Khoa học - Công nghệ

Thừa Thiên Huế: Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung là thiết chế về KH&CN gắn với văn hóa, du lịch

DNVN – Tỉnh Thừa Thiên Huế định hướng phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung trở thành thiết chế về KH&CN, là nơi để tham quan, học tập của học sinh, sinh viên cũng như là nơi nghiên cứu khoa học với sự tương tác cao. Bên cạnh đó phải gắn với các thiết chế về văn hóa và phát huy giá trị du lịch.

Thừa Thiên Huế: Tôn vinh 12 trí thức Khoa học Công nghệ tiêu biểu / Thừa Thiên Huế xét tặng Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ năm 2021

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình vừa có buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan về kế hoạch phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030.

Kết quả một số hoạt động sưu tầm, chế tác và trưng bày mẫu vật của Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung.

Kết quả một số hoạt động sưu tầm, chế tác và trưng bày mẫu vật của Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung.

Theo Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung (đơn vị trực thuộc Sở KH&CN), sau 10 năm hoạt động, hình ảnh và thương hiệu của Bảo tàng được quảng bá thông qua các hoạt động truyền thông, tuyên truyền và giáo dục công đồng. Quan hệ hợp tác với các tổ chức, cá nhân, trường học… trong tỉnh được chú trọng.

Bảo tàng cũng có quan hệ hợp tác, gắn kết với các đơn vị trong và ngoài tỉnh như: Ký kết quan hệ hợp tác với Khu Bảo tồn Sao la, Trung tâm Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam và Cứu hộ động, thực vật. Bảo tàng cũng hợp tác với Khoa Thủy sản - Đại học Nông Lâm Huế trong việc thực hiện nghiên cứu khoa học, thu thập, xử lý, chế tác mẫu vật.

Đến nay, bộ mẫu của Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung gồm có: Bộ mẫu địa chất - khoáng sản khá hoàn chỉnh (187 mẫu) được trưng bày trong Phòng Địa chất- Khoáng sản, bộ mẫu gỗ rừng tỉnh Thừa Thiên Huế (28 mẫu).

Bộ mẫu bướm nhân nuôi (2.000 mẫu) được thiết kế trưng bày trong Ngôi nhà Bướm; bộ mẫu côn trùng (170 mẫu) trưng bày cách điệu trên “Cây côn trùng”; bộ mẫu cá sông Hương và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (1.500 mẫu); bộ mẫu thủy sinh vật biển (hơn 100 mẫu) thu thập tại khu vực Sơn Chà – Hải Vân đang được thiết kế trưng bày theo dạng bể thủy sinh vừa bảo đảm tính khoa học, tính mỹ thuật vừa sinh động, hấp dẫn người xem.

 

Ngoài ra, có nhiều mẫu đơn lẻ quý hiếm như Hổ, Sao la, đầu Bò tót, sừng Mang nhỏ, sừng Sao la, Chà vá chân nâu, Cầy vòi hương, nai và Trăn gấm...; một số mẫu thực vật thân gỗ bị silic hóa niên đại 199 triệu năm tuổi…

Về định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung xác định mục tiêu trở thành một thiết chế văn hóa – KHCN của miền Trung. Xứng tầm với bảo tàng thiên nhiên cấp khu vực, hoàn chỉnh về cơ cấu, hiện đại về kỹ thuật, khoa học, hiệu quả và phong phú về nội dung hoạt động, phục vụ tốt nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy, tham quan, học tập, phổ biển kiến thức về quá trình phát triển lịch sử tự nhiên của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước.

Góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Cán bộ Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung thuyết trình về đa dạng sinh học và giáo dục môi trường cho các em học sinh.

Cán bộ Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung thuyết trình về đa dạng sinh học và giáo dục môi trường cho các em học sinh.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình ghi nhận những nỗ lực trong quá trình hình thành và phát triển của Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung. Khẳng định đây là thiết chế quan trọng, góp phần khẳng định vị thế của trung tâm KH&CN của tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị Sở KH&CN cần xây dựng đề án chung cho sự phát triển của Bảo tàng trong thời gian tới. Trong đó xác định Bảo tàng phải trở thành thiết chế về KH&CN, là nơi để học tập của học sinh, sinh viên cũng như là nơi nghiên cứu khoa học với sự tương tác cao. Bên cạnh đó là gắn với các thiết chế về văn hóa và phát huy giá trị du lịch.

“Sở KH&CN cần tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, bởi đây là thiết chế bảo tàng mang tầm khu vực. Cần tranh thủ kêu gọi các hoạt động hỗ trợ của các tổ chức quốc tế nhằm tăng thêm nguồn lực và các điều kiện giúp cho Bảo tàng phát triển và hoạt động hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm