Khám phá

Con người sắp "in" được sinh vật ngoài hành tinh?

Một nhà khoa học tiên phong trong nghiên cứu về ADN tuyên bố, con người sẽ có khả năng tái tạo các dạng sống xa lạ và "đẻ ra" các sinh vật ngoài hành tinh trên Trái đất bằng cỗ máy in 3D sinh học trong tương lai.
 

Tiến sĩ Craig Venter, chuyên gia người Mỹ từng giúp lập biểu đồ về hệ gen người, đã tạo ra dạng sống nhân tạo đầu tiên trên thế giới thông qua việc sử dụng các chất hóa học và cấy ADN vào tế bào của một vi khuẩn.

Ông Venter tin rằng, các nhà khoa học sẽ sớm làm điều tương tự, biến đổi những sinh vật cơ bản để có các đặc tính hữu ích cho nông trại hoặc y học cũng như cử robot thám hiểm không gian, nhận diện các dạng sống ngoài hành tinh và tái tạo chúng trên Trái đất.

Trong cuốn sách mới của mình với nhan đề " Cuộc sống ở tốc độ ánh sáng: Từ chuỗi xoắn kép đến bình minh của đời sống số", tiến sĩ Venter viết: "Trong những năm tới sẽ ngày càng có nhiều cơ hội để tạo ra vô số tế bào nhân tạo từ phần mềm máy tính. Việc tạo ra các tế bào từ con số 0 sẽ mở ra nhiều triển vọng phi thường".

Nhà khoa học này dự đoán, trong một ngày không xa, các cỗ máy thám hiểm hành tinh khác của con người sẽ có khả năng phân tích cấu tạo hệ gen của bất kỳ dạng sống vi khuẩn xa lạ nào, rồi truyền những thông tin giải trình tự ADN của chúng về Trái đất. Ở mặt đất, các chuyên gia sẽ có khả năng tổng hợp lại và tái tạo hệ gen của dạng sống ngoài hành tinh.

"Phiên bản nhân tạo của một hệ gen sao Hỏa khi đó có thể được dùng để tái tạo sự sống của sao Hỏa trên Trái đất", ông Venter nhấn mạnh.

Năm 2010, ông Venter và các cộng sự đã sản sinh ra một nhiễm sắc thể mới từ ADN nhân tạo trong ống nghiệm, cấy ghép nó vào một tế bào trống không. Nhiễm sắc thể nhân tạo đã nhân lên gấp bội trong tế bào, chứng minh dạng sống mới được hình thành và phát triển.

Vào thời điểm đó, nhà nghiên cứu tiên phong về gen và cũng là triệu phú Mỹ này đã so sánh công trình của mình với việc chế tạo một máy tính với ADN nhân tạo đóng vai trò như phần mềm chạy máy.

Vietnamnet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo