10/25 tỉnh, thành phố phía Bắc có nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn
DNVN - Báo cáo “Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn” công bố sáng 1/12 đã đưa ra một bức tranh đầy đủ hơn về ô nhiễm không khí cả về không gian và thời gian. Đây là báo cáo đầu tiên cung cấp thông tin hiện trạng bụi PM2.5 không chỉ tại thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà của tất cả 63 tỉnh/thành phố.
Chuyên gia Ấn Độ: Cho rằng biến thể Omicron lây truyền gấp 6 lần Delta là sai khoa học / Cần một khung pháp lý ổn định và lâu dài để phát triển năng lượng tái tạo
10/63 tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn
Báo cáo “Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn” được thực hiện bởi trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET), Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) cùng các chuyên gia trong và ngoài nước. Báo cáo nằm trong dự án “Chung tay vì Không khí sạch” được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).
Tại Hội thảo “Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020 và Ứng dụng dữ liệu vệ tinh trong giám sát ô nhiễm và nghiên cứu” sáng 1/12, đại diện nhóm nghiên cứu, PGS. TS Nguyễn Thị Nhật Thanh - Trường Đại học Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, chất lượng không khí toàn quốc năm 2020 có phần cải thiện hơn so với 2019, tuy nhiên nhiều vùng và địa phương vẫn chịu ô nhiễm bụi PM2.5.
Trên phạm vi toàn quốc, nồng độ PM2.5 trung bình năm 2020 (8 - 35,8 µg/m3) có xu hướng giảm so với năm 2019. Các vùng có nồng độ bụi PM2.5 cao là Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội và các tỉnh lân cận), Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (các khu vực ven biển), và TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương.
TP Hồ Chí Minh có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm đứng thứ 11 trong xếp hạng toàn quốc.
"Năm 2020, toàn quốc có 10/63 tỉnh thành có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn, trong đó tất cả các tỉnh thành này đều nằm ở miền Bắc. Trong khi đó, năm 2019, toàn quốc có 13/63 tỉnh thành có nồng độ PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT", chuyên gia thông tin.
Trong năm 2020, miền Bắc có 10/25 tỉnh thành có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm toàn tỉnh vượt quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT, bao gồm Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc. Miền Trung và miền Nam không có tỉnh, thành phố nào có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 toàn tỉnh vượt quy chuẩn quốc gia.
Tuy nhiên, trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An (miền Trung) và TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai (miền Nam), vẫn có nhiều khu vực địa phương đang chịu ô nhiễm bụi PM2.5.
Nếu so sánh với nồng độ bụi PM2.5 theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2021 (5 µg/m3) và năm 2005 (10 µg/m3), nồng độ bụi PM2.5 của tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong giai đoạn 2019 – 2020 đều vượt nhiều lần các mức khuyến nghị này.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, Báo cáo đã xây dựng các bản đồ phân bố nồng độ bụi chi tiết tới cấp quận, huyện, thị xã cho Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
"Tại Hà Nội, đây là thành phố đứng thứ 6 trong xếp hạng các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 cao nhất. Nồng độ bụi trung bình cả hai năm 2019-2020 đều vượt quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT, mặc dù ô nhiễm bụi PM2.5 năm 2020 giảm 16% so với năm 2019", PGS. TS Nguyễn Thị Nhật Thanh chia sẻ.
Có sự chênh lệch nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm giữa các quận, huyện, trong đó cao hơn nội thành và thấp hơn ở các huyện ngoại thành (trừ các huyện Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì). Năm 2020, có 29/30 quận,huyện có nồng độ trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.
Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm đứng thứ 11 trong xếp hạng toàn quốc. Nồng độ trung bình năm 2020 của thành phố vẫn thấp hơn giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT, và giảm 13% so với nồng độ trung bình năm 2019. Năm 2020, nồng độ bụi PM2.5 cao ở phía Bắc và thấp ở phía Nam của thành phố. Có 12/24 quận/huyện có nồng độ trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.
Liên quan đến giám sát chất lượng không khí, PGS. TS Nguyễn Thị Nhật Thanh cho biết, trước đây, hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam được nghiên cứu và công bố trong các báo cáo định kỳ của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như một số tổ chức xã hội.
Tuy nhiên, các báo cáo và nghiên cứu này còn nhiều hạn chế về nguồn dữ liệu và chưa khai thác các nguồn dữ liệu mở (như vệ tinh và các mạng lưới thiết bị cảm biến). Và dữ liệu quan trắc bụi PM2.5 từ mạng lưới quan trắc quốc gia thường không liên tục và không đầy đủ cho 63 tỉnh/thành trên cả nước, ngay cả ở Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, một số báo cáo quốc tế đã và đang sử dụng các nguồn dữ liệu mở và chỉ ra tình trạng ô nhiễm bụi PM2.5 đáng báo động tại Việt Nam.
"Xu hướng ứng dụng các công nghệ tiên tiến để bổ sung dữ liệu chất lượng không khí (CLKK), đặc biệt từ dữ liệu mở đang diễn ra tại nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển", PGS. TS Nguyễn Thị Nhật Thanh thông tin.
Cần xây dựng bản đồ phân bố bụi mịn tới từng quận, huyện
Từ những phát hiện của báo cáo và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng, cần ứng dụng tiếp cận đa nguồn và dữ liệu mô hình tính toán từ ảnh vệ tinh trong giám sát CLKK nhằm đưa ra bức tranh về hiện trạng môi trường không khí ở cấp quốc gia, vùng miền và tỉnh, thành.
Xây dựng bản đồ phân bố bụi PM2.5 chi tiết tới từng quận, huyện, thị xã tại các tỉnh, thành phố có ô nhiễm bụi PM2.5. Các bản đồ chi tiết này sẽ hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và ban, ngành liên quan đưa ra các ưu tiên, mục tiêu cụ thể và giải pháp quản lý CLKK phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Đẩy mạnh các nghiên cứu để xác định đóng góp nguồn thải bụi PM2.5 và cho các chất ô nhiễm không khí khác, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố đang bị ô nhiễm bụi như kết quả báo cáo nêu ra. Từ đó có chính sách phù hợp và hiệu quả trong kiểm soát các nguồn thải chính. Cần tính toán cả sự ảnh hưởng qua lại của phát thải các địa phương trong một khu vực cũng như lượng PM2.5 thứ cấp hình thành trong từng khu vực để đưa ra các biện pháp kiểm soát ô nhiễm phù hợp.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu khuyến nghi tăng cường mạng lưới trạm quan trắc CLKK tiêu chuẩn của nhà nước trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên cho các tỉnh, thành phố có ONKK. Đồng thời, nhà nước cần có cơ chế chia sẻ dữ liệu nhằm hỗ trợ các nghiên cứu khoa học và giáo dục - truyền thông về ô nhiễm không khí.
Việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quan trắc bụi PM2.5 và các chất ô nhiễm không khí khác cũng được nhóm nghiên cứu đưa ra. Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm và xu thế quốc tế để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và sự tham gia của người dân và các cơ quan nghiên cứu khoa học trong giám sát CLKK.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cách xác thực tài khoản Facebook để tránh bị khóa 2025
Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Nga lên kế hoạch thực hiện 15 vụ phóng tên lửa Angara từ năm 2027 đến 2033
Nhìn lại thế giới 2024: Bản giao hưởng vang khắp không gian
Đẩy mạnh phát triển trí tuệ nhân tạo để phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao
Cột tin quảng cáo