Chính phủ số

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Make in Viet Nam không hàm ý Việt Nam tự làm tất cả

DNVN - Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta nói Make in Viet Nam, nhưng chúng ta không mong muốn và hàm ý Việt Nam tự làm tất cả. Việt Nam luôn đặt mình là một phần của thế giới.

Đà Nẵng: Điểm sáng giải quyết thủ tục thuế nhà đất của người dân thông qua hệ thống liên thông điện tử / Bình Dương: Doanh nghiệp, người dân thanh toán không dùng tiền mặt khi sử dụng dịch vụ công

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ II năm 2020.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ II năm 2020.

Sáng ngày 23/12/2020, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ II năm 2020 (Diễn đàn Doanh nghiệp công nghệ số lần 2 năm 2020). Tới dự Diễn đàn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương; các Tập đoàn; doanh nghiệp công nghệ số; các chuyên gia về CNTT và chuyển đổi số.

Đây là năm thứ hai Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 (Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số) được tổ chức, đánh dấu một năm cả nước nỗ lực thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg, khẳng định vai trò và sứ mạng chủ lực của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, hướng tới khát vọng xây dựng một quốc gia cường thịnh. Do đó, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần phải làm chủ công nghệ và chủ động sáng tạo ra các giải pháp mới; chủ động thiết kế làm ra sản phẩm mới chứa hàm lượng trí tuệ của người Việt Nam để đi ra thế giới.

"Chúng ta không lạc quan 'tếu', nhưng nếu có tự tin và đồng lòng thì có thể làm được"

Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: Thế giới phẳng, chúng ta nói nhiều về thế giới nhiều biến động đặc biệt là năm nay, chúng ta nghe nói nhiều về an ninh phi truyền thống từ nhiều năm. Năm 2020 chúng ta thấy rõ là dịch bệnh và thiên tai nặng nề. Nhưng chúng ta đừng quên một trong những yếu tố rủi ro về an ninh phi truyền thống là an ninh mạng. Công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu, chúng ta sử dụng nó phục vụ lại con người nhưng không được quản lý tốt cũng tiềm ẩn rủi ro rất nhiều.

Cách đây hơn một năm, không ai nghĩ Covid-19 có thể đảo lộn cả thế giới. Tại diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2020 hôm nay, chúng ta ngồi đây vì chúng ta có giải pháp của mình, với tâm thế biết mình ở đâu trong bản đồ y tế thế giới biết điểm mạnh của hệ thống y tế và quản trị xã hội của Việt Nam. Từ đó Việt Nam có giải pháp đúng, nhanh, kịp thời ứng phó khi đại dịch Covid-19 bùng nổ và điều đáng nói không phải đến từ một bộ óc nào cả mà là tổng hợp của nhiều ý kiến của cả những người không làm về y tế, trong đó có cả CNTT.

Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn ủng hộ sự phát triển thịnh vượng của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp công nghệ nói riêng. Chính phủ luôn ủng hộ và đánh giá cao việc các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ; quan trọng là đã chủ động để sáng tạo ra các giải pháp mới; chủ động thiết kế làm ra sản phẩm mới chứa hàm lượng trí tuệ của người Việt Nam. Chúng ta nói Make in Viet Nam, nhưng chúng ta không mong muốn và hàm ý Việt Nam tự làm tất cả. Việt Nam luôn đặt mình là một phần của thế giới. Những gì Việt Nam có được ngày hôm nay về CNTT nói riêng và mọi mặt nói chung là chúng ta nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho đối tác làm ăn và phát triển thịnh vượng tại Việt Nam.

Việt Nam có quyền tự tin để phát triển và thực hiện chiến lược về công nghệ. "Chúng ta không lạc quan 'tếu', nhưng nếu có tự tin và đồng lòng thì có thể làm được", Phó Thủ tướng cho biết, một trong những điểm Việt Nam có thể tự tin là sự phát triển mạnh mẽ trong giáo dục và chỉ số sáng tạo.

"Dù chúng ta không hài lòng giáo dục nước nhà, nhưng trong con mắt thế giới, giáo dục Việt Nam vẫn rất tốt, giáo dục phổ thông tiếp cận chuẩn giáo dục của OECD, giáo dục đại học từng bước nâng hạng. Các chỉ số khác trên bảng xếp hạng quốc tế như thu nhập bình quân, GDP... chúng ta đều đứng thứ 70 - 80, nhưng chúng ta có chỉ số giáo dục khá cao, đặc biệt đổi mới sáng tạo luôn nằm trong top 50", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu dẫn chứng cho việc Việt Nam có thể tự tin về giáo dục và sáng tạo để phục vụ sự phát triển công nghệ.

“Tinh thần này sẽ luôn luôn được tiếp tục duy trì và lan tỏa. Trong thế giới ngày nay, Việt Nam hiện dân số đứng thứ 15 trên thế giới, chúng ta có khả năng thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh; nếu chúng ta không chủ động nắm bắt công nghệ và tự tin thiết kế và làm ra sản phẩm của mình; sáng tạo bằng những cách làm của mình thì nhiều khi cạnh tranh trên sân nhà cũng không bình đẳng và trên thực tiễn đã cho thấy điều đó. Để giải quyết bình đẳng vấn đề trên có hai cách: Một là ngăn chặn; Hai là làm doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nói riêng từng bước lớn nhanh”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta cần phải khơi dậy tất cả tiềm lực của người Việt Nam trong nước và ngoài nước; gồm cả những người không mang quốc tịch Việt Nam làm ăn gắn bó tại Việt Nam; chúng ta cần phải có giải pháp Việt Nam để lấy lại thế cạnh tranh bình đẳng ngay tại thị trường Việt Nam. Mỗi người Việt Nam chúng ta, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ cần phải đồng lòng, hợp lực, tự tin, cùng nắm tay nhau để làm việc đó; để đưa Việt Nam phát triển cường thịnh.

"Chúng ta không tham vọng làm chủ toàn bộ công nghệ nhưng chúng ta phải có giải pháp của mình"

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam từ xưa đến nay luôn có truyền thống yêu nước mãnh liệt, tinh thần tự hào dân tộc, và nhờ tinh thần đó đã khơi dậy được sự sáng tạo của toàn dân; phối hợp sức mạnh bên ngoài giúp Việt Nam vượt qua nhiều thách thức mà tưởng chừng như chúng ta không vượt qua được. Dù là một quốc gia gặp nhiều khó khăn do chiến tranh tàn phá, nhưng Việt Nam là một quốc gia có tăng trưởng nhanh, liên tục trong vòng 20 năm trở lại đây.

Năm nay, xếp hạng về phát triển bền vững của Việt Nam đứng thứ 49 trên thế giới. Nếu đối chiếu khát vọng chung của thế giới với Việt Nam thì rất phù hợp với các tiêu chí từ hoà bình, chăm lo cho những người yếu thế đến bảo vệ thiên nhiên. "Tại sao một quốc gia thu nhập trung bình ngoài 100 nhưng phát triển bền vững thứ hạng dưới 50, điều này thể hiện tính ưu việt của chính sách và hệ thống chính trị", Phó thủ tướng nêu rõ. Từ những yếu tố trên, đội ngũ công nghệ số có thể tự tin để phát triển nhanh hơn, đẩy mạnh tốc độ phát triển. Chúng ta có thể tự tin cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Niệt Nam có thể góp sức lớn hơn đưa CNTT phát triển nhanh hơn, bền vững. Các doanh nghiệp công nghệ cần đồng thuận, cụ thể Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Cùng tạo ra các sản phẩm công nghệ số do người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam, giải các bài toán Việt Nam, đóng góp giá trị cho sự phát triển công nghệ số, góp phần quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số quốc gia với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng lưu ý, trong Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng đề cập tới “chữ tiên phong”, ngành bưu chính viễn thông trước đây và nay là ngành TT&TT dường như được lịch sử trao cho “sứ mệnh tiên phong” để dẫn dắt nhất là công cuộc chuyển đổi số quốc gia hiện nay. Ngành công nghệ là một trong những lĩnh vực được đầu tư để Việt Nam tạo ra sự phát triển bứt phá, hiện thực hoá mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao nhân dịp 100 năm thành lập nước. Phó Thủ tướng cho rằng, phần lớn tất cả các sản phẩm được vinh danh trong sự kiện hôm nay đều hướng đến các nhu cầu thiết yếu của con người như sức khoẻ, học tập, giao thông, vui chơi. Nếu làm tốt sẽ góp phần giúp đất nước phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Muốn đất nước phát triển nhanh hơn thì một trong những cách là phát triển công nghệ thông tin. Công nghệ chưa cần hoàn toàn của Việt Nam nhưng mô hình và giải pháp thì phải của riêng Việt Nam. Chúng ta không tham vọng làm chủ toàn bộ công nghệ nhưng chúng ta phải có giải pháp của mình. Tinh thần này không chỉ được khơi dậy trong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số, mà phải lan tỏa ra toàn xã hội. Chính phủ sẽ đóng vai trò là khách hàng lớn nhất, ra đầu bài và làm chỗ dựa để doanh nghiệp mở giải pháp, mở dữ liệu, mở sáng kiến hỗ trợ lẫn nhau... Việt Nam có thể tự tin dùng các giải pháp của mình để phát triển, trong đó công nghệ được trao sứ mệnh tiên phong”.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm