Khoa học - Công nghệ

Đà Nẵng: Công nghiệp sáng tạo nên phát triển xoay quanh du lịch biển

DNVN - Theo PGS.TS Trần Ngọc Ca (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đà Nẵng cần tập trung cho công nghiệp sáng tạo – một một thành tố cốt lõi của đổi mới sáng tạo, và tiếp cận phát triển theo chùm (cluster) xoay quanh du lịch biển.

Đà Nẵng tìm giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho đề án thành phố đổi mới sáng tạo / PC Đà Nẵng: Xử lý kịp thời các trường hợp sản lượng điện tăng bất thường

Ngày 15/11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đà Nẵng tổ chức hội thảo tổng hợp ý kiến đóng góp từ các bên liên quan, hoàn thiện nội dung đề án “Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo” và xây dựng chương trình hành động cụ thể cho giai đoạn 2026 - 2030.

Hội thảo góp ý xây dựng đề án "Đà Nẵng - TP đổi mới sáng tạo" ngày 15/11.

Hội thảo góp ý xây dựng đề án "Đà Nẵng - TP đổi mới sáng tạo" ngày 15/11.

Đúc kết qua các lần góp ý, PGS.TS Trần Ngọc Ca (Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, Đà Nẵng cần tập trung cho công nghiệp sáng tạo – một một thành tố cốt lõi của đổi mới sáng tạo (ĐMST). Và TP ĐMST là bệ đỡ, tạo nền tảng cho công nghiệp sáng tạo phát triển.

Theo ông, tập trung cho công nghiệp sáng tạo sẽ tạo nên sự phát triển kinh tế dựa trên giá trị gia tăng cao hơn, nhiều lợi thế cạnh tranh hơn, thay vì chỉ tập trung sản xuất công nghiệp vốn đang có xu thế gia công, ít giá trị gia tăng và dễ bị rơi vào bẫy thu nhập thấp.

“Barcelona (Tây ban nha), Copenhagen (Đan Mạch), San Diego (Mỹ), Tel Aviv (Israel), Busan (Hàn quốc), Cebu (Philippines), Phuket (Thái lan) là một số mô hình tham khảo trên thế giới thích hợp với Đà Nẵng, và có một số nét chung là gắn với biển; môi trường sống và làm việc lý tưởng; các loại hình và tổ hợp ĐMST đa dạng”, PGS.TS Trần Ngọc Ca nói.

Theo ông, mô hình công nghiệp sáng tạo của Đà Nẵng cần gắn tối đa với phát triển du lịch; phục vụ thiết thực cho phát huy các thế mạnh khác của TP như kinh tế biển, cảng/tiếp vận, đầu mối giao thông… Đồng thời đưa Đà Nẵng trở thành không gian sống và làm việc lý tưởng cho các nhà KH&CN, quản lý, đầu tư tại chỗ và những người đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nước ngoài.

Ông đề nghị Đà Nẵng cần hội hợp tác, liên kết tốt hơn với các cụm ĐMST khác trong nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; liên kết với các tỉnh, thành trong vùng, đưa Huế, Hội An trở thành thành tố của hệ sinh thái của Đà Nẵng, không cạnh tranh đối đầu mà dựa vào nhau.

PGS.TS Trần Ngọc Ca phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Trần Ngọc Ca phát biểu tại hội thảo.

Đồng thời liên kết với một số trung tâm ĐMST ở nước ngoài (Singapore, Nhật, Hàn, Mỹ…) theo hướng đặt cơ sở của nước ngoài tại Đà Nẵng; lựa chọn đối tác chiến lược như cho Đà Nẵng, như Hà Nội đã lựa chọn các đối tác Pháp, TP Hồ Chí Minh lựa chọn đối tác San Francisco… theo hướng trao đổi chuyên gia, chia sẻ cơ sở vật chất kỹ thuật, hiệu ứng tổ hợp.

Theo PGS.TS Trần Ngọc Ca, Đà Nẵng cần định hình như một trung tâm cho một số chùm về công nghiệp sáng tạo, tìm hoặc tạo ra những ngách đặc thù (niche) cho phát triển. Trong đó, ông đề xuất công nghiệp sáng tạo của Đà Nẵng nên tiếp cận phát triển theo chùm (cluster) xoay quanh du lịch biển. Đồng thời hướng tới thị trường BPO (Business Process Outsourcing) 172 tỷ USD; công nghiệp dịch vụ phim trường; cung cấp dịch vụ, giải pháp phần mềm cho chuỗi cung ứng, logistics; kiến trúc biển nhiệt đới; ẩm thực miền Trung…

Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng Lê Thị Thục, những ý kiến đóng góp từ các toạ đàm, hội thảo liên tục được tổ chức trong thời gian qua là sự chuẩn bị có tính chất chiến lược nhằm bảo đảm đề án mang tính ứng dụng cao, phù hợp với nhu cầu và tiềm năng phát triển của Đà Nẵng; mở ra cơ hội hợp tác, kết nối toàn diện, hướng tới phát triển TP thành trung tâm ĐMST bền vững và vươn tầm quốc tế.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm