Chuyển đổi số

Bộ Công an: Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là "tài nguyên quốc gia đắt giá"

DNVN - Với đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, Bộ Công an đã nghiên cứu, triển khai các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân nói chung và các nhà mạng, tổ chức cung cấp dịch vụ Mobile Money nói riêng.

1,9 triệu USD hỗ trợ Việt Nam xây dựng, sử dụng dữ liệu về dân số / Chuyển đổi số Hải quan mang lại lợi ích 3 bên

Gần 400.000 hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử
Theo sự chỉ đạo của Chính phủ trong triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Căn cước công dân, Bộ Công an thực hiện nghiêm túc với cách làm sáng tạo, nhiều sáng kiến đổi mới trong chỉ đạo, thực hiện và đã thành công. Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đã chính thức được đưa vào hoạt độ ngày 1/7/2021.
Bộ Công an cho biết, đây là “tài nguyên quốc gia đắt giá”, là “dữ liệu gốc” cho quá trình chuyển đổi số, triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến; phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ Công an, Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân là "tài nguyên quốc gia đắt giá".
Đến nay, hệ thống đã đưa vào quản lý cấp số định danh cho 98.713.820 nhân khẩu trên cả nước; thu nhận 69.918.619 hồ sơ và in trả thẻ cho công dân 63.422.126 thẻ căn cước công dân trên toàn quốc.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an khẩn trương triển khai, xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh để cung cấp các tiện ích, dịch vụ công trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) và tích hợp vào các cổng dịch vụ công góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự thuận lợi cho người dân trong thực hiện các giao dịch.
Tính đến ngày 21/4/2022, Bộ công an đã triển khai thu nhận được 392.369 hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử trên phạm vi toàn quốc tại các địa điểm tiếp nhận thủ tục cấp đổi, cấp mới Căn cước công dân gắn chip.
Để tiếp tục phát huy những lợi ích, hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 về phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.
Trong đó trọng tâm là thực hiện 5 nhóm tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp trên nền tảng dữ liệu dân cư, định danh điện tử: Dịch vụ công; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; nhóm tiện ích phục vụ làm giàu cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; công dân số; phân tích, tổng hợp phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Đến nay, Bộ Công an đã triển khai kết nối chính thức đối với 8 đơn vị. Trong đó, các đơn vị đã gửi dữ liệu về Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư để tra cứu, xác thực thông tin để làm sạch dữ liệu. Trung tâm đã xác thực chính xác và đồng bộ các thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tích hợp trên Căn cước công dân: 19.977.288 thông tin BHXH; 78.240.542 thông tin mũi tiêm của Bộ Y tế ; đồng bộ thông tin Bộ giáo dục và đào tạo: 572.519 Công dân ; 252.680 thông tin đăng ký xe; 1.206.254 thông tin hộ chiếu…
Hỗ trợ nhà mạng trong việc triển khai Mobile Money
Đối với nhóm tiện ích phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công an đã nghiên cứu, triển khai các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân nói chung và các nhà mạng, tổ chức cung cấp dịch vụ Mobile Money nói riêng.
Cụ thể, về xác thực dữ liệu dân cư để làm sạch thuê bao di động, cấp tài khoản Mobile Money theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 88/TP-VPCP ngày 29/3/2022, Bộ Công an đã chủ trì làm việc cùng với các nhà mạng xây dựng quy trình, quy chế phối hợp để triển khai thực hiện kết nối để làm sạch thuê bao di động, giải quyết tình trạng sim rác trên nền tảng dữ liệu dân cư. Cấp tài khoản Mobile Money, cấp SIM chính chủ gắn với việc cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân.
Với giải pháp ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, hiện nay, Bộ Công an đang triển khai thí điểm việc xác thực thẻ căn cước công dân thật/giả, xác thực thông tin cơ bản, thông tin sinh trắc với dữ liệu được lưu trữ trong chip của thẻ căn cước công dân, nhằm tránh các rủi ro, gian lận trong hoạt động tài chính, ngân hàng, viễn thông, công chứng và các giao dịch dân sự, thủ tục khác.
Do vậy, các nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money tích hợp giải pháp này là cần thiết nhằm tránh các rủi ro trong hoạt động xác minh tài khoản qua ứng dụng trực tuyến và các quầy giao dịch, điểm tiếp nhận trực tiếp. Hình thức của giải pháp này được thể hiện qua: các đầu đọc thẻ căn cước công dân gắp chip, thiết bị xác minh di động tại quầy giao dịch, thư viện tích hợp vào các ứng dụng mobile trên nền tảng di động.
Theo Bộ Công an, những giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử được đưa ra triển khai nhằm hoàn thiện giải pháp triển khai Mobile Money, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm