Chuyển đổi số

CEO TNEX: Việt Nam đang hội tụ nhiều thuận lợi để Fintech “tăng tốc”

DNVN - Theo đánh giá của ông Bryan Carroll (đồng sáng lập và là CEO của TNEX – ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam), lĩnh vực Fintech ở Việt Nam tuy đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển nhưng rất tiềm năng để “tăng tốc”.

Phát động giải thưởng Sao Khuê 2022 / Doanh nghiệp bất động sản chuyển đổi số

Được biết, ông là chuyên gia đứng ở vị trí thứ 27 trong top 100 Nhà lãnh đạo xuất sắc nhất thế giới lĩnh vực Fintech (công nghệ tài chính) do tạp chí Fintech Magazine bình chọn. Vậy ông có thể chia sẻ lý do vì sao chọn Việt Nam để phát triển Ngân hàng số?

Ông Bryan Carroll: Theo như thống kê tôi có được, ở Việt Nam, ước tính hiện có khoảng 69% dân số chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính. Mục đích khi tôi quyết định phát triển TNEX tại Việt Nam là muốn thúc đẩy tài chính toàn diện cho người dùng.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều lợi thế có thể giúp TNEX và các doanh nghiệp fintech khác đạt được thành công hướng tới tài chính toàn diện như: dân số lớn, có trình độ học vấn cao, dân số trẻ và hiểu biết về công nghệ; là một quốc gia với hơn 68 triệu người dùng internet và 149 triệu kết nối di động. Đặc biệt có sự hỗ trợ rất lớn từ phía chính phủ.

Tầm nhìn của chúng tôi khi phát triển TNEX là trở thành ngân hàng số “lớn lên” cùng người trẻ Việt Nam; cung cấp cho họ nhiều lợi thế, không chỉ là trải nghiệm ngân hàng số đẳng cấp thế giới mà còn định hình phong cách sống vượt ra ngoài lĩnh vực ngân hàng, như y tế, giáo dục, quản lý chi tiêu, bảo vệ môi trường và mua sắm. Chúng tôi muốn hỗ trợ khách hàng của mình có một cuộc sống cân bằng hơn và giúp họ hoạch định một tương lai tài chính tốt hơn.

Ông Bryan Carroll - đồng sáng lập và là CEO của TNEX – ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam.

Ông Bryan Carroll - đồng sáng lập và là CEO của TNEX – ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam.

Được biết đến là ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam và trong 1 năm hoạt động vừa qua, TNEX đã được những kết quả như thế nào?

Ông Bryan Carroll: Cách tiếp cận của TNEX về cách thức cung cấp các dịch vụ tài chính rất khác so với các ngân hàng truyền thống ở Việt Nam. Giống như hầu hết các ngân hàng mới và fintech hàng đầu trên thế giới hoặc các nhà bán lẻ như Walmart và Ikea, TNEX 'nhúng' các dịch vụ tài chính vào cuộc sống hàng ngày của khách hàng.

Chúng tôi cung cấp một hệ sinh thái các dịch vụ kinh doanh và phong cách sống cho cả người trẻ và khách hàng tiểu thương, những trải nghiệm này được hỗ trợ bởi dịch vụ ngân hàng miễn phí mỗi ngày.

Đối với người trẻ, ứng dụng di động kết hợp các giải pháp tài chính số, sức khỏe, xã hội và lối sống để giúp họ quản lý tốt hơn các nhu cầu hàng ngày và các kế hoạch trong tương lai. Khách hàng có thể giao dịch, thanh toán hóa đơn, sử dụng tính năng quản lý tài chính cá nhân dựa trên biểu tượng cảm xúc để quản lý tiền của họ. Khách hàng mua sắm và thanh toán quần áo, thực phẩm, đồ uống và giáo dục, mua bảo hiểm, sử dụng tính năng trò chuyện để nói chuyện với bạn bè, tất cả chỉ với một vài thao tác vuốt.

 

TNEX được ra đời ngày 11/12/2020, chỉ sau 10 tháng thiết kế và phát triển. Chúng tôi đã ra mắt thành công hai ứng dụng là TNEX dành cho người trẻ và TNEX merchant dành cho các tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Đây là các ứng dụng được xây dựng trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhất tại Đông Nam Á, sử dụng khoa học dữ liệu, điện toán đám mây và API. Qua đó, giúp chúng tôi liên tục đổi mới và cho phép cung cấp dịch vụ ngân hàng miễn phí trọn đời cho khách hàng một cách bền vững.

Trên thực tế, TNEX thực sự muốn đồng hành trọn đời với những khách hàng trẻ tuổi. Chúng tôi muốn cùng họ lớn lên và ở bên họ trong suốt cuộc đời, giúp họ có một tương lai khỏe mạnh, mãn nguyện hơn và an toàn hơn về tài chính.

Đến tháng 12/2021, TNEX đã thu hút được 500 nghìn khách hàng cá nhân và 15 nghìn khách hàng là hộ kinh doanh tham gia hoạt động và giao dịch trên các nền tảng của mình.

Trong suốt một năm từ ngày ra mắt, chúng tôi đã nhận được nhiều sự quan tâm và công nhận thông qua các danh hiệu của các tổ chức uy tín trên thế giới như “Ngân hàng Số mới ra mắt tốt nhất”, “Ngân hàng số của Việt Nam 2021”…

Ngân hàng số đang phát triển mạnh giữa đại dịch.

Ngân hàng số đang phát triển mạnh giữa đại dịch.

 

Vậy đâu là thách thức của TNEX khi tham gia thị trường Fintech tại Việt Nam, đặc biệt lại đúng trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, thưa ông?

Ông Bryan Carroll: Đại dịch COVID-19 xảy ra bất ngờ và gây không biết bao nhiêu tổn thất về kinh tế xã hội cho cả thế giới. TNEX lúc ấy vừa mới bắt tay vào phát triển, cả tổ chức, con người, quy trình, ý tưởng còn đang ngổn ngang. Tuy vậy, chính thời điểm khó khăn ấy khiến bật lên trong chúng tôi những động lực mới để nỗ lực vượt lên chính mình.

Vốn là một doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành công nghệ tài chính, dịch bệnh xảy ra thúc đẩy chúng tôi phải áp dụng công nghệ sâu hơn, đa dạng và hiệu quả hơn. Thay vì những tương tác đội nhóm trực tiếp tại văn phòng, chúng tôi dần chuyển qua sử dụng các nền tảng gặp gỡ trao đổi trực tuyến. Công việc được chia sẻ, cập nhật và quản lý trên các phần mềm, các ổ lưu trữ dữ liệu bảo mật chung.

Nhờ đó, hiệu quả công việc không hề bị ảnh hưởng mà còn tăng tốc. Chúng tôi rút ngắn được thời gian phát triển, ra mắt được nhiều tính năng sản phẩm hơn, xử lý các yêu cầu của khách hàng nhanh hơn cũng như hoàn thiện nhiều quy trình nội bộ để hoạt động trơn tru hơn.

 

COVID-19 cũng khiến chúng tôi mở rộng các kênh trao đổi để tiếp nhận và lắng nghe phản hồi, liên tục đổi mới, tạo ra sự khác biệt và mang đến giá trị thiết thực cho khách hàng.

Nhìn lại, COVID-19 vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội, thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển mình đổi mới và áp dụng kỹ thuật số trên mọi lĩnh vực.

Ông có nhận định thế nào về tiềm năng cũng như sự phát triển của ngành ngân hàng số cũng như thị trường Fintech tại Việt Nam? Để Fintech tại Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ hơn, theo ông cần phải có những yếu tố gì?

Ông Bryan Carroll: Nằm trong xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Fintech đã và đang mang tới những sự đổi mới, sáng tạo làm thay đổi bộ mặt của hệ thống ngân hàng - tài chính truyền thống khi chuyển sang công nghệ ngân hàng số.

Tiềm năng của thị trường Fintech tại Việt Nam là rất lớn – thực tế nó giống với cảm nhận của tôi vào cuối những năm 1990, khi tôi làm việc trong các cộng đồng khởi nghiệp ở California (Mỹ).

 

Thật tuyệt vời khi tại Việt Nam đang có sẵn rất nhiều yếu tố quan trọng để Fintech có thể phát triển – một thế hệ trẻ, có học thức, tò mò và đam mê công nghệ, kỹ thuật số. Để bắt kịp với công nghệ thuần số, và Chính phủ hỗ trợ việc đẩy mạnh kỹ thuật số… tương lai của thị trường Fintech tại Việt Nam sẽ vô cùng triển vọng.

Những thách thức thực sự, “công thức bí mật”, đối với Fintech/startup trên toàn thế giới nhìn chung là giống nhau và hầu hết không liên quan đến công nghệ hoặc luật pháp. Đó là tìm ra một ý tưởng bạn đam mê, mà có thể tạo ra sự khác biệt đầy ý nghĩa với cách thế giới vận hành, hoặc cách chúng ta đang sống. Đừng sợ thất bại… bởi bạn phải thất bại vài lần trước khi đạt đến thành công, và cuối cùng, bạn sẽ gặp được những người có cùng đam mê với mình.

Chỉ khi đó, bạn mới có thể chạm tới yếu tố quan trọng nhất để khởi nghiệp thành công, đó là một văn hóa làm việc cởi mở, một cách có chủ đích, sẽ cho phép bạn đổi mới, xây dựng và mở rộng quy mô công ty của mình.

Xin cảm ơn ông!

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm