Cơ chế đặc biệt nào cho TP Hồ Chí Minh thu hút nhân lực công nghệ cao?
Hợp tác 3 bên đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành Logistics / Đề xuất xây dựng chính sách Căn nhà thứ hai để thu hút vốn đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao về Việt Nam
Từng theo học khoa máy tính tại Mỹ, là kỹ sư phần mềm với mức thu nhập rất cao tại Google và Airbnb, năm 2019, ông Phạm Kim Cương đã quyết định trở về Việt Nam khởi nghiệp trên lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và mang trong mình khát khao cống hiến cho đất nước.
Chia sẻ về câu chuyện giới công nghệ từ thung lũng Silicon (Mỹ) trở về Việt Nam khởi nghiệp, ông Cương cho rằng ảnh hưởng bởi dịch COVID -19 và do suy thoái kinh tế tại Mỹ đã khiến cho thời gian gần đây có một lượng lớn trí thức và lao động công nghệ cao đã chọn trở về Việt Nam sinh sống, làm việc.
Có 3 lý do chính để họ về, đó là quan hệ, cơ hội và cống hiến. Quan hệ ở đây là yếu tố gia đình, bạn bè, các đối tác làm ăn. Cơ hội bao gồm những dự án mới của các tập đoàn lớn hay những dự án xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Yếu tố quan trọng nữa là họ được cống hiến, được làm những việc yêu thích mà vẫn mang lại ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng xã hội.
Theo ông Cương, TP Hồ Chí Minh đang xây dựng mô hình phát triển đô thị đổi mới sáng tạo với những cơ chế đặc thù. Để thu hút được nguồn nhân lực công nghệ cao và đặc biệt là các doanh nghiệp startup với những dự án đặc biệt, thành phố cần chú ý đến 3 vấn đề chính.
Đó là TP Hồ Chí Minh nên tạo ra các mạng lưới kết nối chuyên ngành giữa trong và ngoài nước. Cần tài trợ cho các trí thức trong nước có cơ hội ra nước ngoài thông qua các chương trình đào tạo để thu hút các tri thức ở nước ngoài về nước giảng dạy.
Nên tạo cơ hội cho các startup nói riêng và doanh nghiệp tư nhân nói chung tham gia vào nền kinh tế. Giống như thung lũng Silicon thì các startup và các doanh nghiệp tư nhân này sẽ là nam châm để hút nhân tài từ khu vực Đông Nam Á và xa hơn là về Việt Nam làm việc.
Một trong những vấn đề quan trọng nữa là TP Hồ Chí Minh cần tạo ra cơ chế cho các tổ chức phi lợi nhuận (non-profit organization - NPO) phát triển. Các tập đoàn kinh tế có thể đóng góp tiền vào NPO và được hạch toán khấu trừ từ lợi nhuận doanh nghiệp.
“Bằng cách này, các NPO sẽ có kinh phí để hoạt động và thu hút những tri thức có mong muốn cống hiến vì sự phát triển chung của thành phố và của cả nước. Mô hình này sẽ có sự linh hoạt và xoay quanh 3 khu vực NPO - doanh nghiệp tài trợ - cơ quan Nhà nước để thúc đẩy ảnh hưởng từ những đóng góp và cống hiến của mình”, ông Cương nói.
Tuy nhiên, theo cựu kỹ sư làm việc tại Google và Airbnb, tại Việt Nam, hệ thống pháp luật điều chỉnh về cơ chế hoạt động phi lợi nhuận chưa được xây dựng và hoàn thiện.
Hiện chưa có giải thích chính thống về hoạt động phi lợi nhuận trong một hệ thống văn bản pháp luật hoàn chỉnh, chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa hoạt động phi lợi nhuận của các đơn vị tư nhân với khu vực Nhà nước, nên chính sách áp dụng đối với các khu vực này chưa có sự bình đẳng và tạo động lực để phát triển cả hai khu vực này.
Đối với cơ chế hoạt động phi lợi nhuận trong các đơn vị cung ứng dịch vụ công, dịch vụ xã hội trong khu vực tư nhân, hiện còn thiếu các văn bản điều chỉnh. Nếu có, thì vấn đề hoạt động phi lợi nhuận cũng chưa được làm rõ và còn nhiều vướng mắc cả về lý luận và thực tiễn.
“Do vậy, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức phi lợi nhuận cung ứng dịch vụ công, dịch vụ xã hội tại Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Tôi cho rằng TP Hồ Chí Minh nên xem xét và tạo cơ chế cho loại hình này phát triển, bởi đây là một trong những yếu tố có thể thu hút được các doanh nghiệp công nghệ”, ông Cương nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cương, TP Hồ Chí Minh có rất nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Việc quy hoạch quận 2, quận 9 và thành phố Thủ Đức cũng tạo ra một môi trường hấp dẫn với nhiều cơ hội mới.
Ông kỳ vọng TP Hồ Chí Minh sẽ theo kịp Thượng Hải (Trung Quốc) để trở thành trung tâm công nghệ của Đông Nam Á.
Tính đến nay, Thượng Hải đã có 38 công ty khởi nghiệp kỳ lân (công ty khởi nghiệp có mức định giá hơn 1 tỷ USD), trong đó phải kể đến NIO, một công ty công nghệ ô tô điện đã lên sàn chứng khoán của Mỹ, từng đạt mốc vốn hoá 100 tỷ USD và cạnh tranh với Tesla.
“Tôi mong rằng TP Hồ Chí Minh cùng với Chính phủ sẽ tạo ra được môi trường thuận lợi cho những doanh nghiệp tỷ USD như vậy ra đời và phát triển bền vững trong tương lai”, ông Cương mong muốn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo