Xã hội số

Nhà báo, KOLs, luật sư đồng loạt xin lỗi sau khi chia sẻ fake news “bác sĩ Khoa”

DNVN - Đến trưa ngày 8/8, một loạt KOLs, nhà báo nổi tiếng, luật sư đã hạ status, đăng lời xin lỗi độc giả do đã vội vàng chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng trong vụ chia sẻ câu chuyện cảm động “bác sĩ Trần Khoa”. Tuy nhiên, tin giả này vẫn được cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt trong sáng 8/8.

Bác sĩ cảnh báo không được tự chữa COVID-19 theo “bài thuốc” lan truyền trên mạng / Sự thật về 'hệ sinh thái' hot girl tài chính 4.0, dạy cách làm giàu cực dễ trên mạng xã hội

Status của người tự xưng là bác sĩ Trần Khoa lấy đi nước mắt của cộng đồng mạng là tin giả.

Status của người tự xưng là bác sĩ Trần Khoa đã lấy đi nước mắt của cộng đồng mạng thực chất là tin giả.

Cộng đồng mạng sập bẫy câu chuyện cảm động của "bác sĩ Khoa"

Từ tối 7/8 đến sáng 8/8, cộng đồng mạng xã hội dậy sóng bởi thông tin bác sĩ Trần Khoa đã nhường ống thở của mẹ mình để cứu sản phụ và hai đứa bé sinh đôi. Câu chuyện lấy đi không ít nước mắt cộng đồng mạng khiến nhiều KOsL, nhiều nhà báo nổi tiếng, luật sư đã chia sẻ thông tin này. Hàng vạn lời bình luận, chia sẻ tỏ lòng biết ơn bác sĩ Khoa đã được viết xúc động trên mạng xã hội.

Cụ thể theo thông tin trên mạng xã hội và từ Facebook của bác sĩ tên Trần Khoa thì bác sĩ này đang chăm sóc bố và mẹ cùng một sản phụ mắc COVID-19 nặng, đang chuẩn bị sinh đôi. Thông tin cho biết, ba mẹ của bác sĩ Khoa cũng làm trong ngành y tế đã về hưu nhưng tham gia vào tâm dịch và không may mắc COVID-19 rồi trở nặng, được đưa vào nơi anh công tác để điều trị. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ những đồng nghiệp của bác sĩ Khoa và mạng xã hội thì khi bố mất và mẹ nguy kịch có thể không qua khỏi, vị bác sĩ này đã quyết định rút ống thở của mẹ để nhường lại sự sống cho sản phụ và thực hiện cuộc mổ bắt con thành công. Thông tin được chia sẻ khủng khiếp với nhiều bình luận tiếc thương. Ngoài ra, trên các Facebook ngập tràn hình ảnh bác sĩ thực hiện ca mổ thành công, hai con trai của sản phụ khỏe mạnh.

Tuy nhiên, sáng 8/8, chia sẻ với báo chí, TS-BSCKII Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định, không có bác sĩ nào tên Khoa và Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không có khoa sản. Ở bệnh viện Hồi sức COVID-19 tại TP Thủ Đức qua rà soát cũng không có trường hợp nào như thông tin phản ánh, không có ai rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ cả.

 

Bên cạnh đó, bác sĩ Thức còn cho biết: “Đến nay Việt Nam chưa có luật cho bác sĩ hoặc người thân tự rút ống thở bệnh nhân. Nếu rút ống thở phải thông qua hội đồng chuyên môn quyết định nhưng điều này chưa có quy định ở Việt Nam.

Lời xin lỗi sau sự cố "bác sĩ Khoa" của các nhà báo và luật sư.

Lời xin lỗi sau sự cố "bác sĩ Khoa" của các nhà báo và luật sư.

Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế cũng cho rằng: “Về ý nghĩa của câu chuyện nếu đúng như vậy quả là hành động đẹp, dũng cảm của một người bác sĩ. Nhưng về bản chất thông tin, đứng về chuyên môn ngành y thì không logic. Những mảng thông tin được chắp vá sau đó được nhiều KOLs viết lại, chia sẻ, lan toả rất mạnh. Sáng nay tôi thấy nhiều KOLs lặng lẽ, âm thầm hạ status mà chưa thấy nói lý do vì sao”.

 

Cho đến trưa ngày 8/7, một loạt KOLs hạ status, cả nhà báo nổi tiếng, luật sư cũng đã đăng bài xin lỗi độc giả vì đã đăng bài khi chưa kiểm chứng thông tin liên quan đến bác sĩ Khoa. Tuy nhiên, tin giả này vẫn được cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt trong sáng 8/8.

Đại diện Bộ Y tế xác nhận thông tin "bác sĩ Khoa" chia sẻ là tin sai sự thật.

Đại diện Bộ Y tế xác nhận thông tin "bác sĩ Khoa" chia sẻ là tin sai sự thật.

Cảnh giác khi share tin trên mạng xã hội

 

Theo Bộ TT&TT, từ khi dịch COVID-19 diễn ra, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc xin COVID-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc xin của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vắc xin phòng COVID19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương... Nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa.

Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip "tự phát" được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh; gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội…Nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước”.

Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) ra mắt từ tháng 1/2021, 5 tháng đầu năm nay, VAFC đã công bố dán nhãn 37 tin giả và cập nhật 38 tin xử phạt các cá nhân đưa thông tin giả, sai sự thật từ cơ quan báo chí; tổng đài 18008108 hướng dẫn người dân về báo tin giả tiếp nhận 2.395 cuộc gọi đến.

Đặc biệt từ đầu năm 2021 tới nay, Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam (VAFC) phát hiện nhiều tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ, phát tán nội dung thông tin được cho là phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng chống dịch COVID-19. Qua xác minh, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) khẳng định, nội dung thông tin trên là giả mạo, xuyên tạc phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Tin giả mạo phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Tin giả mạo phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

 

Sáng 6/8, trên mạng xã hội lan truyền bài viết và hình ảnh về một người giao các hũ tro cốt cho người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Thông tin gây chú ý bởi chi tiết người ship tro cốt gặp em bé có 4 người thân gồm ông bà, cha mẹ đều mất trong dịch COVID-19.

Bài đăng về câu chuyện của người giao tro cốt ở TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều chi tiết sai sự thật, tuy nhiên bức ảnh là đúng.

Bài đăng về câu chuyện của người giao tro cốt ở TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều chi tiết sai sự thật, tuy nhiên bức ảnh là đúng.

Tuy nhiên, phía phường Phú Trung, quận Tân Phú cho biết không có hẻm 42 Âu Cơ, cũng không có gia đình nào có 4 người mất như vậy.

 

Bài viết gốc được đăng trên Facebook Lan Nguyen Van từ ngày 5/8 và lan rộng trong ngày 6/8 và 7/8.

Chiều ngày 6/8, Công an quận Tân Phú đã mời chủ tài khoản Facebook Lan Nguyen Van lên để làm việc về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật này. Tài khoản Facebook nêu trên đã thừa nhận hành vi của mình và xóa bài viết.

Mọi bài viết chia sẻ, đăng tải lại thông tin sai sự thật trên đều thuộc hành vi phát tán, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội, vi phạm Nghị định 15/2020/NĐ-CP, có thể bị phạt đến 20 triệu đồng.

Theo điều 156, Bộ Luật Hình sự, bịa đặt hoặc lan truyền biết rõ là sai sự thật có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm