Kinh tế số

Kiến nghị nhanh chóng lập mạng lưới trường đại học đào tạo thương mại điện tử

DNVN - Trong bối cảnh nguồn nhân lực ngành thương mại điện tử (TMĐT) vừa thiếu vừa yếu, các trường đại học đào tạo cử nhân TMĐT cho rằng cần nhanh chóng thành lập mạng lưới các trường đại học đào tạo TMĐT, tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức về kinh doanh số cho giảng viên giảng dạy TMĐT...

Tài chính kỹ thuật số: Cứ 3 người Đông Nam Á có 1 người gặp phải hành vi gian lận trực tuyến / Không doanh nghiệp nào muốn sáng tạo khi còn đầy rẫy hàng giả, hàng nhái

Với việc coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TMĐT, ngày 11/5/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014 – 2020. Theo đó đã đề ra mục tiêu tới năm 2020 sẽ có 10.000 sinh viên được đào tạo về chuyên ngành TMĐT, đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng TMĐT cho doanh nghiệp.
Mục tiêu đối với nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn năm năm 2021 – 2025 còn cao hơn nữa. Theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia, tới năm 2025 cần đạt được hai mục tiêu liên quan tới nguồn nhân lực. Đó là 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về TMĐT; 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khoá đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT.
Tuy nhiên, theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) năm 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa công bố, nguồn nhân lực TMĐT vừa thiếu vừa yếu là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc lựa chọn tên miền chưa phù hợp cũng như hiệu quả hoạt động rất thấp của các sàn TMĐT tại các địa phương. Trên thực tế, nhiều đơn vị vận hành những sàn này hầu như chưa có cán bộ được đào tạo chuyên sâu về TMĐT.
Trên phạm vi cả nước, việc thu hút nhiều hơn đầu tư nước ngoài và trong nước vào các nền tảng TMĐT chỉ là một điều kiện cần cho sự phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Nguồn nhân lực chất lượng cao về TMĐT tại hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh trên cả nước chính là một trong các yếu tố quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững của TMĐT nước ta trong giai đoạn tới. Kênh chủ yếu để đào tạo nguồn nhân lực TMĐT chất lượng cao là các trường đại học.

Tính đến nay, Việt Nam đã có trên 30 trường đại học đào tạo cử nhân TMĐT.
Theo khảo sát đầu năm 2022 của VECOM về tình hình đào tạo TMĐT tại các trường đại học trên cả nước, tới nay Việt Nam đã có trên 30 trường đại học đào tạo cử nhân TMĐT, trong đó 13 trường ở miền Bắc, 5 trường ở miền Trung và 14 trường ở miền Nam.
Phần lớn các trường trên bắt đầu đào tạo cử nhân ngành này trong giai đoạn năm 2016 – 2020. Mục tiêu đào tạo là cử nhân sau khi tốt nghiệp có thể chủ trì hoặc tham gia quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, xây dựng chiến lược kinh doanh trực tuyến, số hoá các tài nguyên, tiến hành kinh doanh trên các nền tảng số, trang thông tin điện tử hay ứng dụng di động, tổ chức bán hàng đa kênh. Những cử nhân này cũng có khả năng tổ chức các hoạt động hỗ trợ kinh doanh trực tuyến, bao gồm tiếp thị số, thanh toán trực tuyến và quản lý chuỗi cung ứng.
VECOM đánh giá, việc tuyển sinh thuận lợi do ngành mới này hấp dẫn, thu hút được đầu vào chất lượng khá với điểm chuẩn tuyển sinh khá cao. Tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm ngay khi chưa tốt nghiệp cao, phần lớn sinh viên làm việc đúng ngành đào tạo sau khi ra trường.
Tuy nhiên, phần lớn các trường gặp khó khăn khi biên soạn giáo trình và học liệu học tập. Đội ngũ giảng viên còn chưa đáp ứng nhu cầu giảng dạy cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhu cầu học cử nhân ngành TMĐT tăng nhanh nhưng nhiều trường chưa thể tăng chỉ tiêu đào tạo. Hoạt động đào tạo gắn với thực tiễn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc hỗ trợ sinh viên có được vị trí thực tập phù hợp tại các doanh nghiệp TMĐT hàng đầu. Hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập diễn ra đơn lẻ tại từng trường, chưa có những hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn sinh viên ngành TMĐT trên phạm vi cả nước.
Từ thực tế trên, các trường ủng hộ ba đề xuất lớn. Thứ nhất, cần nhanh chóng thành lập mạng lưới các trường đại học đào tạo TMĐT. Thứ hai, tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức về kinh doanh số cho giảng viên giảng dạy TMĐT. Thứ ba, nhiều trường mong muốn phối hợp với tổ chức chuyên môn về thương mại điện tử là VECOM tổ chức các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ nghề nghiệp cho sinh viên năm cuối.
Có ba kênh đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử chủ yếu: đào tạo tại chỗ ở doanh nghiệp, tại các trường đại học, tại các trường cao đẳng và trường dạy nghề. Trong trung và dài hạn, nguồn nhân lực từ các trường cao đẳng và trường nghề sẽ là lực lượng chủ chốt trực tiếp triển khai hoạt động kinh doanh trực tuyến tại các cơ sở kinh doanh.
Do đó, cần nhanh chóng khảo sát hiện trạng đào tạo sinh viên TMĐT tại những trường này và có các biện pháp hỗ trợ phù hợp. Chỉ khi nguồn nhân lực được cung cấp đồng thời từ ba kênh này đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và chất lượng thì TMĐT nước ta mới có thể phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới năm 2025 và xa hơn.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm