Xã hội số

Lan tràn quảng cáo nhảm về thuốc đông y trên YouTube

DNVN - Người dùng YouTube tại Việt Nam liên tục bị tra tấn bởi hàng loạt quảng cáo liên quan đến thuốc trị xương khớp, thuốc đau dạ dày, thuốc yếu sinh lý… Thậm chí cả thuốc kích dục cũng xuất hiện ở video ca nhạc thiếu nhi trên YouTube.

18 trang phim lậu bị chặn truy cập vì vi phạm bản quyền, quảng cáo cờ bạc / Thực hư của dịch vụ quảng cáo Facebook hiện nay

Mệt mỏi, ức chế vì bị tra tấn bởi các loại quảng cáo thuốc

Gần đây, người xem YouTube Việt Nam lại bị tra tấn bởi quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cuối năm ngoái, YouTube bị người dùng Việt Nam phàn nàn là để tình trạng quảng cáo ‘nhà tôi ba đời sỏi thận’ ngập tràn các video clip. Sau khi bị người tiêu dùng phản ánh, các loại quảng cáo này cũng thưa dần và bị thay thế bởi nhiều quảng cáo chính thống khác. Bẵng đi một thời gian, quảng cáo phản cảm lại xuất hiện trở lại trên YouTube. Lần này, quảng cáo lại đổi thành kiểu ‘bà con ai bị xương khớp lâu ngày’. Nhiều loại bệnh được quảng cáo chữa được trải dài từ tiểu đường, viêm xương khớp đến chữa yếu sinh lý, xuất tinh sớm…

“Chỉ sợ không uống thuốc của nhà cô thôi, uống vào thì khỏi 100%”, trích lời rao của một người phụ nữ lớn tuổi trong một mẫu quảng cáo thịnh hành trên YouTube. Trong clip được dàn dựng như một buổi phỏng vấn của đài truyền hình, người này ăn vận trang phục của đồng bào dân tộc, bên cạnh là rất nhiều túi đựng các loại thân cây, rễ cây bọc sơ sài trong túi nilon mà khó phân biệt được bằng mắt thường qua màn hình tivi.

"Ai bị đau dạ dày, trào ngược dạ dày gặp tôi là chữa được hết, chỉ cần 7 đến 10 ngày là hết đau ngay. Tôi đã giúp hàng nghìn người hết đau dạ dày. Bà con bị bệnh cứ điện cho tôi là tôi gửi thuốc về tận nhà cho" là trích đoạn quảng cáo đang gây ám ảnh cho người dùng YouTube tại Việt Nam. Vẫn là giọng đọc khàn đặc cùng tần suất xuất hiện nhiều từ TV, máy tính cho tới smartphone khiến người dùng thấy khó chịu và bức xúc không hiểu vì sao Google để lọt nhiều quảng cáo sai phạm như thế?

Chưa hết, một số người dùng phàn nàn, mỗi khi mở video ca nhạc trên YouTube cho các con xem, hàng loạt quảng cáo thuốc kích dục với những lời mời chào thô tục, nhạy cảm lại hiện ra. Chúng thậm chí xuất hiện ngay trên những video ca nhạc dành cho thiếu nhi.

ii

Nhiều người cho rằng việc YouTube nhắm mắt ngó lơ cho những quảng cáo này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng. (Ảnh: Internet)

Để thu hút người mua và tăng tính tin cậy, những mẫu quảng cáo này lồng ghép logo của các đài truyền hình, phỏng vấn nhiều người lớn tuổi tự nhận được chữa khỏi bệnh, một số còn sử dụng cả người dẫn bản tin khá chuyên nghiệp. Các mẫu quảng cáo có tần suất xuất hiện dày đặc và rất khó kiểm chứng tính xác thực của những quảng cáo này bởi nó hoàn toàn không tuân thủ quy định của Bộ Y tế và Luật quảng cáo mà chỉ cần không vi phạm chính sách của Google.

Điều đáng nói là các quảng cáo này đang âm thầm nhắm đến đối tượng người xem là những người cao tuổi, đánh trúng tâm lý mắc bệnh mãn tính lâu ngày không chữa khỏi.

Google dễ dàng bị “qua mặt”?

Trên các kho ứng dụng, YouTube cũng bị người dùng Việt phản đối mạnh mẽ về việc để cho quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan. Nhiều người cho rằng việc YouTube nhắm mắt ngó lơ cho những quảng cáo này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.

 

"Đề nghị YouTube xem xét lại nội dung quảng cáo. Các quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc xuất hiện một cách dày đặc, cực kỳ phản cảm, khiến người xem vô cùng khó chịu", một người dùng nhận xét trên App Store kèm với đánh giá 1 sao.

Theo chính sách về chăm sóc sức khỏe và thuốc trên trang web của Google, thuốc là mặt hàng cấm chạy quảng cáo tại Việt Nam. "Chúng tôi cam kết tuân thủ các quy định quảng cáo về chăm sóc sức khỏe và thuốc, do đó chúng tôi hy vọng rằng quảng cáo và đích đến tuân theo các luật và tiêu chuẩn ngành phù hợp. Một số nội dung liên quan đến chăm sóc sức khỏe hoàn toàn không được phép quảng cáo, trong khi các nội dung khác chỉ được quảng cáo nếu nhà quảng cáo được chứng nhận với Google và chỉ nhắm mục tiêu đến các quốc gia được chấp thuận", chính sách Google cho biết.

Cũng theo Google, các lỗi vi phạm đối với chính sách chăm sóc sức khỏe và thuốc là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng những quảng cáo vi phạm chính sách của công ty vẫn xuất hiện một cách tràn lan và công khai trên nền tảng của họ.

Có vẻ như, giới chạy quảng cáo thuốc đông y vẫn dễ dàng vượt mặt được các bước kiểm duyệt của Google khi những nội dung quảng cáo thuốc đông y, thuốc nam vẫn tồn tại nhan nhản trên nền tảng này.

Một chuyên gia gia hoạt động trong lĩnh vực Digital Marketing chia sẻ, các đối tượng có thể đã sử dụng một số thủ thuật giả mạo giấy phép để vượt qua kiểm duyệt của YouTube. Việc cấm các tài khoản Google Ads không phải là giải pháp có thể xử lý triệt để. Ngưng tài khoản này thì họ sẽ tạo tài khoản khác, nhất là khi việc kinh doanh thuốc đông y, thuốc nam có lợi nhuận lớn, vì thế các đối tượng sẽ làm theo kiểu ăn xổi, đánh nhanh rút gọn.

 

"Một trong những cách để chạy quảng cáo là đặt giá bid (giá thầu) cao trong Google Ads. Khi đặt giá bid cao hơn, quảng cáo sẽ được ưu tiên duyệt trước", một người làm YouTuber chia sẻ.

Để biết quảng cáo nào là vi phạm chính sách, Google cung cấp một chính sách quảng cáo chung trên tất cả nền tảng của mình. Theo đó, Google có các chính sách hạn chế quảng cáo thuốc theo toa, thuốc không kê đơn, thuật ngữ thuốc và chất không được chấp thuận cùng các hạn chế khác. Tuy nhiên, hạn chế của Google chủ yếu nhắm vào các thành phần, tá dược phương Tây trong khi những mẫu quảng cáo thuốc ở Việt Nam lại khéo léo lách luật bằng các thành phần là rễ cây, thân cây, vỏ cây... gọi chung là thuốc nam hoặc thuốc Đông y gia truyền.

Căn cứ vào chính sách của Google, không có chính sách riêng về quảng cáo thuốc ở thị trường Việt Nam hoặc dựa trên các quy định của pháp luật Việt Nam. Do đó, chỉ Google mới có đủ thẩm quyền để kết luận các quảng cáo thuốc ở Việt Nam mà báo chí từng đề cập là có vi phạm chính sách hay không.

Báo cáo An toàn quảng cáo năm 2020 được Google công bố cách đây không lâu cho biết công ty đã xóa 3,1 tỷ nội dung vi phạm chính sách, đồng thời hạn chế hiển thị với 6,4 tỷ nội dung khác. Trong các quảng cáo bị xóa, có 867 triệu nội dung "lạm dụng hệ thống quảng cáo để đánh lừa người dùng click chuột". Thuốc và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực đứng thứ hai về số lượt vi phạm.

Người dùng phải tự bảo vệ mình!

 

Quảng cáo nhảm, lừa đảo xuất hiện trên YouTube gây ức chế nên nhiều người chia sẻ cách chuyển vùng để mua YouTube Premium, cài ứng dụng như YouTube Vanced, hoặc trình duyệt chặn quảng cáo để không còn thấy chúng. Một số cửa hàng còn rao bán gói YouTube Premium với giá 25.000 đồng/tháng, thấp hơn so với mức 12 USD của Google. Tuy nhiên đây là các tài khoản “lậu”, người mua sẽ sử dụng chung tài khoản gói Family với những người khác, hoặc được giao tài khoản đã mua Premium từ trước. Ngoài ra, các tài khoản này sẽ không có tính năng nhạc từ video khi tắt màn hình.

Vấn nạn buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ và quảng cáo tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội không phải câu chuyện mới. Nhưng với sự phổ biến của smartphone lẫn smart TV, việc các đối tượng xấu tiếp cận người dùng lại càng dễ dàng hơn bao giờ hết.

Công an Hà Nam vừa qua đã triệt phá thành công kho chứa thuốc và thực phẩm chức năng không rõ nguồn xuất xứ với lượng tiêu thụ 20-30 đơn hàng mỗi ngày, thu về hơn 200 triệu đồng/ngày. Chi phí chạy quảng cáo khá rẻ trong khi việc bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc lại là mặt hàng siêu lợi nhuận, dẫn tới nhiều đối tượng xấu bất chấp tất cả nhằm đạt được mục đích. Vì thế, người tiêu dùng cần tuyệt đối tỉnh táo, không vội tin tưởng vào quảng cáo trên mạng để trở thành nạn nhân của những bài thuốc chữa bách bệnh kiểu này.

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm