Có nên thi thử ?
(gdtd) Chưa đầy một tháng nữa, kỳ thi Đại học, Cao đẳng 2013 sẽ diễn ra. Đây là thời điểm nhiều học sinh “lao” vào các trung tâm, lò luyện thi để đăng ký thi thử như một cách kiểm tra lại kiến thức và rèn luyện tâm lý thi cử cho mình. Tuy vậy, theo cảnh báo của nhiều thầy cô giáo, nếu thi thử không được tổ chức một cách khoa học thì chỉ mang lại sự hoang mang, lo lắng thêm cho học sinh.
Vào mùa thi thử
Thực tế cũng cho thấy, các lớp luyện thi có thể giảm sút về thí sinh vì các em chuyển sang nhiều hình thức ôn thi như tự ôn, tự học ở nhà... song thi thử chẳng mấy khi “ế” vì tâm lý học sinh luôn muốn “thử sức” trước khi bước vào kỳ thi thật. Chính vì vậy, trước và sau kỳ thi tốt nghiệp, các trung tâm, lò luyện thi luôn tổ chức khá rầm rộ nhiều đợt thi thử.
Lướt qua một số trung tâm chuyên luyện thi ở Hà Nội cho thấy, bên cạnh những biển quảng cáo ôn luyện thi cấp tốc các khối A, B, C thì không thể thiếu những lịch thi thử đại học với đầy đủ thông tin từ số đợt thi đến số phút từng môn thi. Thậm chí, nhiều trung tâm còn quảng cáo đề thi được ra bởi các thầy cô giỏi, có kinh nghiệm giảng dạy, ôn luyện thi đại học. Phần chấm thi, ra đề thi, cũng “hứa hẹn” hấp dẫn như: đề thi sát với cấu trúc của Bộ GD&ĐT ban hành, coi thi nghiêm túc, chấm bài nhanh và chính xác.
Để thu hút thí sinh, các trung tâm còn cho thí sinh đến đăng ký thi thử được vào tham quan phòng thi trước, hầu hết đều là những phòng thi có chỗ ngồi thoải mái thoáng mát, có đèn, quạt, điều hòa đầy đủ. Lệ phí thi thử được các trung tâm đưa ra cũng không có sự chênh lệch nhiều. Những môn thi như Toán, Văn với thời gian làm bài 3 tiếng có giá từ 40 - 45.000đ/môn, các môn thi trắc nghiệm 90 phút như Vật lý, Hóa học giá thấp hơn từ 35 - 40.000đ/môn. Môn tiếng Anh có lệ phí cao nhất với mức 50.000đ.
Qua tìm hiểu các lò ôn thi cho thấy, thời gian sau thi tốt nghiệp đến gần sát thi đại học chỉ chưa đầy 1 tháng song lại có nhiều học sinh đăng ký thi thử nhất. Mỗi học sinh ít nhất thi thử một vòng, có học sinh đăng ký thi thử 5 - 6 vòng. Đối tượng thi thử không chỉ là học sinh Hà Nội mà ngày càng nhiều học sinh các tỉnh lân cận Hà Nội tìm đến thi thử để mong kiểm tra lại kiến thức và rèn luyện tâm lý thi cử mặc dù trước kỳ thi tốt nghiệp, hầu hết các em đã trải qua các kỳ thi thử do nhà trường tổ chức.
Thi thử… lo thật
Thi thử đại học được coi là phương pháp giúp học sinh cọ xát với thi đại học, ít nhiều giúp các sĩ tử đánh giá được năng lực của mình trước khi chính thức “lâm trận”. Tuy nhiên, thi thử cũng có nhiều mặt trái mà mỗi học sinh cần tìm hiểu để tránh những hệ lụy mà nó mang lại.
Nhiều học sinh các tỉnh lân cận Hà Nội sau những lần tốn công, tốn của lên Hà Nội thi thử đã phản ánh tình trạng: “Trung tâm quảng cáo thì hay, nhưng tổ chức vô cùng lộn xộn. Phòng thi chật chội, học sinh ngồi chen chúc nóng nực. Trông thi thì chỉ có một giám thị, thí sinh thì đông nên tình trạng nói chuyện rào rào, hỏi bài thoải mái vẫn diễn ra. Thi thử về chỉ cảm thấy chán nản, kết quả không được như ý càng cảm thấy hoang mang, lo lắng hơn”.
Trần Hùng Dũng - Phương Mai - Hà Nội cho biết: Năm ngoái em thi thử tại hai trung tâm ở Bách Khoa và Sư Phạm. Xét về đề thi em thấy độ khó giữa hai đề thi ở hai nơi chênh lệch nhau khá nhiều. Kết quả, một trung tâm thì được điểm khá, một trung tâm thì dưới trung bình. Vì vậy sau thi thử em không biết trình độ mình ở đâu?
Mai Lan - Trường THPT Quang Trung - Hà Nội chia sẻ: Trong lớp em không phải là người xuất sắc nhưng cũng nằm trong top giỏi. Nguyện vọng thi của em năm nay là vào ĐH Thương Mại. Thế nhưng em thi thử 3 lần thì cả 3 lần điểm đều dưới 20. Em thấy lo lắng vô cùng. Không biết kết quả bài thi có phản ánh đúng sức học không? Lan cho biết thêm, nhiều bạn học cùng lớp em đều tỏ ra lo lắng, hoang mang, thậm chí cảm thấy nản không biết có nên thi đại học không vì kết quả thi thử không tốt.
Nhiều học sinh qua thi thử cũng cho biết, trong đề thi thử có câu hỏi không nằm trong chương trình. Có trung tâm, chẳng cần quan tâm đến chất lượng thực mà chỉ chạy theo số lượng đăng ký nên đã không tránh được tình trạng ra đề sai, coi thi không nghiêm túc, học sinh thoải mái chép tài liệu... Thậm chí, có trung tâm để “câu khách” còn ra đề thi vừa tầm, đủ để người thi đạt điểm trung bình trở lên. Có lò luyện thi còn lấy hú họa đề thi trong tài liệu nào đó để học sinh thi (nhằm giảm chi phí khâu tổ chức thi). Vì thế, không ít học sinh thi thử ở trường học, thầy cô chấm đúng, coi thi chặt thì điểm thi lại thấp mà thi thử ở trung tâm điểm lại đạt loại khá.
Thi thử có đáng tin cậy hay không, có phản ánh đúng sức học của học sinh không... là những phân vân của nhiều học sinh đã và đang chuẩn bị đăng ký thi thử. Vì vậy, có nên thi thử hay không thì mỗi học sinh cần tự tìm hiểu những điều kiện cần thiết, những mặt được và trái của vấn đề để tự quyết định. Tránh tình trạng thi thử nhưng lo thật và ảnh hưởng tới kỳ thi thật đang đến rất gần.
Có nên thi thử?
Theo phân tích của nhiều thầy cô giáo có kinh nghiệm và cả các thầy cô đã từng ôn luyện đại học: Thi thử là phương pháp rà soát lại kiến thức khá tốt đồng thời rèn luyện thêm bản lĩnh thi cử, kinh nghiệm cho học sinh trước khi bước vào thi thật. Tuy nhiên, thi thử chỉ mang lại hiệu quả nếu đề thi thử bám sát yêu cầu của kỳ thi. Đề thi nếu không đảm bảo chất lượng có thể gây tâm lý hoang mang hoặc chủ quan cho người thi.
Thi thử chỉ có tác dụng khi: Sau khi thi xong học sinh được thầy cô phân tích đề thi, lý giải nguyên nhân vì sao bài này làm chưa được điểm, vì sao chỗ này sai... và học sinh phải được ôn tập, bồi dưỡng kiến thức phần còn yếu. Nếu thi xong bỏ đấy, thi thử coi như không có tác dụng.
Theo kinh nghiệm của nhiều thí sinh đã đỗ vào đại học, đối với các môn thi trắc nghiệm thì thi thử trực tuyến là hình thức hiệu quả nhất, bởi thi sinh không phải tập trung tới lò luyện thi, đỡ thời gian đi lại và chờ đợi chấm bài để biết kết quả. Thi thử trực tuyến sẽ biết kết quả ngay.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng đưa ra lời khuyên với học sinh: “Trước khi thi thử, học sinh cần ôn tập thật tốt, tránh hiện tượng chưa học, chưa ôn tập đã thi thử... Kết quả không tốt sẽ gây hoang mang trong tâm lý”.
Khi lựa chọn các trung tâm thi thử học sinh cũng cần tìm hiểu kỹ càng bởi việc tổ chức thi thử đại học nghiêm túc, khoa học không hề đơn giản. Nếu tổ chức thi thử một cách hình thức, qua loa sẽ không mang lại hiệu quả.
Thay vì chạy theo các khóa ôn luyện cấp tốc, các đợt thi thử ở trung tâm luyện thi thì học sinh nên tự rút ra những yếu kém trong kiến thức của mình. Từ đó dành thời gian còn lại tự ôn tập tại nhà. Thời gian đến với cuộc thi thật không còn nhiều nên ở chặng nước rút cần những phương pháp ôn tập hiệu quả nhất với bản thân mỗi học sinh.
Ngọc Hà
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loài cá duy nhất trên thế giới không ai bắt được khi còn sống: Dài đến 9m, được yêu thích ở Việt Nam
Bộ tộc người bí ẩn nằm sâu trong rừng, không mặc quần áo, biệt lập hoàn toàn với văn minh loài người
Một ngôi mộ cổ được tìm thấy trong hồ chứa nước, ngay cả những chiếc đinh trong quan tài cũng bằng vàng, chủ nhân của ngôi mộ là ai?
Người đàn ông vỡ òa khi đào được 'tảng đá' giá trị gần 10.000 tỷ, Tần Thủy Hoàng từng săn lùng ráo riết
Y học Ai Cập cổ đại đã biết điều trị ung thư từ 4000 năm trước? Dấu vết điều trị 'ung thư' gây sốc được tìm thấy
Hai người nông dân đi bắt ốc từng vô tình đào được cây gỗ quý hàng đầu Việt Nam: Dài 15m, có tuổi đời khoảng 100 năm