Khoa học - Công nghệ

Cần "tiếng nói chung" giữa nhà khoa học và doanh nghiệp để thúc đẩy thương mại sản phẩm công nghệ

DNVN - Có tới 70% nhà khoa học mong muốn hợp tác với doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển thành sản phẩm cuối. Tuy nhiên, vấn đề cần giải quyết của nhà khoa học khác với doanh nghiệp nên hai bên không gặp được nhau.

Ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung số giúp tăng hiệu suất làm việc từ 5 - 10 lần / Cần ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ

Tư duy khác biệt

Tại tọa đàm và công bố mở đơn mua 1 chương trình "Ươm tạo doanh nghiệp và giải pháp đổi mới sáng tạo từ thảo dược" mới đây, ông Vũ Tuấn Anh - Phó trưởng Ban khoa học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, có nhiều cách thương mại hoá sản phẩm khoa học công nghệ. Trong đó, có phương thức thành lập doanh nghiệp trong trường đại học. Phương thức này mang lại nhiều lợi ích như phát huy tối đa tài sản trí tuệ, thu hút được đầu tư có trách nhiệm cũng như có được sự cam kết lâu dài, đặc biệt có sự tái đầu tư cho con người.

Tuy vậy, việc phát triển DN dựa trên kết quả nghiên cứu ở trường đại học còn rất nhiều khó khăn do vướng rất nhiều rào cản về luật pháp, chất lượng nghiên cứu còn hạn chế, nhân lực sẵn sàng cho nhiệm vụ này còn thiếu và yếu. Đáng chú ý, xã hội, nhất là khối DN chưa thực sự “mặn mà” với phương thức này.

Với những rào cản này nên số lượng DN dựa trên kết quả nghiên cứu ở trường đại học ít, kết quả kinh doanh khiêm tốn. Đặc biệt, chưa tạo ra được hiệu ứng lan tỏa trong hoạt động khoa học - công nghệ ở khối trường đại học.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn Anh, việc lập DN trong trường đại học vẫn có nhiều triển vọng bởi xu hướng phát triển tất yếu trong các trường đại học nghiên cứu. Chính phủ, các bộ, ngành đã có sự quan tâm nhất định về vấn đề này thông qua các chủ trương, chính sách. Một số trường đại học đã quan tâm thực sự, coi đây là một trọng tâm trong chiến lược phát triển, đã và đang đóng góp vai trò mở đường cho hoạt động này tại Việt Nam.


Doanh nghiệp chưa "mặn mà" với kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ ở khối trường đại học.

Để giải quyết điểm nghẽn về thành lập DN trong trường đại học, ông Vũ Tuấn Anh cho biết Đại học Quốc gia Hà Nội cùng với hơn 10 trường đề xuất thí điểm cho viên chức sang làm quản lý DN, cho phép nhà khoa học trực tiếp sử dụng tài sản trí tuệ. Khi chính sách thí điểm được đưa vào thực hiện thì chắc chắn có nhiều DN ra đời.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần KisStartup cho biết, 10% nhà khoa học muốn tự phát triển DN, gọi vốn đầu tư. Trong khi đó, có tới 70% nhà khoa học mong muốn hợp tác với DN nghiên cứu và phát triển thành sản phẩm cuối.

Tuy nhiên, khoảng cách, sự khác biệt về tư duy giữa nhà DN và nhà khoa học là vấn đề đáng lưu tâm. Thực tế cho thấy, vấn đề cần giải quyết của nhà khoa học khác với DN nên hai bên không gặp được nhau.

Sự khác biệt giữa hai bên thể hiện ở chỗ, doanh nghiệp quan tâm nhất là tiền bạc, thời gian, nhân lực; còn nhà khoa học quan tâm kết quả nghiên cứu đang ở vị trí nào, ai nghiên cứu chưa và tính mới ra sao.

Theo bà Minh, việc tìm hiểu xem DN đang có vấn đề gì và nhà khoa học giải quyết được gì là điều cần thiết. Để rút ngắn khoảng cách tư duy giữa nhà khoa học và DN cần có khoá học, tập huấn về thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu.

Ươm tạo doanh nghiệp

PGS, TS Trương Ngọc Kiểm - Giám đốc Trung tâm chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (CSK - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, tình trạng thiếu tổ chức trung gian giữa nhà khoa học với các bên để đưa sản phẩm ra thị trường. Trên thực tế, có nhiều rào cản khi đưa kết quả nghiên cứu, sản phẩm khoa học công nghệ của các nhà khoa học ra thị trường, chuyển hoá tài sản tri thức, trí tuệ thành các giá trị thực tiễn, hữu ích phục vụ cho cộng đồng và xã hội.

Để đưa được các kết quả nghiên cứu, sản phẩm khoa hoc công nghệ của các nhà khoa học ra thị trường thông qua thành lập DN trong trường đại học cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách và các nguồn lực.

Thời gian qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể để hỗ trợ hình thành DN, góp phần đưa các sản phẩm công nghệ tiếp cận thị trường. Trong đó, đáng chú ý là Chương trình “Ươm tạo doanh nghiệp và giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực dược liệu (S-Herb CSK). Với sự hợp tác giữa CSK và Công ty cổ phần KisStartup, chương trình được khởi động vào tháng 8/2023, nhằm hỗ trợ đưa các kết quả nghiên cứu, sản phẩm khoa học công nghệ từ thảo dược của các nhà khoa học ra thị trường.

"Bản thân các nhà khoa học, nghiên cứu có nhiều ý tưởng, một số sản phẩm đã được nghiệm thu nhưng còn từ chặng đường sản phẩm công nghệ được nghiệm thu và đưa ra thị trường còn là khoảng cách. Và hoạt động ươm tạo DN và giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực dược liệu chính là nhằm rút ngắn khoảng cách này.

Chúng tôi xác định sứ mệnh của mình là hỗ trợ các nhà khoa học, các thầy - cô trong việc tìm kiếm thị trường và thương mại hóa sản phẩm, cũng là hỗ trợ các DN tìm kiếm giải pháp, sản phẩm công nghệ có thể đáp ứng được sự phát triển ngày càng tốt hơn của xã hội", ông Kiểm chia sẻ.

Được biết, đây là chương trình ươm tạo doanh nghiệp đầu tiên được xây dựng bài bản dựa trên thế mạnh nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội về hóa học, sinh học, dược liệu.

Từ chuyên đề ban đầu là dược liệu, CSK sẽ xây dựng nhiều chương trình hoạt động khác nhau nhằm hướng đến câu chuyện kết nối các nhà khoa học, các sản phẩm khoa học công nghệ với các DN, hiệp hội DN để biến sản phẩm trí tuệ thành các giải pháp, sản phẩm hữu ích, đóng góp cho cộng đồng và xã hội.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm