ChatGPT là cuộc chơi của các "ông lớn", Việt Nam không thể chen chân?
DNVN - Theo TS Giáp Văn Dương, trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung và ChatGPT nói riêng là cuộc chơi của các "ông lớn". Thiếu tiềm lực tài chính, vướng rào cản ngôn ngữ nên Việt Nam chỉ có thể sử dụng, khai thác nó như một công cụ làm việc để nâng cao hiệu suất, phục vụ phát triển một số nhánh kinh tế mới...
Đối mặt khó khăn quản trị nguồn lực, doanh nghiệp hóa chất chuyển đổi số / Doanh nghiệp gặp khó khi dùng nhiều dịch vụ đám mây
ChatGPT hiện đang là một trong những cái tên được tìm kiếm và thu hút sự quan tâm của người dùng ở nhiều quốc gia khác nhau. ChatGPT là sản phẩm của công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI có trụ sở nằm tại San Francisco, ra mắt vào ngày 30/11/2022. Nó được tạo nên từ hệ thống kho dữ liệu vô cùng khổng lồ với nguồn thông tin lấy từ internet. Hệ thống chương trình này có thể giúp người dùng trả lời câu hỏi ở nhiều khía cạnh và lĩnh vực khác nhau.
Hiện còn quá sớm để nói ChatGPT tác động như thế nào đến các lĩnh vực trong đời sống kinh tế xã hội. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, sự ra đời của ChatGPT vào ngày 30/11/2022 đã gây ra cơn địa chấn trên toàn cầu vì lần đầu tiên đại chúng được tiếp cận với 1 ứng dụng của AI. Ứng dụng này đủ để làm việc, để giảm tải và thay thế rất nhiều công việc và đủ để liên tưởng, suy ngẫm về những thay đổi lớn trong công việc với nhiều người.
Tại tọa đàm "Giáo dục trong thời đại AI: Cơ hội cho ai?" do Tạp chí Tia sáng tổ chức mới đây, TS Giáp Văn Dương, người từng được Asia Society chọn là Asia 21 Young Leaders, cho rằng, thời gian tới sẽ có nền kinh tế AI giống như nền kinh tế internet trước đây. Đây là cơ hội mới cho Việt Nam. Chỉ có điều AI là cuộc chơi của các "ông lớn". Số công ty trên thế giới làm được những sản phẩm như ChatGPT có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi chỉ riêng điện tiêu thụ của hệ thống ChatGPT đã cực kỳ lớn. Doanh nghiệp Việt Nam không đủ tài chính để làm, để huấn luyện nó.
TS Giáp Văn Dương tại tọa đàm: "Giáo dục trong thời đại AI: Cơ hội cho ai?"
Với AI nói chung và ChatGPT nói riêng, Việt Nam lại bất lợi về ngôn ngữ. Kho tiếng Việt trên internet thực ra rất nhỏ nếu so với tiếng Anh và tiếng Trung. Tiếng Việt không đủ dữ liệu để AI xử lý. So với tiếng Anh và tiếng Trung, việc dùng AI tiếng Việt không khác gì trẻ con với người khổng lồ trên mạng internet.
"Có thể nói, AI nói chung và ChatGPT là cuộc chơi của các ông lớn. Doanh nghiệp Việt không đủ tiềm lực để đầu tư. Kho tiếng Việt trên internet để AI dùng và xử lý là hoàn toàn thua so với tiếng Anh và tiếng Trung. Việt Nam chỉ có thể sử dụng, khai thác nó như một công cụ làm việc để nâng cao hiệu suất, phục vụ cho phát triển một số nhánh kinh tế mới", chuyên gia Giáp Văn Dương nhận định.
Cần làm rõ thái độ của chúng ta với AI và ChatGPT. Để tạo ra một sân chơi lớn, một platform kiểu như ChatGPT hay như Facebook mạng xã hội toàn cầu không phải là thế mạnh của Việt Nam. Do điều kiện tài chính, nguồn lực, rào cản ngôn ngữ và số lượng người dùng.
"Chúng ta không tạo ra hệ sinh thái, hay tạo một mạng xã hội khác thay thế Facebook vì đây là điều không tưởng. Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một phần của hệ sinh thái đó để khai thác, sử dụng nó và đứng trên vai nó thì hoàn toàn làm được. Trong nền kinh tế AI, Việt Nam có thể trở thành một phần của nó nhưng phải xác định mình không phải là chủ sở hữu cuộc chơi đó. Suy cho cùng, đó là cuộc chơi của khối các nước nói tiếng Anh, đứng đầu là Mỹ, sau đó là Trung Quốc - nơi có tiềm lực và thu hút người dùng cực lớn", ông Giáp Văn Dương nói.
Đồng quan điểm, bà Lê Minh Đức - CEO Tổ chức giáo dục trực tuyến FUNIX cho biết, ChatGPT thuộc về các "ông lớn" là điều chắc chắn.
"Với góc nhìn của tôi thì trách nhiệm của các "ông lớn" nhiều hơn là việc mình không thể đấu được. Bởi vì để làm được điều tương tự như ChatGPT đòi hỏi nguồn tài chính, server, data, điện năng "khủng". Chúng ta thật hạnh phúc khi các "ông lớn" đầu tư để thế giới có cơ hội sử dụng ứng dụng thân thiện đến như vậy", bà Lê Minh Đức nói.
Trong bối cảnh này, theo bà Lê Minh Đức, phải rất khích lệ các công ty AI trong nước, dù không làm được những thứ như ChatGPT nhưng còn rất nhiều lĩnh vực AI khác để có thể có đóng góp trong hoạt động kinh doanh, sản xuất và thậm chí là trong giáo dục.
CEO FUNIX đánh giá, còn rất nhiều thị trường cho các công ty AI ở Việt Nam. Việt Nam cũng có nhiều thế mạnh về thu thập data bởi vì những gì liên quan đến big data ở Việt Nam hay Trung Quốc rất rẻ.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo