Khoa học - Công nghệ

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: Mức độ sẵn sàng với sản xuất thông minh chưa cao

DNVN - Các đại biểu tại hội thảo chuyên ngành “Thúc đẩy chuyển đổi số - hướng tới mô hình sản xuất thông minh” cho rằng, xu thế tất yếu của các doanh nghiệp ô tô, cơ khí, điện tử hiện nay là ứng dụng công nghệ số nhưng mức độ sẵn sẵn sàng của phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với sản xuất thông minh chưa cao.

Giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản / Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ sản xuất còn nhiều hạn chế

Hội thảo chuyên ngành “Thúc đẩy chuyển đổi số - hướng tới mô hình sản xuất thông minh” được tổ chức ngày 17/11 trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế lần thứ 3 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2022.

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được đánh giá là một thành phần quan trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng và nền kinh tế nói chung, đóng vai trò như nguồn đầu vào cho hoạt động sản xuất và thúc đẩy lưu thông hàng hoá trong nước.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới nền kinh tế Việt Nam và tác động tiêu cực đến hoạt động của nhiều ngành và doanh nghiệp.

Sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do sự đứt gãy chuỗi cung ứng khiến nguồn cung nguyên liệu gián đoạn hoặc khan hiếm; thị trường đầu ra giảm mạnh, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu.

Cuộc cách mạng 4.0 bùng nổ, trở thành xu thế mới trên khắp thế giới. Trong đó, chuyển đổi số nổi lên như một giải pháp thiết yếu giúp doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất hướng tới cải tiến thông minh, cải thiện nhân lực và công nghệ. Song song với cơ hội lớn như vậy là những khó khăn và thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt để tiếp cận cơ hội to lớn này.

Theo ông Darryl Dong, Chuyên gia Tài chính trưởng của tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số là vấn đề thiết yếu giúp một doanh nghiệp thành công trong thời kỳ công nghệ số hiện nay.

Ông Darryl Dong, Chuyên gia Tài chính trưởng của IFC tại Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số là vấn đề thiết yếu giúp doanh nghiệp thành công.

“Đại dịch COVID là một hồi chuông cảnh báo khi một khảo sát của McKinsey cho thấy những công ty sớm thực hiện chiến lược chuyển đổi số đã ứng phó với điều kiện hoạt động mới trong đại dịch tốt hơn hẳn so với các công ty khác. Chuyển đổi số giúp cải thiện sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong dài hạn, nâng cao tính bền vững và khả năng chống chịu cho doanh nghiệp trước các cú sốc", ông Darryl Dong nói.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về thực trạng tại doanh nghiệp CNHT cũng như những khó khăn, thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số và áp dụng giải pháp sản xuất thông minh.

Các đại biểu đều cho rằng, xu thế tất yếu của các doanh nghiệp ô tô, cơ khí, điện tử Việt Nam hiện nay là ứng dụng công nghệ số và tự động hóa trong toàn bộ hoặc một số bước trong quy trình sản xuất, kinh doanh.

Để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển, cần phải đẩy nhanh việc thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang chuyển đổi số, sản xuất thông minh. Đây là một quá trình dài, cần có chiến lược và giải pháp phù hợp.

Trong bối cảnh hiện tại, mức độ sẵn sàng và tiếp cận của phần lớn các doanh nghiệp trong ngành CNHT đối với sản xuất thông minh nhìn chung còn chưa cao. Bởi vậy, uá trình chuyển đổi này là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, yếu cả về nguồn lực tài chính và nhân lực.

Các đại biểu khuyến nghị, trong khi áp dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp cần có giải pháp về tài chính, nguồn nhân lực, sự trợ giúp của nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số tiên phong và đáng tin cậy.

Đồng thời cần có sự hỗ trợ về thể chế và triển khai từ phía cơ quan quản lý Nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh đạt kết quả cao, góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm