Edunetwork mượn danh “khóa học trực tuyến” để kinh doanh đa cấp?
Cảnh báo ứng dụng thanh toán đa cấp MyAladdinz có dấu hiệu lừa đảo, “hút máu” người dùng / Bộ Công Thương cảnh báo hậu quả từ ứng dụng hoàn tiền kiểu đa cấp
Sản phẩm giáo dục được chào bán như chiêu kiếm tiền "hot" nhất mạng xã hội
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, nhiều người được chào mời tham gia giao dịch bán khóa học online Edunetwork. Theo lời kể của một nữ giáo viên cấp 2, cô được ra nhập vào nhóm kín đào tạo để bán khóa học cùng rất nhiều thành viên khác. Tất cả hoạt động đào tạo đều diễn ra trên mạng xã hội. "Người bảo trợ” hướng dẫn cô sử dụng một app chỉnh sửa để tạo ra những hình ảnh tiền chuyển về tài khoản ngân hàng từ các giao dịch bán khóa học cho Edunetwork, sau đó đăng hình ảnh lên Facebook cá nhân để thu hút bạn bè tham gia dự án. Thực tế không có số tiền nào được chuyển vào tài khoản cả, nhiều người mới bắt đầu đều được hướng dẫn như vậy.
Một số người khác cũng được bạn bè hướng dẫn tham gia vào Edunetwork, đăng các bài viết quảng cáo, ca ngợi về Edunetwork lên Facebook cá nhân và khoe thu nhập khủng. Nhưng chỉ thấy một số tài khoản khác cũng là thành viên của Edunetwork vào bình luận chứ không có ai quan tâm. Không chỉ dạy cách bán khóa học, các vị xưng là “thủ lĩnh” còn đào tạo về tiềm thức, làm cho người học tin tưởng tuyệt đối vào giá trị khóa học, vào những người đứng đầu hệ thống và tin việc sẽ bán được thật nhiều khóa học và kiếm bộn tiền.
Hoạt động kinh doanh chính của Edunetwork là bán các khóa học online với nhiều mức giá. (Ảnh: Internet)
Dự án Edunetwork thành lập tháng 11/2019 tại Singapore. Ngay sau đó, được đưa về Việt Nam và phát triển bởi một nhóm người Việt. Theo giới thiệu trên website của dự án, Edunetwork là nền tảng mạng lưới giáo dục toàn cầu, giúp người học tìm hiểu, phát triển các kỹ năng tiếp thị và kiến thức phục vụ cho hành trình khởi nghiệp.
Hoạt động kinh doanh chính của Edunetwork là bán các khóa học online với nhiều mức giá từ 50USD, 200USD, 500USD, 1.000USD cho tới 2.000USD. Hiện Edunetwork sở hữu một cộng đồng đông đảo với hơn 24.000 thành viên. Mô hình này phát triển nhanh như vậy do cách làm marketing… không giống ai.
Website giáo dục này tập trung hướng dẫn người học chào mời thành viên mới. Với mỗi người mới tham gia, người bảo trợ được hưởng chiết khấu tới 80% giá trị khóa học. Điều kiện duy nhất mà Edunetwork đưa ra là người bảo trợ từng là học sinh trong mạng lưới và chỉ được hưởng hoa hồng khi môi giới các khóa học có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng với khóa mình đã học.
Cần chú ý đến mức chiết khấu cao đến vô lý mà người bán khóa học Edunetwork có thể nhận được. Các “thủ lĩnh Edunetwork” giải thích rằng sở dĩ duy trì mức chiết khấu cao đến vậy bởi thay vì tự sản xuất, họ chỉ cần mua bản quyền video khóa học. Vì được triển khai online nên một video của Edunetwork có thể bán được cho hàng nghìn người. Do đó, dù chỉ thu về 20% tiền bán khóa học, công ty vẫn làm ăn có lãi.
Sức hấp dẫn của mô hình kinh doanh này còn nằm ở chỗ, người giới thiệu sẽ nhận được hoa hồng gián tiếp từ cả những người ở hệ thống tuyến dưới. Chính sách có tên gọi “hoa hồng trả ơn”. Người giới thiệu (hay người bảo trợ theo cách gọi của Edunetwork) sẽ nhận được hoa hồng từ một nhánh của các thành viên F1.
Theo quy định của Edunetwork, người bán khóa học phải nhường một phần hoa hồng của mình cho thành viên tuyến trên. Đó là hoa hồng từ vị khách hàng thứ 2, người sở hữu giá trị khóa học đồng cấp với người bán. Chính sách này được quảng cáo là nhân văn bởi nó như một món quà mà những người tham gia sau dành tặng cho những người đã giới thiệu họ. Theo các “thủ lĩnh Edunetwork", cùng với việc cho đi khách hàng thứ 2, người bán khóa học sẽ nhận lại vô số khách hàng từ các thành viên tuyến dưới.
Số tiền khổng lồ từ việc bán khóa học cũng luôn được các "thủ lĩnh Edunetwork" mang ra… rắc thính để tìm kiếm thành viên mới.
Tuy được quảng cáo là phát triển theo mô hình Affiliate nhưng không ít người cho rằng dự án giáo dục trực tuyến Edunetwork thực chất chỉ là hoạt động bán hàng đa cấp trá hình.
Các diễn giải về hoạt động kinh doanh đa cấp đã được quy định rõ tại Điều 3, Nghị định 40/2018/NĐ-CP. Cụ thể là các hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh. Trong trường hợp người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới, hoạt động này được liệt vào kinh doanh đa cấp.
Khi kiểm tra danh sách 21 doanh nghiệp bán hàng đa cấp được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cấp giấy phép hoạt động, không hề có thông tin nào liên quan đến Edunetwork hay Edunetwork Việt Nam.
Theo quy định của pháp luật, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm. Sản phẩm Edunetwork cung cấp là những khóa học được thể hiện dưới hình thức đoạn phim video. Các khóa học này rõ ràng không phải hàng hóa mà chỉ là một loại hình dịch vụ. Như vậy, Edunetwork đang có những dấu hiệu của hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép, đòi hỏi sự vào cuộc khẩn trương của các cơ quan chức năng.
Có dấu hiệu của hành vi quảng cáo cho đa cấp trái phép
Một trong những lý do khiến dự án Edunetwork thu hút được nhiều người tham gia trong thời gian ngắn là do có sự quảng bá, giới thiệu từ một số ca sĩ, diễn viên tại Việt Nam.
Sau khi bỏ tiền mua khoá học, các thành viên sẽ được các thủ lĩnh của hệ thống này, đứng đầu là Giám đốc Edunetwork thị trường Việt Nam - Uyên Hồ (Hồ Thị Kim Uyên) hướng dẫn: Khi đăng các bài thu hút khách trên Facebook, nếu có khách nhắn tin hỏi mua khoá học để tham gia hệ thống thì nhắn cho họ là diễn viên, ca sĩ X, Y, Z cũng tham gia vào hệ thống và thuộc team của Uyên Hồ.
Các chuyên gia cho rằng, những người truyền tải quảng cáo cho đa cấp trái phép cần lưu ý các vấn đề sau: Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng; Việc thực hiện các hành vi vi phạm nêu trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự, cụ thể tại Điều 197 Bộ luật hình sự 2015 về tội "Quảng cáo gian dối".
End of content
Không có tin nào tiếp theo