Kinh tế số

Doanh nghiệp bứt phá giữa đại dịch nhờ "phao cứu sinh" thương mại điện tử

DNVN - Theo giám đốc công ty thương mại Kim Cương Xanh, nỗi đau từ COVID-19 mà các doanh nghiệp phải gánh chịu là không thể kể hết. Tuy nhiên, với nhận thức nghiêm túc về kinh doanh trực tuyến từ sớm, doanh nghiệp của bà đã tồn tại và thậm chí phát triển mạnh giữa đại dịch.

Triển lãm Vietnam Foodexpo 2021 hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương trên môi trường số / Cần sớm có quy định chung cho tiền kỹ thuật số

Cần lựa chọn kênh thương mại điện tử phù hợp
Tại hội nghị quốc tế về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến xuất khẩu, kết hợp tổ chức giao thương trực tuyến trên nền tảng số diễn ra ngày 11/11, bà Đoàn Trần Thùy Linh - Giám đốc điều hành và là người sáng lập Công ty CP Sản xuất và Thương mại Kim Cương Xanh chia sẻ, doanh nghiệp (DN) này chính thức tiếp cận với thương mại điện tử (TMĐT) từ năm 2016 - thời điểm các sàn TMĐT phát triển rất mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam.
Với nhận thức nghiêm túc về việc đầu tư nguồn lực vào thị trường online, đến cuối năm 2019, DN bắt đầu tiếp cận với sàn Alibaba.com và xuất khẩu ra thị trường thế giới.
"Đầu năm 2020 khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tôi càng cảm thấy may mắn khi DN có kênh bán hàng thông qua TMĐT. Nếu không có kênh bán hàng này thì DN F&B của mình thực sự sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề", bà Linh nói.
Theo bà Linh, nhờ các kênh bán hàng TMĐT nên mọi rào cản bị gỡ bỏ dần dần. DN có thể trao đổi mọi thứ qua môi trường internet và không có phải tốn nhiều chi phí vận hành cũng như bị ngưng trệ như thị trường offline. Đến nay, DN vẫn tiếp tục phát triển và phát triển càng mạnh mẽ.
Khi bán hàng trên sàn TMĐT, dưới góc độ DN, bà Linh đánh giá không có thành công nào là dễ dàng cả. Những ngày đầu bán hàng trên môi trường mới, bà không hình dung hết những gì xảy đến. Chẳng hạn, khi đơn hàng tăng đột biến không biết xử lý ra sao, cơ cấu nhân sự thế nào cho phù hợp.

Theo bà Linh, DN phải nhận thức rằng giờkhông thể không bán hàng trên sàn TMĐT.
"Tôi đã thay đổi rất nhiều về tư duy. Trong suốt 2 năm hoạt động trên sàn Alibaba, tôi hiểu rõ bản chất bán B2C và B2B. Tôi cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc nghiên cứu thị trường và cập nhật xu hướng trong lĩnh vực B2B cũng như trong ngành F&B mà DN đang theo đuổi. Đặc biệt, tôi nhận ra rằng bán hàng online là con đường ngắn nhất để có hiệu quả cao nhất với doanh thu cao và chi phí thấp", bà Linh cho biết.
Cũng theo chia sẻ của bà Linh, tham gia bán hàng trên sàn TMĐT đem lại nhiều lợi ích. Ngành F&B có đặc trưng là tồn kho. Trong khi DN không muốn thiệt hại và chôn vốn quá nhiều vào tồn kho. Với việc DN thực hiện chuyển đổi số, yếu tố tồn kho được giảm thiểu, tiết kiệm được chi phí vận hành.
Bà Linh cho rằng, DN cần chuyển đổi số ngay bởi dịch bệnh COVID-19 đã tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu và thói quen mua hàng của người tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều.
"TMĐT đã phát triển 10 năm nay trong khi không ít các DN của Việt Nam giờ mới rục rịch thay đổi. Sau những tác động nặng nề bởi COVID-19, các DN mới nhận thức sâu sắc cần phải áp dụng TMĐT. Trước đây, TMĐT có cũng được, không có cũng chẳng sao. Nhưng giờ DN phải nhìn nhận lại rằng không thể không bán hàng trên sàn TMĐT", bà Linh nhận định.
Từ những thành công trong việc bán hàng trực tuyến cùng với sự thay đổi hành vi khách hàng cũng như sự dịch chuyển nguồn cung, bà Linh khuyến nghị, DN cần dịch chuyển, online hóa hoạt động sản xuất kinh doanh và bán hàng, đặc biệt nên thiết lập kênh TMĐT cho riêng mình.
Cần hệ sinh thái cho logistics
Cũng nhấn mạnh đến việc thích ứng và đổi mới trong bối cảnh kinh doanh mới, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, số lượng lớn người tiêu dùng đã và đang chuyển sang mua sắm trên kênh trực tuyến. Theo đó, các DN F&B (dịch vụ ăn uống, nhà hàng) phải tập trung phát triển các chiến lược toàn diện liên quan đến quản trị, chiến lược sản phẩm và ứng dụng công nghệ.
"Đặc biệt, các DN đã nhìn thấy rõ lợi ích tất yếu liên quan đến sự sống còn của DN. Đó chính là ưu tiên thay đổi phương thức tiếp thị, tương tác khách hàng và phân phối thông qua TMĐT", bà Chi nói.
Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, ngành F&B có rất nhiều DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Do đó, trước khi có dịch, đa phần các DN không bán hàng trên sàn TMĐT. Tuy nhiên, thời gian qua, các DN đã thay đổi tư duy về việc bán hàng trên môi trường số. Một số DN dù không lớn nhưng đã bắt đầu đầu tư để bán hàng trên sàn TMĐT. Điều này cho thấy việc mua bán trên sàn TMĐT với các DN F&B đã thay đổi.
Ngoài ra, nhiều DN lớn của Việt Nam đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp với phát triển các sản phẩm nông nghiệp chế biến sâu. Với việc đầu tư này, Việt Nam đã có những sản phẩm tham gia vào thị trường xuất khẩu lớn.
"Có thể nói, sự phát triển của TMĐT là chìa khòa thành công cho sự phát triển của ngành F&B VIệt Nam và chắc chắn sẽ là một xu hướng bắt buộc, mang tính liên tục và không thể đảo ngược do sự thay đổi liên tục của công nghệ, nhu cầu khách hàng và xu hướng thị trường", bà Chi nhìn nhận.
Mặc dù cho rằng các kênh trực tuyến hứa hẹn mang đến cho người tiêu dùng sự tiện lợi, giá cả cạnh tranh nhưng bà Chi cho rằng Việt Nam còn thiếu một hệ sinh thái cho logistics (dịch vụ cung ứng). Do đó gây trở ngại trong việc thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng các kênh TMĐT. Vấn đề phát triển đồng bộ hệ sinh thái logistics để đi đôi với sàn TMĐT là thách thức với các DN trong ngành F&B giai đoạn hiện nay.
"Chúng tôi đề xuất với TP Hồ Chí Minh phát triển những mạng lưới về logistics, hệ thống kho lạnh để giúp các nhà phân phối lẻ đồng bộ được trên sàn TMĐT. Việc kết hợp với những đơn vị điện tử uy tín là rất cần thiết để kết nối cho các DN, nhất là các DN trong ngành F&B hoạt động hiệu quả", người đứng đầu Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm