Kinh tế số

Rà soát giao dịch thương mại điện tử bất thường chủ yếu dựa vào cán bộ thuế

DNVN - Hiện nay, việc rà soát các giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) bất thường mới chủ yếu dựa vào cán bộ thuế cho thấy còn rất nhiều giao dịch TMĐT nằm ngoài sự nắm bắt và kiểm soát bởi cơ quan thuế, TS Vũ Xuân Dũng, Trường Đại học Thương mại chia sẻ.

Quy mô thị trường TMĐT Việt Nam tới 2025 sẽ đứng thứ 3 Đông Nam Á / Fado miền Bắc: Giá cả và chất lượng hàng hóa là 2 yếu tố quyết định bạn có bán được hàng trên kênh TMĐT hay không

Nghiên cứu sâu về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT ở Việt Nam, TS Vũ Xuân Dũng nhận định việc phát hiện các trường hợp có hoạt động TMĐT để truy thu thuế mới chỉ chủ yếu tập trung vào rà soát các cá nhân, tổ chức thực hiện các hoạt động quảng cáo, bán hàng trực tuyến qua các trang web do mình lập ra và trên một số nền tảng mạng xã hội.

Trong khi đó, cơ quan thuế chưa thực hiện việc rà soát, kiểm soát đối với các hình thức hoạt động TMĐT khác như quảng cáo và bán hàng qua các thiết bị cầm tay, quảng cáo rao vặt, tham gia đấu giá qua một trang web, các phần mềm nói chuyện qua mạng, đặc biệt là các hình thức tham gia giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số.

“Điều này cho thấy còn rất nhiều giao dịch TMĐT nằm ngoài sự nắm bắt và kiểm soát bởi cơ quan thuế. Công tác rà soát các trường hợp hoạt động TMĐT để truy thu tiền thuế và tiền phạt cũng chưa được tiến hành một cách đồng đều giữa các cơ quan thuế ở các địa bàn khác nhau”, ông Dũng nhấn mạnh.

Rà soátTMĐTbất thường mới chủ yếu dựa vào cán bộ thuế.

Theo ông Dũng, cơ quan thuế ở thành phố lớn đã đẩy mạnh việc xây dựng kho hệ thống cơ sở dữ liệu về tổ chức cá nhân tham gia hoạt động TMĐT và thực hiện các biện pháp rà soát qua trang web và các nền tảng mạng xã hội để phát hiện những trường hợp có hoạt động TMĐT.

Tuy nhiên, hoạt động này ở nhiều địa phương chỉ là khởi đầu hoặc chưa được triển khai cụ thể. Do đó, các vi phạm về thuế trong lĩnh vực TMĐT chưa được phát hiện và xử lý chính xác, kịp thời và toàn diện.

Nguyên nhân của bất cập trên xuất phát từ tình trạng một số quy định pháp lý liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT thiếu tính cụ thể, chi tiết.

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong kết nối, phối hợp với cơ quan quản lý thuế nói chung và thuế TMĐT nói riêng.

Nhưng đây lại là những quy định chung mang tính định hướng nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ và cơ quan ngang bộ.

Nghị định số 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14 cũng thiếu quy định liên quan đến cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin và phối hợp công tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước với Bộ Tài chính, với cơ quan thuế.

Điều này gây khó khăn cho quá trình thực hiện trách nhiệm quản lý thuế của cơ quan thuế và cơ quan có liên quan.

Hoạt động TMĐTkhó kiểm chứng thông tin.

Đáng chú ý, các hoạt động TMĐT thường được thực hiện trong môi trường mạng internet dựa trên nền tảng kỹ thuật số nên có tính chất ảo, khó kiểm chứng thông tin. Hoạt động này có phạm vi rộng lớn, giao dịch xuyên biên giới, sử dụng kỹ thuật tin học phức tạp, có thể sử dụng ở nhiều dạng ngôn ngữ khác nhau.

Người cung cấp dịch vụ và người tham gia TMĐT dễ dàng xóa bỏ, dễ dàng thay đổi tạo nên những khó khăn trong nắm bắt giao dịch, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tài sản ảo, các mô hình kinh tế chia sẻ.

Điều này đòi hỏi người làm công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT phải có trình độ cao về tin học, am hiểu về ngoại ngữ và kiến thức chuyên môn. Họ cũng cần giỏi về các ứng dụng và phần mềm hỗ trợ để truy tìm dấu vết giao dịch, lịch sử dữ liệu khai thác làm bằng chứng cho việc xử lý hoặc kiến nghị xử lý các gian lận và vi phạm về thuế trong lĩnh vực TMĐT.

Trên thực tế, phần lớn công chức thuế ở Việt Nam chưa có đủ trình độ tin học, ngoại ngữ cần thiết để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Tổ chức bộ máy của ngành thuế đều không có bộ phận chuyên trách về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT nên thiếu tính chuyên sâu.

“Việc rà soát các trang web, tìm kiếm và phân tích các giao dịch TMĐT bất thường của các tổ chức cá nhân nhằm phát hiện dấu vết gian lận, vi phạm thuế mới được thực hiện một cách đơn giản, chủ yếu dựa trên các thao tác của cán bộ thuế.

Ngành thuế chưa đầu tư, xây dựng được các công cụ phần mềm chuyên dụng trong tìm kiếm dấu vết này dẫn đến kết quả phát hiện và xử lý các giao dịch TMĐT có gian lận, vi phạm thuế còn rất hạn chế”, ông Dũng nói,

Do đó, để hoàn thiện quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, một mặt, đòi hỏi sự hoàn thiện của cơ sở pháp lý, mặt khác, Bộ Tài chính và ngành thuế phải xây dựng cơ chế về trao đổi, cung cấp, chia sẻ thông tin và phối hợp công tác với các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Cơ quan thuế các cấp cần phải thành lập bộ phận chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, đẩy mạnh đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, phần mềm ứng dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức thuế.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật thuế và hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các nghĩa vụ thuế đối với hoạt động TMĐT.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm