Kinh tế số

Dùng công nghệ số quản lý hoạt động thương mại điện tử

DNVN - Theo Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, trên sàn thương mại điện tử có hàng triệu sản phẩm, không thể dùng sức người để quản lý, mà cần dùng công nghệ số. Có thể quản lý toàn diện, giám sát, cảnh báo và ngăn chặn các hành vi trái phép, giao dịch bất thường bằng công nghệ hiện đại.

Thúc đẩy chuyển đổi số xanh, hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng bền vững / Trợ lý ảo giúp biến dữ liệu doanh nghiệp thành cơ hội kinh doanh

Thương mại điện tử sẽ thay thế dần chợ truyền thống
Tham gia trả lời chất vấn, giải trình một số vấn đề liên quan đến thương mại điện tử (TMĐT) sáng ngày 5/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, TMĐT sẽ là một xu thế tất yếu và sẽ thay thế dần các chợ, cửa hàng theo thương mại truyền thống.
Từ năm 2006 đến nay, cơ quan quản lý đã 2 lần bổ sung, sửa đổi các luật liên quan đến TMĐT. Hiện có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Giao dịch điện tử và các nghị định có liên quan về TMĐT.
Mặc dù đã có nhiều quy định trong hệ thống pháp luật nhưng việc cập nhật để có sự thống nhất trong các hệ thống pháp luật, việc triển khai ban hành các nghị định, trong đó có sự tích hợp từ các chính sách của các luật là hết sức cần thiết.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Phó Thủ tướng cũng đồng tình với ý kiến đại biểu là thể chế hóa để quản lý nền tảng mạng trên xã hội, yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam, đảm bảo hài hòa với pháp luật quốc tế. Đồng thời, đưa ra các tiêu chí cụ thể liên quan đến an ninh mạng, dữ liệu, giao dịch, hợp đồng, định danh, chữ ký điện tử… Nếu làm được điều này, có thể thông qua trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý các hoạt động trên môi trường số, trong đó quản lý định danh người bán trên TMĐT.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công thương và Bộ TT&TT nghiên cứu xây dựng nền tảng cho Việt Nam để có thể tích hợp tất cả các hoạt động như định danh, an ninh công nghệ, thanh toán hải quan, thành lập logistics đồng bộ; thành lập cơ quan đa ngành để có thể giám sát được tất cả hoạt động trên TMĐT.
Dùng công nghệ số để quản lý
Trả lời chất vấn đối với nội dung liên quan đến sử dụng công nghệ để giải quyết các mặt trái của TMĐT và bảo vệ dữ liệu cá nhân khi tham gia TMĐT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề của công nghệ là dùng công nghệ.
Thời gian qua, quản lý nhà nước đầu tư chưa nhiều về phát triển các công nghệ số để thực thi quản lý nhà nước trên không gian mạng. Phải coi công nghệ số như lực lượng quản lý cơ bản trên không gian mạng.
Nêu giải pháp quản lý không gian mạng, Bộ trưởng cho rằng, cần thể chế số, công cụ số và con người số - tức là kỹ năng số cho người dân. TMĐT đang phát triển rất nhanh nên thể chế số, công cụ số và kỹ năng số và kỹ năng số đang theo sau. Do vậy, cần đẩy nhanh tốc độ, trong đó phát triển công cụ số có thể nhanh nhất.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Bộ trưởng cho biết, trên sàn điện tử có hàng triệu sản phẩm, theo đó là hàng triệu quảng cáo, không thể dùng sức người để quản lý, mà cần dùng công nghệ số. Có thể quản lý toàn diện, có thể giám sát, cảnh báo và ngăn chặn các hành vi trái phép, giao dịch bất thường, nhưng cần dùng công nghệ hiện đại.
Bộ trưởng lấy ví dụ có thể phát triển phần mềm để phát hiện quảng cáo sai sự thật, phát hiện hàng hóa có dấu hiệu hàng nhái. Các sàn TMĐT có thể xây dựng các thuật toán AI để rà quét và chọn lọc các tài khoản có nguồn quảng cáo vi phạm pháp luật.
"Việt Nam có thuận lợi đó là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc có thể viết được các phần mềm này. Bộ TT&TT sẽ cùng với các doanh nghiệp công nghệ số của ngành có thể giúp Bộ Công thương phát triển các công cụ số để quản lý thương mại điện tử", người đứng đầu Bộ TT&TT nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị Quốc hội quan tâm tăng đầu tư cho việc phát triển các công cụ số để quản lý TMĐT nói riêng và quản lý không gian mạng nói chung.
Liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng cho biết, để bảo vệ dữ liệu cá nhân, cần bảo đảm an toàn cho hệ thống lưu trữ và xử lý dữ liệu cá nhân. Bộ TT&TT đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85 về bảo vệ, bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và các sàn TMĐT phải tuân thủ nghị định này.
Trước đó, trả lời chất vấn đại biểu về các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chống lại hàng giả, hàng nhái trên môi trường TMĐT, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan, từ bộ ngành đến địa phương, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.
Trong đó, các sàn TMĐT ký cam kết là một trong những biện pháp quan trọng giúp nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử; thể hiện quyết tâm và cam kết tích cực phối hợp với ngành công thương trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Bộ trưởng cũng cho rằng, tình trạng kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng diễn ra một phần do các quy định, trách nhiệm và chế tài xử lý đối với hành vi này còn thiếu và chưa đủ mạnh.
Vì vậy, Bộ Công thương đã chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 98 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động TMĐT, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hiện nay, dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công an triển khai thực hiện định danh tài khoản người bán trên TMĐT, nhằm tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các sàn giao dịch...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm