Xã hội số

Giả mạo Facebook chùa Bái Đính để lừa tiền từ thiện

DNVN - Trên mạng xã hội Facebook xuất hiện tài khoản "Bái Đính Chùa" sử dụng ảnh đại diện giống và dễ gây nhầm lẫn với tài khoản mạng xã hội của Chùa Bái Đính (đã có tích xanh chính chủ).

Lừa đảo online liên quan tới tiêm chủng vaccine Covid 19 ngày càng tăng cao / “Chiến dịch Khiên xanh” kêu gọi các cá nhân báo cáo trang web không an toàn

Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (thuộc Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa cho biết trên mạng xã hội Facebook xuất hiện tài khoản "Bái Đính Chùa" sử dụng ảnh đại diện giống và dễ gây nhầm lẫn với tài khoản mạng xã hội của Chùa Bái Đính (đã có tích xanh chính chủ).

Theo đó, tài khoản này thường xuyên đăng tải thông tin về những người cần giúp đỡ lên mạng xã hội Facebook, rồi kêu gọi các nhà hảo tâm chuyển tiền quyên góp đến một số tài khoản cá nhân.

Tài khoản Facebook này đăng tải thông tin một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chồng là Lê Quý Nguyên, vợ là Đỗ Thị Dung, địa chỉ tại thôn 6, Tháp Lĩnh, Hoàng Giang, Nông Cống, Thanh Hóa. Khi hai vợ chồng người này đang trên đường đi làm thì không may gặp tai nạn, chấn thương nặng và phải cấp cứu. Gia đình này còn hai con nhỏ đang tuổi ăn học, người ruột thịt đều đã mất, cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Người đăng tin đề nghị gửi tiền từ thiện vào tài khoản 0683151619999 ngân hàng MB bank, chủ tài khoản Lê Thị Chiên.

Facebook giả mạo Chùa Bái Đính

Facebook giả mạo Chùa Bái Đính.

VAFC khuyến cáo, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi quyên góp từ thiện thông qua mạng xã hội. Đồng thời cho biết, vụ việc sẽ được chuyển tới cơ quan chức năng để xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện tình trạng tạo lập các tài khoản, Fanpage với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm.

Tinh vi hơn, một số đối tượng còn dẫn nguồn trên fanpage Facebook các bài báo viết về những hoàn cảnh khó khăn đã được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, rồi xen cài số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các đối tượng tự tạo lập quản lý, để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ.

Các bài viết được các đối tượng đăng tải trên các trang mạng xã hội đã thu hút hàng chục nghìn người quan tâm theo dõi, gửi tiền ủng hộ. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận tiền từ thiện, các đối tượng không bàn giao tiền từ thiện cho các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn mà sử dụng hết vào mục đích cá nhân; hoặc chỉ chuyển một phần rất nhỏ để làm hình ảnh nhằm tiếp tục “kêu gọi từ thiện”...

 

Bộ Công an cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng Công an đã liên tiếp phát hiện, xử lý các đối tượng liên quan đến hành vi này, chẳng hạn như các Fanpage “Chia sẻ vì người nghèo”, “Hỗ trợ trẻ em”, “Quỹ bảo trợ trẻ em”, “Phật tại tâm”, “Chia sẻ yêu thương”, “Kết nối yêu thương”, “Quan thế âm bồ tát”...

Bộ Công an cho biết, đang tăng cường rà soát, đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhất là các vụ lợi dụng lòng tin của người dân để lừa đảo tiền từ thiện qua mạng xã hội. Đồng thời, cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác để tránh bị lừa đảo, trục lợi. Người dân cần cực kì nâng cao cảnh giác, tránh để lòng tốt bị các đối tượng xấu lợi dụng hòng trục lợi.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm