Kinh tế số

Bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/7: Chấm dứt kiểu "tiền trao cháo múc"

DNVN - Theo Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14 được quốc hội thông qua, từ ngày 1/7/2022, 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh phải phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT). Theo đó, với các cá nhân, hộ kinh doanh sẽ không còn kiểu "tiền trao cháo múc" như trước, thay vào đó phải thay đổi tư duy cũng như cách quản trị.

6 tháng triển khai Mobile Money: Nhà mạng "than" nhiều vướng mắc / Kịch bản cho chuyển đổi số đóng góp vào GDP và tăng trưởng

Nhiều vướng mắc
Hóa đơn điện tử có thể hiểu đơn giản là tất cả các hóa đơn giấy được chuyển sang phương tiện điện tử như máy tính, điện thoại. Hóa đơn điện tử bao gồm: Hóa đơn xuất khẩu, hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng, hóa đơn khác gồm: tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm…
Theo Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14 được Quốc hội thông qua, từ ngày 1/7/2022, 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh phải phát hành hóa đơn điện tử. Đây là chính sách vừa có lợi cho doanh nghiệp lại vừa tăng cường tính minh bạch cho các cơ quan thuế theo dõi, giám sát các hoạt động kinh tế được tốt nhất.
Tại hội thảo "Hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo quy định tại Nghị định 123/2020 và Thông tư số 78/2021 - Những điều doanh nghiệp cần lưu ý khi áp dụng" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng công ty Viễn thông MobiFone tổ chức sáng 27/5 tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, hoạt động chuyển đổi số, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế, nhất là việc triển khai hệ thống HĐĐT có vai trò quan trọng, tạo bước đột phá mới trong chuyển đổi số cho ngành thuế.
Để áp dụng HĐĐT theo quy định mới, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, các doanh nghiệp cần giải đáp vướng mắc về Nghị định 123 và Thông tư 78.
Là đơn vị đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, VCCI nhận thấy việc ngành thuế triển khai sử dụng HĐĐT thay cho hóa đơn giấy là việc làm vô cùng hữu ích cho doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, sau thời gian thí điểm triển khai HĐĐT theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP (Nghị định 123) và Thông tư 78/2021/TT-BTC (Thông tư 78) với nhiều nội dung mới mang đến những vướng mắc phát sinh cần giải đáp, xử lý kịp thời cho người nộp thuế. Đặc biệt với các hộ, cá nhân kinh doanh là những đối tượng lần đầu sử dụng HĐĐT.
Đề cập vướng mắc của các hộ kinh doanh khi áp dụng HĐĐT, ông Nguyễn Văn Phụng - Cục trưởng Cục thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, những hộ kinh doanh đối mặt với nhiều khó khăn bởi vì cách làm khác, quản trị khác, và tư duy của họ cũng phải khác trước.
"Lâu nay họ làm việc theo kiểu "tiền trao cháo múc", nhưng khi thành cơ sở kinh doanh, để áp dụng thuế tốt, họ phải giữ chứng từ, hóa đơn đầu ra, đầu vào. Việc viết hóa đơn, giữ hóa đơn cũng là một việc làm rất mới đối với họ. Đương nhiên cái gì mới cũng sẽ gây bỡ ngỡ", ông Phụng chia sẻ.

Những điều doanh nghiệp cần biết
Để giúp các DN và các hộ kinh doanh nắm vững hơn thông tin về HĐĐT, ông Phụng đã giới thiệu nội dung chính của Nghị định 123 và Thông tư 78 về hóa đơn và chứng từ, chứng từ và hóa đơn điện tử; Nghị định 125/2020 về xử phạt hành chính thuế, hóa đơn; Nghị định 43 và Nghị định 15/2022 về giải pháp thuế năm 2022.
Về chứng từ và hóa đơn, doanh nghiệp cần phân biệt được sự khác nhau giữa chứng từ và hóa đơn và hành trình của hóa đơn theo thời gian.
Đối với chứng từ và HĐĐT triển khai hoạt động năm 2022, doanh nghiệp cần nắm vững thông tin về lộ trình thực hiện HĐĐT, các văn bản pháp luật về hóa đơn, hóa đơn chứng từ điện tử, Thông tư 78... Doanh nghiệp cũng cần biết về các trường hợp không nhất thiết đủ nội dung, một số lưu ý của NĐ 123/2020, Thông tư 78/2021, cách áp dụng các nghị định ban hành năm 2020.
Đánh giá cao việc cơ quan quản lý Nhà nước ban hành Nghị định 123 và Thông tư 78, ông Hà Viễn Dương - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin MobiFone cho biết, sau quá trình triển khai HĐĐT vừa qua, MobiFone cũng nhận thấy Nghị định 123 và Thông tư 78 là quyết định đúng đắn, kịp thời, phù hợp với xu thế về chuyển đổi số của Việt Nam. Hiện Chính phủ đang đẩy mạnh số hóa toàn bộ quá trình quản lý hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có quản lý về thuế, giúp Nhà nước quản lý thuế của DN cũng như các DN quản lý dữ liệu xuyên suốt bằng hệ thống online.
MobiFone cũng là 1 trong những DN đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ là cánh tay nối dài với Tổng cục thuế xây dựng giấy phép tổ chức truyền nhận về giải pháp HĐĐT từ tháng 11/2021.
Sau Nghị định 123 và Thông tư 78, các tổ chức giải pháp DN có nền tảng công nghệ đã xây dựng hồ sơ và đăng ký với Tổng cục Thuế và MobiFone là 1 trong 19 DN được nhận giấy phép tổ chức truyền nhận trung gian kết nối giữa Tổng cục Thuế với người dùng. MobiFone cũng đóng vai trò là đơn vị cung cấp giải pháp HĐĐT.
Thời gian quan, đội ngũ của MobiFone đã đồng hành cùng các tỉnh, thành trong việc tư vấn và tháo gỡ khó khăn cho nhiều khách hàng DN, các hộ cá thể trong việc áp dụng HĐĐT.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm