Khoa học - Công nghệ

Đà Nẵng diễn tập ứng phó phát hiện phóng xạ tự nhiên dị thường

DNVN - Dự kiến sáng 14/10, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đà Nẵng sẽ chủ trì cùng với Công an TP, Sở Y tế, Bộ chỉ huy Quân sự TP tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân năm 2022 đối với tình huống phát hiện phóng xạ tự nhiên dị thường tại một khu vực trên địa bàn.

Đà Nẵng: Người mua căn hộ Chung cư FPT Plaza đủ điều kiện được cấp sổ hồng / Du lịch Đà Nẵng sớm kết nối lại việc trao đổi khách với thị trường Nhật Bản

TS Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng cho biết, theo kế hoạch cuộc diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân trên địa bàn năm 2022 sẽ tiến hành tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Ngũ Hành Sơn (đường Trần Văn Đán, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) trên cơ sở kịch bản chi tiết đã được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phê duyệt.

Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2016 (Ảnh: Sở KH&CN Đà Nẵng)

Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2016.

Theo kịch bản, vào thời điểm diễn tập, tại một khu vực san lấp mặt bằng, nhân viên thuộc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng (Trung tâm) đang thực hiện nhiệm vụ đo đạc, cập nhật phông phóng xạ môi trường trên địa bàn TP năm 2022 thì phát hiện vật liệu có hàm lượng phóng xạ tự nhiên cao bất thường so với mức phông phóng xạ trung bình của TP Đà Nẵng.

Ngay sau đó, nhân viên Trung tâm đã báo cáo cán bộ phụ trách chuyên môn để xác minh, đánh giá lại giá trị đã đo được. Qua xác minh lại cho thấy kết quả đo tại khu vực này cao hơn gấp 5 lần so với mức phông bức xạ chung quanh. Trung tâm liền báo cáo Thường trực ứng phó sự cố của Sở KH&CN Đà Nẵng để xác minh sự cố và đánh giá ban đầu.

Ngay lập tức, cán bộ thường trực ứng phó sự cố của Sở KH&CN Đà Nẵng có mặt tại khu vực nghi ngờ có sự cố, tiến hành đo đạc chung quanh và liên hệ Công an phường sở tại đề nghị bảo vệ hiện trường.

Sau khi có kết quả đo phân tích phông phóng xạ gamma, nồng độ hoạt độ của các nhân phóng xạ có trong vật liệu xây dựng của bãi san lấp (đất đá, cát…) cho thấy làm lượng các chất phóng xạ cao hơn mức phông môi trường 10 lần (100 Bq/kg).

Căn cứ theo đó, Thường trực ứng phó sự cố của Sở KH&CN Đà Nẵng xin ý kiến Trưởng Ban chỉ đạo TP công bố mức độ báo động, ra quyết định tổ chức ứng phó sự cố. Kế hoạch ứng phó sự cố được khởi động để xác định nguồn gốc của vật liệu nói trên và thu hồi vật liệu xây dựng chứa đuôi phóng xạ tự nhiên (NORM).

Theo kịch bản, quá trình ứng phó sự cố bức xạ hật nhân nêu trên kéo dài trong khoảng thời gian 1h30’ tại một khu vực san lấp mặt bằng (mô phỏng khu vực san lấp mặt bằng tại hiện trường khu vực diễn tập). Vật liệu chứa hàm lượng phóng xạ sử dụng trong diễn tập ứng phó là vật liệu mô phỏng.

TS Lê Đức Viên cho biết, mục tiêu chính của cuộc diễn tập là nhằm kiểm tra sự phù hợp của kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân trên địa bàn; việc truyền đạt thông tin giữa các tổ chức tham gia ứng phó; sự phối hợp của các đơn vị, các thành viên tham gia hoạt động ứng phó sự cố.

Qua đó đánh giá khả năng ứng phó sự cố dựa trên nguồn nhân lực, trang thiết bị hiện có của TP Đà Nẵng. Đồng thời tập trung rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống cho các lực lượng tham gia ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân trên địa bàn.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm