Khoa học - Công nghệ

Độc giả là trung tâm của chuyển đổi số báo chí

DNVN - Theo ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chuyển đổi về độc giả, khán thính giả mới chính là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số báo chí.

Chủ tịch Quốc hội chúc Tết các cơ quan báo chí Quốc hội / Báo chí châu Á 'choáng' với thành tích của U20 Việt Nam tại giải U20 châu Á

Ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, các xu hướng kỹ thuật số trong lĩnh vực báo chí truyền thông đã thay đổi nhanh chóng thông qua một số làn sóng kỹ thuật số (chia sẻ file, streaming, mạng xã hội và thiết bị di động).

Truyền thông xã hội, các dịch vụ video streaming và các ứng dụng cho mobile đang đua tranh để thu hút sự chú ý của người xem, với lượng nội dung lớn, được tạo ra mỗi giây khiến các cơ quan báo chí phải lao vào cuộc chiến khốc liệt để lôi kéo độc giả.

“Thực chất, độc giả mới chính là trung tâm của bất kỳ quá trình chuyển đổi số nào. Chuyển đổi về độc giả, khán thính giả mới chính là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Độc giả đi đâu thì chuyển đổi số phải diễn ra ở đó”, ông Minh cho biết.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho rằng chuyển đổi về độc giả mới chính là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số báo chí.

Cũng theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, trong thị trường cực kỳ cạnh tranh hiện nay, có nội dung hay thôi thì chưa đủ. Các cơ quan báo chí cần phải tích hợp nội dung với trải nghiệm cao cấp của người dùng, phải có nội dung mang tính cá nhân hóa, có những khuyến nghị nội dung hiệu quả, quảng cáo cũng phải phù hợp với người dùng.

Để tạo ra nội dung hấp dẫn và được trình bày trong bối cảnh phù hợp, các tòa soạn cần phải đổi mới sáng tạo và thực hiện chiến lược số hóa trong toàn bộ hoạt động của mình, từ việc phát triển ra những cách thức mới để tạo nội dung cho đến việc thử nghiệm các biện pháp giàu trí tưởng tượng.

Báo cáo về Xu hướng báo chí thế giới cho thấy, có tới 44% những người trả lời khảo sát cho biết thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số là sự thay đổi quan trọng nhất mà họ cần phải thực hiện để phát triển.

"Chuyển đổi số" là chiến lược tổng quát đối với hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp nhưng các trọng tâm cụ thể chính là việc phải coi độc giả là trung tâm.

Không phải ngẫu nhiên mà những thay đổi trọng yếu nhất của các tòa soạn trong đều phản ánh qua những kế hoạch đầu tư hàng đầu. Đó là đẩy mạnh các kế hoạch tạo nguồn thu từ độc giả, phân tích dữ liệu và đầu tư nhiều hơn nữa vào công nghệ.

Chuyển đổi số rõ ràng là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn bị tụt hậu và mất đi độc giả, khán thính giả, và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí.

Theo ông Minh, có rất nhiều tờ báo đã ngập ngừng không dám bước đi nhưng cũng có rất nhiều ví dụ thành công để chúng ta phải học theo.

Financial Times, tờ báo tài chính nổi tiếng sử dụng giấy in báo màu hồng ra đời vào năm 1888, là một trong những cơ quan báo chí sớm nhận ra đòi hỏi phải thay đổi khi kỷ nguyên số ập tới, thực hiện nhiều cải cách mạnh mẽ để bảo đảm tờ báo đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của độc giả về việc cập nhật thông tin từng phút.

Trong khi đa số các tờ báo khác chú trọng thu hút quảng cáo số thì Financial Times ngay từ đầu đã chọn con đường thu phí, với niềm tin rằng kỹ thuật số không hủy diệt báo in mà chuyển đổi số chỉ tạo ra thêm một kênh phân phối thông tin mà thôi.

Financial Times cạnh tranh mạnh mẽ trên các nền tảng online - từ các phiên bản web và mobile, blog của báo, các trang mạng xã hội cho đến email và nội dung video.

Báo in gồm những nội dung cô đọng về tất cả các thông tin kinh doanh và tài chính mỗi ngày, còn các nền tảng online dẫn dắt độc giả tìm kiếm sâu hơn.

Việc sử dụng hiệu quả cả hai kênh thông tin sẽ giúp khách hàng trở thành nhà lãnh đạo có tầm hiểu biết sâu sắc. Financial Times tuyên bố báo in không thể bị tiêu vong nhưng nó sẽ tiến hóa cùng với kỷ nguyên kỹ thuật số.

Độc giả đi đâu thì chuyển đổi số phải diễn ra ở đó.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi số trên thế giới và tại Việt Nam, bao gồm cả trong các cơ quan báo chí, vốn khá chậm chạp nhưng bất ngờ được đẩy mạnh mà động lực chính là tình trạng dịch bệnh COVID-19 khiến cho các tòa soạn phải thực hiện giãn cách, nhân viên phải làm việc từ xa, việc tiếp cận độc giả cũng như các khách hàng quảng cáo không dễ dàng và trực tiếp như trước.

Tuy nhiên, đối với nhiều cơ quan báo chí, chuyển đổi số dường như mới dừng ở việc số hóa nội dung và đầu tư công nghệ.

Khi các cơ quan báo chí nói về chuyển đổi số, việc quá chú trọng vào kỹ thuật số, cụ thể là vào các nền tảng và công nghệ thường che lấp những điều mà họ thực sự cần phải thay đổi trong tổ chức của mình.

“Thực chất, độc giả mới chính là trung tâm của bất kỳ quá trình chuyển đổi số nào. Chuyển đổi về độc giả, khán thính giả mới chính là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Độc giả đi đâu thì chuyển đổi số phải diễn ra ở đó. Quả bóng hoàn toàn nằm ngay dưới chân các lãnh đạo tòa soạn”, ông Minh nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm