Doanh nghiệp KHCN kiến nghị các giải pháp đột phá về nhân tài, hạ tầng và sở hữu trí tuệ
Trao cơ hội công nghệ cho doanh nghiệp để tăng trưởng 2 con số khả thi / Hơn 120 doanh nghiệp công nghệ hội tụ, kiến tạo tương lai số tại iTech Expo 2025
Với vai trò là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu, ông Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã đề xuất ba nhóm chính sách quan trọng để tạo ra sự đột phá trong phát triển khoa học công nghệ.
Thứ nhất, xây dựng cơ chế đột phá để thu hút và giữ chân nhân tài khoa học. Để hiện thực hóa chủ trương thu hút 100 nhà khoa học hàng đầu, ông Thắng cho rằng cần luật hóa hai cơ chế đãi ngộ mang tính đột phá: cho phép các nhà khoa học được hưởng lợi ích trực tiếp từ sản phẩm, bản quyền mà họ tạo ra và có cơ chế để họ được sở hữu cổ phần trong chính các công ty phát triển từ kết quả nghiên cứu đó.
"Ngoài lương thưởng, việc gắn chặt trách nhiệm và quyền lợi với thành quả sáng tạo sẽ là động lực lớn nhất", ông Thắng nhấn mạnh.
Thứ hai, Nhà nước cần đi đầu trong việc đầu tư vào các phòng thí nghiệm (lab) và hạ tầng công nghệ trọng yếu, đặc biệt trong các lĩnh vực rủi ro cao và chưa thể có lợi nhuận ngay như công nghệ lượng tử hay nhà máy đúc chip bán dẫn. Sau đó, Nhà nước có thể giao cho các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu quản lý và khai thác, tạo ra một hệ sinh thái mở cho các startup và nhà khoa học khác cùng sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực.

Thứ ba, cần đổi mới mô hình “3 nhà” (Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp) một cách thực chất hơn. Cụ thể, cần công nhận thời gian sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp công nghệ lớn như một tín chỉ học tập chính thức. Đồng thời, cho phép các tập đoàn công nghệ uy tín được cấp các chứng chỉ chuyên môn có giá trị, tương tự như chứng chỉ của Cisco hay Alibaba, giúp sinh viên có thêm lợi thế cạnh tranh khi ra trường.
Nhấn mạnh vấn đề sở hữu trí tuệ, luật sư Lê Quang Vinh - Nhà sáng lập Công ty SHTT Bross và Cộng sự, đã chỉ ra một nghịch lý: dù doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang tăng tốc đổi mới, nhưng phần lớn các sáng tạo lại không được bảo hộ kịp thời dưới dạng quyền sở hữu trí tuệ.
Theo ông Vinh, doanh nghiệp thường ngại nộp đơn vì thủ tục rườm rà, chi phí cao và lo ngại lộ bí mật kỹ thuật. Hậu quả là sáng tạo không được định danh pháp lý và dễ bị sao chép.
"Chi phí nộp đơn, duy trì hiệu lực và giải quyết tranh chấp vẫn ở mức cao, trong khi quy trình khiếu nại kéo dài và khó dự đoán. Tâm lý 'bảo hộ trên giấy, vô hiệu ngoài đời' vẫn còn phổ biến", ông Vinh phân tích.
Do đó, Luật sư Vinh đề xuất cần cải thiện quy trình pháp lý để sở hữu trí tuệ thực sự trở thành "xương sống pháp lý" cho nền kinh tế số, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp định giá và thương mại hóa tài sản trí tuệ một cách hiệu quả.

Về phía các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, PGS, TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) nhấn mạnh vai trò tiên phong của nghiên cứu cơ bản trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển công nghệ.
Ông Sơn cho biết, ĐHQGHN đã chuyển hướng mạnh mẽ từ "nghiên cứu để tìm ứng dụng" sang "lấy bài toán của doanh nghiệp, địa phương làm định hướng nghiên cứu". Kết quả là từ năm 2022 đến 2024, ĐHQGHN đã đề xuất thương mại hóa khoảng 300 sản phẩm KH&CN, thu hút hơn 252,5 tỷ đồng đầu tư ngoài ngân sách, với doanh thu chuyển giao đạt 130,4 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, doanh nghiệp đã đặt hàng nghiên cứu với giá trị khoảng 50 tỷ đồng.
ĐHQGHN cam kết sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, vừa duy trì xuất sắc về học thuật, vừa kết nối chặt chẽ với thực tiễn, đồng hành cùng Bộ KH&CN triển khai các nghị quyết và luật mới ban hành.
End of content
Không có tin nào tiếp theo