Khoa học - Công nghệ

Đề xuất xây dựng khu dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng

DNVN - Tại Diễn đàn cấp cao "Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Đồng bằng sông Hồng", chiều 11/5, ông Trần Minh Hoan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư xây dựng khu dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Đổi mới sáng tạo, động lực tăng trưởng mới - Bài 2: Kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn mức độ phát triển / Đổi mới sáng tạo, động lực tăng trưởng mới - Bài cuối: Nâng cao năng lực của địa phương

Diễn đàn cấp cao "Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Đồng bằng sông Hồng" nằm trong chuỗi các hoạt động của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia 2023.

Đây là diễn đàn đầu tiên được tổ chức có chủ đề dành riêng cho Vùng đồng bằng sông Hồng – khu vực có tiềm năng phát triển, trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lớn của cả nước, thu thút và ươm tạo nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp cho các địa phương.

Diễn đàn cấp cao "Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Đồng bằng sông Hồng". Ảnh: Hà Anh.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ngày 23/11/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 30 – NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết đã xác định quan điểm phát triển nhanh, bền vững Vùng Đồng bằng Sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.

Theo đó, đồng bằng sông Hồng là một vùng kinh tế động lực chiếm khoảng 30% GDP cả nước, tổng vốn đầu tư xã hội chiếm hơn 1/3, đứng đầu cả nước. Tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005 - 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước.

Một số địa phương trong vùng đã phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng của vùng và cả nước nhưng nhìn chung, tăng trưởng kinh tế của vùng còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, các địa phương phát triển không đồng đều.

Ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh VCCI đang cùng với các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp. Ảnh: Hoài Anh.

Nghị quyết 30 – NQ/TW đã đề ra nhiệm vụ chủ yếu là tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do VCCI chỉ đạo tổ chức thực hiện đã thu hút sự quan tâm, vào cuộc của các tỉnh thành, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và của cộng đồng khởi nghiệp trên cả nước.

“Thông qua chương trình các diễn đàn, hội thảo, tư vấn, cuộc thi và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thường xuyên được tổ chức và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, các nội dung hỗ trợ được mở rộng hướng đến phát triển bền vững.

Là thành viên của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu GEN, VCCI cũng hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp tham gia tích cực các hoạt động khởi nghiệp trong khu vực và quốc tế”, ông Nghĩa nói.

Với mục tiêu phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động; đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, các chương trình và hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp mà VCCI đang cùng với các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng về chính sách, cơ chế và hệ sinh thái để cộng đồng khởi nghiệp trải nghiệm thực tiễn khởi nghiệp, góp phần phát triển doanh nghiệp.

Ông Trần Minh Hoan – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định cho biết, trong giai đoạn vừa qua, các địa phương đã thực hiện việc hỗ trợ, xây dựng và vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng chưa có tính thống nhất và đồng bộ.

Một số địa phương trong vùng, trong khu vực thiếu tính kết nối và chia sẻ. Vì vậy, để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, các tỉnh/thành vùng đồng bằng Sông Hồng cần sát cánh, đồng hành cùng nhau trong truyền thông khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đó là hợp tác chia sẻ thông tin tuyên truyền, phổ biến các chính sách, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các điển hình khởi nghiệp của các địa phương trong vùng.

Ông Hoan đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư xây dựng Khu dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp tập trung quy mô vùng với đầy đủ các hạng mục, bao gồm cả khu ươm tạo công nghệ và khu không gian sáng tạo để các công ty khởi nghiệp trong vùng có thể sử dụng.

Qua đó, phối hợp triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn kiến thức, hội thảo, sự kiện cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Nguyễn Hoài
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm