Chính phủ số

Xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư: Cần thiết sẽ đề xuất chính sách riêng cho Hà Nội

DNVN - Tại buổi làm việc với thành phố Hà Nội về việc triển khai thí điểm 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông và số hóa dữ liệu, sáng 22/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần thiết sẽ đề xuất chính sách riêng cho Hà Nội. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh, "dữ liệu mà không kết nối được giống như xây các tầng nhà mà không có móng”.

Chủ tịch Quốc hội: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội / Sắp có Cổng thông tin trực tuyến, miễn phí cập nhật cơ sở dữ liệu thương mại Việt Nam

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ có 25 dịch vụ công, trong đó có 4 dịch vụ kết hợp giữa 4 bộ: Công an, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ban Chỉ đạo Đề án 06 của Chính phủ đã chọn một số địa phương làm điểm, trong đó có Hà Nội, bởi thành phố có quy mô dân số đông, độ phức tạp về thành phần cư trú ngang nhiều nước trên thế giới.

Nhấn mạnh quan điểm “làm điểm” thay vì làm thí điểm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thí điểm có thể dừng, nhưng làm điểm là làm cho tới cùng. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần phải làm thật nghiêm túc và có thể tạo nên một “cuộc cách mạng” nếu làm tới cùng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu UBND thành phố Hà Nội cần chính thức khởi động việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung.

Muốn cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phải thay đổi phương thức làm việc, bắt đầu thực hiện từ dịch vụ ít người dùng nhất để khi làm các dịch vụ công khác phức tạp hơn sẽ không bị lỗi. Trong đó, việc thu thập dữ liệu cần phải thực hiện quyết liệt.

Cần chính thức khởi động việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung. Trong đó, xây dựng 3 dữ liệu về con người, tài chính doanh nghiệp và đất đai, tài nguyên.

Về dữ liệu con người, Phó Thủ tướng lưu ý, phải hướng tới làm rõ từ nhóm máu, quá trình học tập, bệnh tật, tài sản sau chết... Quá trình thu thập phải chỉ đạo thống nhất từ trên xuống, chú ý tới cơ chế lấy dữ liệu và cập nhật dữ liệu.

Về dữ liệu đất đai, đây là nội dung khá phức tạp. Nhóm về lao động tuy dễ hơn nhưng cần tập trung đối tượng bảo trợ, người có công, những đối tượng được nhận tiền hỗ trợ COVID-19. Về nhóm y tế, cần chỉ đạo thật khẩn trương, tiến tới bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử...

Nhấn mạnh, dữ liệu mà không kết nối được giống như ta “xây các tầng nhà mà không có móng”, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Nêu cao quyết tâm, làm hết lực, Hà Nội làm được thì cả nước làm được và cần thiết sẽ báo cáo Chính phủ đề xuất chính sách riêng”.

Tiếp thu ý kiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đề xuất, ngay sau buổi làm việc, các bộ, ngành ban hành chính thức các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu hướng dẫn thực hiện đối với công dân, công chức bộ phận “một cửa” và các tài liệu phục vụ công tác truyền thông cơ sở, để đội ngũ tình nguyện viên hoặc công chức bộ phận “một cửa” thuần thục trong quá trình hỗ trợ, hướng dẫn, tuyên truyền công dân trên địa bàn.

Thành phố Hà Nội cũng đề nghị thống nhất đầu mối triển khai chung qua Văn phòng Chính phủ để kịp thời trao đổi tháo gỡ các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện; đề nghị sớm triển khai kết nối Giấy chứng sinh điện tử và Giấy báo tử điện tử - cơ sở cho việc thực hiện không giấy tờ thực hiện liên thông và bảo đảm đúng quy trình thực hiện trên thực tế.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm