Chính phủ số

Từ 15/10, website thương mại điện tử bán hàng giả, hàng cấm bị phạt tiền, thu tên miền

DNVN - Từ 15/10, các cá nhân có hành vi bán hàng giả, hàng cấm hoặc hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên website TMĐT sẽ bị xử phạt tới 20 triệu đồng. Đặc biệt, mức phạt dành cho các tổ chức, doanh nghiệp sẽ nặng gấp đôi.

Xây dựng chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử / Thanh toán bằng tiền mặt mang đến rủi ro cho khách hàng và doanh nghiệp thương mại điện tử

Với những ưu điểm như tiện lợi, nhanh chóng, các sàn thương mại điện tử đã trở thành một kênh kinh doanh được nhiều người tiêu dùng lựa chọn khi mua sắm. Song hình thức kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Bởi vậy rất cần có sự chấn chỉnh kịp thời của các cơ quan chức năng, kèm theo những văn bản pháp luật chặt chẽ.

Nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ được xử lý mạnh tay hơn khi hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến trong thời đại 4.0

Nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ được xử lý mạnh tay hơn khi hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến trong thời đại 4.0

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa ban hành nêu nhiều quy định mới trong lĩnh vực thương mại điện tử. Nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ được xử lý mạnh tay hơn khi hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến trong thời đại 4.0

Nghị định mới quy định từng mức xử phạt cụ thể với các nhóm hành vi như: Thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động; Vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động; hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Cụ thể, sẽ phạt từ 1 - 5 triệu đồng với các cá nhân không công bố đầy đủ hoặc công bố không chính xác trên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng thông tin về chủ sở hữu website hoặc ứng dụng bán hàng, thông tin hàng hóa, dịch vụ, thông tin về giá cả, thông tin vận chuyển và giao nhận, thông tin về điều kiện giao dịch chung, thông tin về các phương thức thanh toán theo quy định; Các hành vi nhận chuyển nhượng website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng mà không làm thủ tục chuyển nhượng hoặc không tiến hành thông báo lại với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định cũng nhận mức phạt tương ứng.

Đối với hành vi sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

Quy định sẽ mạnh tay xử phạt đối với hành vi vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động. Mức phạt từ 10 – 20 triệu đồng áp dụng cho hành vi cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường Internet; Không thực hiện đúng theo các điều khoản của hợp đồng đã giao kết hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng đã giao kết sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động theo quy định.

Nếu vi phạm về hoạt động đấu giá trực tuyến sẽ bị phạt từ 1 – 5 triệu đồng đối với các hành vi không cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về địa điểm và thời gian đấu giá, thông báo đấu giá hàng hóa, cách thức xác định người mua hàng, thông báo kết quả đấu giá trên website hoặc ứng dụng đấu giá trực tuyến theo quy định.

Phạt từ 5 – 10 triệu đồng với một trong các hành vi như không thông báo kết quả đấu giá và gửi đến người bán hàng, người mua hàng và các bên có liên quan theo quy định; Không cung cấp cho người bán hàng thông tin về diễn biến cuộc đấu giá mà người bán hàng tổ chức khi có yêu cầu.

Nghị định còn quy định cụ thể mức phạt với một số hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Chẳng hạn như phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với các hành vi: Đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên website hoặc ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử mà không có cơ chế thông báo cho khách hàng sử dụng dịch vụ được biết hoặc không có lý do chính đáng; Không công bố quy chế hoặc công bố quy chế trên website khác với thông tin tại hồ sơ đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận; Thay đổi các nội dung của quy chế website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử mà không thông báo cho các chủ thể sử dụng dịch vụ trước khi áp dụng những thay đổi đó; Không có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động được thực hiện chính xác, đầy đủ.

Với hành vi tự ý thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ hoặc di chuyển trái phép thông tin thanh toán của khách hàng trên website hoặc ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc để thông tin thanh toán của khách hàng qua website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho khách hàng sẽ bị phạt từ 30 – 40 triệu đồng.

Đáng chú ý là mức tiền phạt quy định tại Nghị định 98 là áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.

Ngoài các mức xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định cũng áp dụng các tình tiết tăng nặng, biện pháp khắc phục hậu quả và hình thức xử phạt bổ sung như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; thu hồi tên miền ".vn" hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm