Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ giúp Việt Nam nhân đôi lợi thế thu hút FDI
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ tụt hậu trung bình của thế giới từ 2 - 3 thế hệ / Thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Diễn đàn “Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và trách nhiệm thẩm định/tra soát” diễn ra vào chiều 19/10 đã bàn thảo sâu về giải pháp nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác đa phương.
Chia sẻ tại diễn đàn, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Thị Lan Anh cho rằng, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, thúc đẩy hội nhập giữa các quốc gia với trọng tâm là mở cửa kinh tế, tạo điều kiện kết hợp hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững, trong đó chuỗi cung ứng toàn cầu đóng vai trò trọng yếu.
Các đại biểu chia sẻ tại Diễn đàn “Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và trách nhiệm thẩm định/tra soát”. (Ảnh: Hà Anh)
Dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng trong những năm gần đây trong mọi lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ mang lại cơ hội mới cho Việt Nam tham gia vào các hoạt động chuỗi giá trị toàn cầu phức tạp hơn và có giá trị cao hơn.
Trong năm 2021, mặc dù dịch COVID -19 đang diễn biến phức tạp nhưng vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 31,1 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Trên bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam có quy mô tham gia năm 2018 đạt 62,1% so với tổng giá trị xuất khẩu - cao hơn mức trung bình của nhiều khu vực trên thế giới, cho thấy nền sản xuất Việt Nam đã và đang có sự gia nhập khá mạnh mẽ vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19, bất ổn địa chính trị và các yếu tố bất định khác vẫn đang tạo nên những xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu. Chuỗi cung ứng linh hoạt, ứng dụng công nghệ số, tăng cường tính minh bạch là các yếu tố không thể tách rời với xu hướng phát triển bền vững.
Để tăng cường vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy quá trình phục hồi sau đại dịch theo hướng phát triển cân bằng và bền vững hơn, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách kinh tế thông qua một chiến lược dài hạn được phối hợp chặt chẽ của nhiều bên liên quan.
Việc đánh giá tổng thể và toàn diện năng lực động giúp doanh nghiệp thích ứng với những thay đổi trên cơ sở tích hợp và định vị lại nguồn lực của tổ chức, cũng như năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối mạng lưới của doanh nghiệp là nhiệm vụ trước mắt và quan trọng để giải quyết bài toán khó khăn đang đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
“Cần giải quyết một số hạn chế về cấu trúc như tăng cường năng lực sản xuất trong nước và các ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ cho phép các doanh nghiệp của Việt Nam ở mọi phân khúc khác nhau của nền kinh tế. Qua đó, có thể thiết lập mối liên kết chặt chẽ hơn với khu vực FDI, áp dụng tiến bộ công nghệ nhanh hơn, thúc đẩy năng suất, trách nhiệm tra soát, tuân thủ và tính minh bạch”, bà Lan Anh nhấn mạnh.
Phát biểu tại sự kiện, ông Choi Joo Ho- Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho rằng trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Tính đến tháng 9/2022, tỉ lệ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã đạt hơn 8,8%. Trong sự tăng trưởng này, Samsung Việt Nam cũng đang nâng cao năng lực cạnh tranh.
Việt Nam đang có một số lợi thế bao gồm sự nỗ lực trong việc thu hút FDI, tính nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ và nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng.
“Tôi nghĩ rằng điều cần thiết trong việc nhân đôi và phát triển hơn nữa những lợi thế này chính là mở rộng sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Việt Nam cần phải có những nỗ lực trung - dài hạn trong tương lai về vấn đề này”, ông Choi Joo Ho nói.
Cũng theo Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, từ năm 2015 cho đến nay, Samsung Việt Nam đã và đang phối hợp cùng với Bộ Công thương để cải thiện năng lực cạnh tranh trong sản xuất cũng như chất lượng thông qua việc cử các chuyên gia có kinh nghiệm hàng chục năm đến Việt Nam hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp trong nước.
“Chúng tôi cũng đang hỗ trợ nhiều chương trình đa dạng trong việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, chẳng hạn như đào tạo các chuyên gia tư vấn tại Việt Nam.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang thúc đẩy mở rộng sự tham gia của các nhà cung ứng trong nước vào chuỗi cung ứng của Samsung và tiếp tục nỗ lực bảo đảm những nhân viên được làm việc trong môi trường an toàn, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau không chỉ trong nội bộ của Samsung mà còn với các nhà cung ứng của Samsung”, ông Choi Joo Ho khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo