Kinh tế số

Doanh nghiệp có nên sử dụng cùng lúc nhiều nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây?

DNVN - Tại Hội thảo "Vai trò của trí tuệ nhân tạo trong điện toán đám mây" do IDG Việt Nam tổ chức chiều 29/10, các diễn giả đã chia sẻ quan điểm về lợi thế khi sử dụng nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây (ĐTĐM) trong nước cũng như phân tích về việc doanh nghiệp có nên sử dụng cùng lúc nhiều nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước hay không.

Chủ tịch FPT Telecom: Hàng triệu người trẻ có nguy cơ mất việc làm vì robot / Giảm giá tới 40% khi mua nông sản trên sàn Sendo

Trong một báo cáo mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông có đưa ra nhận định, thị trường dịch vụ ĐTĐM ở Việt Nam được đánh giá sẽ rất phát triển. Dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường ĐTĐM Việt Nam sẽ là 26% mỗi năm (cao nhất trong khu vực ASEAN) và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 16% trên toàn cầu.
Ông Lê Thanh Tâm - Tổng Giám đốc IDG Việt Nam cho biết, năm 2020 dịch vụ ĐTĐM Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 40%, trong đó thị trường ĐTĐM vào cuối năm 2020 đạt khoảng 200 triệu USD (tương đương 4.600 tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016- 2020 đạt 20,67%. Hiện 40 doanh nghiệp có giấy phép và chức năng cung cấp dịch vụ ĐTĐM. Điều đáng chú ý, doanh nghiệp Việt Nam mới chiếm được 20% thị phần của thị trường, 80% còn lại là các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo giới chuyên gia, cần "mượn" sức mạnh từ nhiều hệ thống ĐTĐM cùng lúc.
Cũng theo ông Tâm, 94% DN tham gia khảo sát của ACCA cho biết hài lòng với các dịch vụ ĐTĐM hiện nay của các nhà cung cấp trong nước. 22% DN không hài lòng về các dịch vụ ĐTĐM của các nhà cung cấp nước ngoài.
Nói về lợi thế của các doanh nghiệp đang vận hành tại Việt Nam khi sử dụng dịch vụ ĐTĐM của các nhà cung cấp trong nước, ông Vũ Minh Trí - CEO Công ty Cổ phần Viễn thông AMIS cho biết, so với đơn vị cung cấp ĐTĐM ở nước ngoài, các đơn vị cung cấp ĐTĐM trong nước có lợi thế về hạ tầng trung tâm dữ liệu, kết nối đường truyền ổn định, chi phí rẻ hơn và phù hợp với Luật An ninh mạng của Việt Nam. Thêm vào đó, khách hàng còn có lợi thế về đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ đông đảo và có tính chuyên biệt, theo đó sẽ giải quyết tốt các yêu cầu và khó khăn của khách hàng.
Ông Nguyễn Anh Nguyên - Người sáng lập, Chủ tịch & CTO Tập đoàn Hatto khuyến nghị, DN nên sử dụng các nhà cung cấp trong nước để có lợi thế về chi phí.
Ông Nguyên phân tích, nếu chỉ đơn giản là cần thuê các máy chủ lớn thay vì bỏ tiền mua, việc sử dụng các nhà cung cấp trong nước là thích hợp. Tuy nhiên, nếu DN muốn thực sự công nghệ hiện đại, các ứng dụng có sẵn thì việc sử dụng chung giữa các nhà cung cấp ĐTĐM trong nước và các nhà cung cấp ĐTĐM lớn ở nước ngoài như Google, Amazon... là điều đáng quan tâm.
"Không ai bắt buộc bạn chỉ "kết dính" một nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM, việc sử dụng chung các nhà cung cấp trong và ngoài nước là điều DN nên quan tâm. Bởi với chi phí không đắt hơn bao nhiêu nhưng DN sẽ có một số lợi thế về vấn đề hạ chuyển hạ tầng, hạ chuyển ứng dụng có sẵn, không cần phải xây lại từ đầu", ông Nguyên chia sẻ.
Ông Nguyên kể, ông từng phạm sai lầm khi "bỏ hết trứng vào một rổ", dốc hết vào một nhà cung cấp ĐTĐM.
"Nếu có cơ hội làm lại với hệ thống lớn thì tôi không bao giờ làm như vậy. Chúng ta cần mượn sức mạnh từ nhiều hệ thống ĐTĐM cùng lúc bởi mỗi nhà cung cấp có những điểm mạnh riêng. Chiến lược trong tương lai là nên sử dụng cùng lúc nhiều nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM trong và ngoài nước", ông Nguyên đề xuất.
Từ góc độ của một ngân hàng thương mại và cũng đang sử dụng các dịch vụ ĐTĐM, ông Nguyễn Việt Phương - Giám đốc phát triển phần mềm Ngân hàng Techcombank có chung quan điểm với ông Nguyên. Ông cho biết, về mặt hạ tầng, rõ ràng ở trong nước có những đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng rất tốt, có thể đặt máy chủ tại đó thay vì phải tự vận hành trang bị data center tốn kém. Bản thân Techcombank đang sử dụng data center của đơn vị khác.
Khi nói đến các dịch vụ khác, ông Phương cho biết, các nhà cung cấp lớn trên thế giới như Amazon, Google, và kể cả FPT có rất nhiều dịch vụ và đáng để sử dụng. Thay vì phải tự phát triển, rõ ràng việc tận dụng dịch vụ của các nhà cung cấp lớn sẽ có lợi thế hơn rất nhiều.
Đồng tình với quan điểm của ông Phương và ông Nguyên, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud Lê Hồng Việt nhấn mạnh, many clouds (sử dụng nhiều dịch vụ ĐTĐM) là xu thế không thể cưỡng lại được vì không ai làm tốt mọi việc mà mỗi người có thế mạnh riêng trong công việc của mình. Thêm vào đó, hiện công nghệ cũng giúp sử dụng nhiều cloud cùng một lúc một cách đơn giản. Ngoài ra, khi sử dụng nhiều cloud sẽ có lợi ích về hệ sinh thái.
"Theo kinh nghiệm của chúng tôi, chúng ta cần xây dựng cloud làm sao có thể kết nối với những đặc thù của Việt Nam để cung cấp cho khách hàng tiện lợi và nhanh chóng hơn. DN cần chọn nền tảng cloud đáp ứng đúng yêu cầu", ông Việt chia sẻ.
Đối với các tập đoàn lớn khi tiếp cận cloud, lợi thế lớn nhất là được phép thử và sai với chi phí rất rẻ. Còn ở trong nước việc thử và sai là điều không tồn tại.
"Các nhà cung cấp trong nước cũng nên tiến đến áp dụng chế độ thử - sai, đừng bắt khách hàng cam kết quá nhiều. Đây là thách thức lớn với các nhà cung cấp dịch vụ trong nước nhưng cần phải vượt qua để mở rộng cánh cửa thu hút DN", ông Việt khuyến nghị.
Tuy nhiên, ông Việt lưu ý, việc sử dụng hệ thống dịch vụ ĐTĐM không cẩn thận sẽ đắt gấp đôi. Nếu không biết tối ưu hệ thống ĐTĐM, sẽ rơi vào cái bẫy không thể tưởng tượng được.
"Đừng bị lừa bởi những lời có cánh từ phía nhà cung cấp. Nên thuê chuyên gia để được hướng dẫn cụ thể. Đây là lưu ý với các DN lớn để thử và quyết liệt trong vấn đề chuyển đổi ĐTĐM nhằm giảm độ phức tạp trong vận hành hệ thống", ông Việt chia sẻ.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm