Chuyển đổi số là con đường hiệu quả nhất, ngắn nhất và nhanh nhất để tăng tốc và bứt phá
Cảnh báo chiêu trò cho vay nặng lãi qua thế chấp tài khoản iCloud / Giải pháp bảo vệ bản quyền của Việt Nam Sigma Multi-DRM đạt tiêu chuẩn toàn cầu
Chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu. Bằng cách số hóa các quy trình kinh doanh, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và quy trình quản trị, doanh nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả, gia tăng giá trị mà họ mang lại cho khách hàng và có vị thế tốt hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Sáng ngày 3/12/2020, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Đổi mới sáng tạo là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng nếu doanh nghiệp chúng ta không chuẩn bị đầy đủ và chủ động tận dụng cơ hội thì sẽ nhanh chóng bị tụt hậu và sẽ bị thua ngay trên sân nhà.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ông Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện.
Trong đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng của đổi mới sáng tạo. Đây cũng là con đường hiệu quả nhất, ngắn nhất và nhanh nhất để giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể đuổi kịp, bắt kịp và vươn lên.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, khái niệm “chuyển đổi số trong doanh nghiệp” được nhắc đến rất nhiều nhưng có nhiều quan điểm, cách nhìn nhận khác nhau. Dưới góc độ của chương trình, chúng tôi tiếp cận chuyển đổi số trong doanh nghiệp là giải pháp tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.
Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến năm 2025, Chương trình sẽ triển khai các hoạt động thiết thực với doanh nghiệp để đạt được các mục tiêu:
Thứ nhất, 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Thứ hai, tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ Chương trình như sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp.
Thứ ba, tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số, hướng tới các doanh nghiệp sản xuất, chế biến.
Thứ tư, thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số.
Toàn cảnh Lễ công bố “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025”.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Ann Marie Yastishock, đại diện USAID đánh giá cao sáng kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện chương trình chuyển đổi số cho doah nghiệp, giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh cũng nắm bắt các cơ hội thị trường trong bối cảnh hiện nay. Dịch Covid-19 đã tác động đến mọi ngành công nghiệp và cản trở các hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên đây cũng là chất xúc tác vô cùng đặc biệt để có sự thay đổi cũng như thúc đẩy nhu cầu về chuyển đổi số thông qua số hóa và tự động hóa. Doanh nghiệp sẽ tăng cường giá trị hàng hóa, đủ năng lực và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của khách hàng. Trong bối cảnh hậu dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ là chìa khóa để duy trì cạnh tranh, giúp doanh nghiệp thành công và phát triển bền vững.
Thông qua Chương trình, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kỹ thuật tập trung vào 4 nội dung chính sau: Thứ nhất, nâng cao nhận thức, tầm nhìn và chiến lược của doanh nghiệp về chuyển đổi số; Thứ hai, số hóa hoạt động kinh doanh như marketing, bán hàng…; Thứ ba, số hóa quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ, các nghiệp vụ quản lý tài chính, kế toán, nhân sự, báo cáo, giám sát và đánh giá…; Thứ tư, chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp. Trong giai đoạn đầu, Chương trình sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực như: cơ khí, điện tử, chế biến chế tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm…
End of content
Không có tin nào tiếp theo