh doanh và đổi mới sáng tạo. Như vậy, chúng ta mới tạo ra được một hệ sinh thái ứng dụng và dịch vụ đa dạng, bền vững với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp. Các địa phương hãy tập trung phát triển các doanh nghiệp tư vấn ứng dụng công nghệ số, mang công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống. Với các bộ, ngành, địa phương, Bộ TT&TT đề nghị khẩn trương ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, trong đó chú ý kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân tán.
“Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Nghĩa là, công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập - giá thành rẻ, dễ sử dụng và mang lại tiện ích cho mọi người”, đại diện Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Để đánh giá xem mỗi cơ quan, tổ chức đi bao xa và có đúng hướng không, Bộ TT&TT đã ban hành bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của các cơ quan, tổ chức nhà nước. Bộ sẽ tiếp tục ban hành bộ chỉ số tương tự cho các doanh nghiệp.
Đưa công nghệ thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Ngày Chuyển đổi số Việt Nam được tổ chức với mong muốn đưa công nghệ thâm nhập vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, chính phủ số giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp tăng năng suất lao động. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển. Các ngành và lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân
Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong 3 năm tiếp theo. Còn theo một khảo sát từ Singapore, nếu các nước ASEAN chuyển đổi số mạnh mẽ, năm 2030 GDP ASEAN có thêm 1.000 tỷ USD. Đối với Việt Nam, GDP năm 2030 sẽ tăng 100 tỷ USD.
Những năm qua, ngành CNTT Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành hạ tầng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo số liệu từ Bộ TT&TT, doanh thu ngành CNTT năm 2019 đạt khoảng 100 tỷ USD tương đương 1/3 GDP Việt Nam. Trong đó, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT có khoảng 12.000 doanh nghiệp đạt doanh thu 11 tỷ USD.
Theo khảo sát của VINASA với trên 500 doanh nghiệp, tổ chức tham gia Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT - Ngày Chuyển đổi số Việt Nam, 3 yếu tố thách thức nhất trong chuyển đổi số gồm: Quyết tâm của lãnh đạo tổ chức; Chi phí, thời gian, nguồn lực và Cách thức chuyển đổi số như thế nào thì phù hợp với tổ chức. Ngoài ra, yếu tố bảo mật an toàn thông tin là yếu tố thách thức có lựa chọn cao thứ 4 trong khảo sát.
Đại diện VINASA kỳ vọng, qua Diễn đàn lần này, sẽ bồi đắp thêm vào không gian tri thức chuyển đổi số những kinh nghiệm thực tiễn sống động và các giải pháp hiệu quả để cộng đồng doanh nghiệp Việt có thể tham khảo, lựa chọn cho hành trình của mình, tích cực kết nối hợp tác cung - cầu về chuyển đổi số.
Cũng trong Phiên khai mạc, nhiều thông tin chia sẻ rất hữu ích được chia sẻ như: Định hướng, kết quả đạt được và các chính sách thúc đẩy sáng tạo của Hàn Quốc trong cách mạng 4.0 (Chương trình I-Korea 4.0); Chính sách chuyển đổi số các ngành công nghiệp và hạ tầng mới của Trung Quốc; Chính sách phát triển kinh tế số với 2 chương trình lập quỹ thúc đẩy tiến trình số hoá quốc gia và các dịch vụ thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo, vườn ươm công nghệ của Malaysia; Chương trình 5G của Newzeland để thúc đẩy kinh tế số.
Các doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam như VNPT, FPT, MISA cũng có phần chia sẻ những kinh nghiệm, thuận lợi và khó khăn khi triển khai các giải pháp chuyển đổi số.
Bên cạnh những báo cáo và bài phát biểu chính, chương trình còn có triển lãm giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số, hoạt động kết nối cung cầu... (Ảnh Minh Quyết - TTXVN).
Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2020 diễn ra trong hai ngày 14-15/12/2020 với sự tham gia của trên 2.000 đại biểu trực tiếp và trên 10.000 khán giả theo dõi trực tuyến trên website chương trình tại http://dxdat.vinasa.org.vn, kênh YouTube và Facebook của VINASA.
Tối 14/12, Lễ Công bố và Trao chứng nhận Top 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2020 được tổ chức. Đây là chương trình lựa chọn TOP 10 các doanh nghiệp CNTT có năng lực, uy tín, cung cấp các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ chuyển đổi số trong 15 lĩnh vực đang được quan tâm hiện nay.
Ngày mai (15/12), Chương trình tiếp tục diễn ra với 6 hội nghị chuyên đề xoay quanh việc chuyển đổi số trong 6 ngành và lĩnh vực trọng điểm: Nông nghiệp, Y tế, Logistics, Tài chính - Ngân hàng, Sản xuất công nghiệp và nhóm Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Bên cạnh những báo cáo và bài phát biểu chính, chương trình còn có triển lãm giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số, hoạt động kết nối cung cầu, tư vấn về chuyển đổi số.
End of content
Không có tin nào tiếp theo