Thị trường

Cổ phần hóa Lọc dầu Dung Quất: Chờ đối tác khủng

Với giá trị rất lớn, đối tác mua cổ phần để thực hiện tiến trình cổ phần hóa Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất phải là những nhà đầu tư tầm cỡ.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang chờ đối tác khủng để tiến hành cổ phần hóa. Ảnh: S.T

Theo quyết toán năm 2011, NMLD Dung Quất công suất 6,5 triệu tấn/năm có giá trị là 43.300 tỷ đồng. Hiện tại, đơn vị vận hành NMLD Dung Quất là Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BRS), đang đầu tư thêm phân xưởng thu hồi lưu huỳnh với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng.

Báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, vốn chủ sở hữu của BSR ở thời điểm cuối năm 2013 là 26.561 tỷ đồng, với lợi nhuận hợp nhất sau thuế là 2.806 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân là 11,6%.

Năm 2013, BSR có doanh thu hơn 145.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 26.000 tỷ đồng.

Hiện nay, NMLD Dung Quất đang cân nhắc phương án mở rộng để nâng quy mô hoạt động lên mức 10 triệu tấn/năm.

Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch BSR cho hay, để thực hiện phương án mở rộng, tùy thuộc cấu hình và công nghệ kỹ thuật, khoản vốn đầu tư sẽ cần 1,5 - 2,5 tỷ USD và phải mất khoảng thời gian từ 6 đến 8 năm để hoàn tất.

Với quy mô của BSR như vậy, ông Giang cho rằng, việc tìm các cổ đông mới để hoàn tất việc cổ phần hóa doanh nghiệp này, có lẽ sẽ khó hy vọng vào các nhà đầu tư trong nước. Thực tế cho thấy, cách đây 3 năm, dù cho phương án bán 49% cổ phần của NMLD Dung Quất đã được chấp thuận, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, NMLD Dung Quất vẫn thuộc sở hữu 100% vốn của nhà nước.

Hiện tại, NMLD Dung Quất đang nghiên cứu phương án mở rộng đầu tư theo cả 2 hướng, tự làm và hợp tác cùng với Gazpromnet  của Nga.

Gazpromnet  cũng đã đưa ra đề xuất mua tới 49% vốn điều lệ của BSR. Tuy nhiên, một trong những yêu cầu của nhà đầu tư này là “phải được hưởng các ưu đãi đầu tư ngang bằng với các dự án lọc hóa dầu khác tại Việt Nam qua cam kết bảo lãnh của Chính phủ”.

Về vấn đề này, theo ông Giang, mặc dù đã được hưởng những ưu đãi quan trọng nhất để tạo lãi trong quá trình hoạt động, nhưng khi so sánh với những ưu đãi được áp dụng cho Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, thì những ưu đãi mà NMLD Dung Quất hiện được hưởng là vấn thấp hơn.

Chắc chắn, các vấn đề chuyển đổi ngoại tệ để chuyển lợi nhuận về nước của nhà đầu tư nước ngoài, cam kết bảo lãnh của Chính phủ liên quan đến hoạt động bình thường của nhà máy… sẽ là những yêu cầu được cổ đông nước ngoài đề cập đến khi đàm phán để quyết định tham gia đầu tư.

Do một số đề nghị của Gazpromnet đã vượt quá thẩm quyền quyết định của PVN, nên Bộ Công thương đã thành lập Đoàn đàm phán Hiệp định liên chính phủ Việt – Nga về hợp tác đầu tư nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất và PVN cùng BSR có đại diện tham gia đoàn đàm phán. Như vậy, kết quả đàm phán Hiệp định sẽ là cơ sở để PVN triển khai các bước tiếp theo như chuyển nhượng một phần vốn của BSR, thành lập công ty liên doanh…

Hiện tại, BSR đã thuê Công ty TNHH Pricewaterhouse Coopers Việt Nam xác định giá trị tài sản của BSR để làm cơ sở cho việc đàm phán chuyển nhượng vốn với nhà đầu tư. Phía Gazpromnet  cũng thuê các nhà tư vấn kỹ thuật, thương mại, luật, tài chính và thuế gồm các tư vấn Allens, Earn & Young, TPC để tiến hành đánh giá cụ thể NMLD Dung Quất.

Theo thông tin phóng viên có được, đã có 2 đợt đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài được triển khai vào tháng 11 và 12/2013.

Nếu phương án hợp tác với Gazpromnet  được triển khai, NMLD Dung Quất được mở rộng sẽ sử dụng lượng lớn dầu thô đầu vào do Gazpromnet  cung cấp.

Theo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo