Đồng bộ giải pháp, chỉ rõ các tiêu chí cho từng trang trại trước khi tiêm vaccine Dịch tả lợn châu Phi
Vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi do Việt Nam sản xuất đã sẵn sàng ra thị trường / Sắp công bố vaccine dịch tả lợn Châu Phi do doanh nghiệp Việt nghiên cứu
Từ đầu tháng 12/2022, trang trại của anh Nguyễn Văn Nhận, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội bắt đầu tiêm vaccine Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) AVAC ASF LIVE do Công ty CP AVAC Việt Nam sản xuất. Theo anh Nhận, từ sau thời điểm tiêm đến nay, lợn khỏe mạnh, phát triển tốt, không có biểu hiện lạ.
Nằm trong chuỗi trang trại gia công của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, cơ sở của anh Nhận thực hiện đầy đủ các quy trình an toàn sinh học. Khi ra vào trang trại, mọi người phải tắm 2 lần, phun khử khuẩn, đeo găng tay và mặc đầy đủ quần áo bảo hộ. Hệ thống chuồng trại được xây biệt lập với khu dân cư. Phân, nước thải của trang trại được xử lý khép kín, không gây mùi ra bên ngoài.
Vui mừng trước những kết quả đạt được tại trang trại gia công, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến tái khẳng định quyết tâm của toàn ngành trong việc sản xuất vaccine DTLCP.
"Đây là một công trình khoa học được thực hiện bài bản, dựa trên phương pháp hiện đại, với các bộ chỉ tiêu được thông qua bởi Hội đồng khoa học của ngành và Hội đồng khoa học của Bộ NN&PTNT. Trước khi cho phép lưu hành, Bộ NN&PTNT giữ quan điểm phải kiểm nghiệm, khảo nghiệm chặt chẽ và xin ý kiến các bên liên quan một cách nghiêm túc", Thứ trưởng chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho đến nay vaccine AVAC ASF LIVE đã qua 3 vòng "kiểm tra": Ở công ty sản xuất, ở trung tâm kiểm nghiệm của Cục Thú y và sử dụng trên diện hẹp tại một số trang trại.
Kết quả trùng khớp giữa nghiên cứu và thực tiễn phản ánh vaccine hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu. Đây là một thông tin rất tốt đối với bà con nông dân, bởi tỷ lệ chết của lợn khi nhiễm DTLCP gần như là 100%.
Việc giám sát tiêm vaccine tại các trang trại gia công như của anh Nhận, huyện Chương Mỹ, Hà Nội là hết sức cần thiết. Bởi điều kiện tại đây khá sát thực tế, giúp quá trình khảo nghiệm có nhiều tính ứng dụng khi triển khai trên diện rộng và sử dụng đại trà.
Nếu vượt qua quá trình khảo nghiệm này, vaccine AVAC ASF LIVE sẽ được Bộ NN&PTNT đồng ý cho lưu hành trong sản xuất ở mức độ rộng rãi hơn, nhằm tiến tới đáp ứng được nhu cầu cho tổng đàn lớn gần 30 triệu con của nước ta.
Tại Việt Nam, xu hướng tham gia của các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi ngày càng tăng. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, con số này hiện vào khoảng 3,7 tỷ USD. Khi tham gia theo mô hình này, các trang trại sẽ hình thành chuỗi khép kín, từ con giống, thức ăn dinh dưỡng, môi trường nuôi, cho đến giết mổ, chế biến và phân phối thị trường.
Cùng với quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, các loại vaccine (trong đó có vaccine DTLCP) sẽ cải thiện, nâng cao sản lượng, chất lượng thịt, trứng, sữa của ngành chăn nuôi.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng lưu ý về vấn đề hỗ trợ về kỹ thuật. Ông cho rằng hai công ty AVAC và C.P đã khảo nghiệm có hiệu quả nhờ cán bộ kỹ thuật trực tiếp "cầm tay chỉ việc" tại các trang trại, kể cả trang trại gia công. Do đó, nếu sử dụng ngoài thực tế, hệ thống thú y, nhất là thú y cơ sở cần sâu, sát với người dân.
"Chúng ta phải thực hiện đồng bộ giải pháp, từ ban hành văn bản hướng dẫn, hệ thống thú y tăng cường giám sát việc tiêm phòng, cho đến nêu rõ các tiêu chí với từng trang trại trước khi tiến hành tiêm. Dù thành công bước đầu, vaccine DTLCP vẫn còn tương đối mới với người dân và cộng đồng quốc tế", ông Tiến nhấn mạnh.
Vaccine AVAC ASF LIVE là vaccine nhược độc đông khô. Virus vaccine được nhược độc hóa bằng phương pháp cắt bỏ gen độc và nuôi trên môi trường trên tế bào dòng DMAC do công ty AVAC tự phát triển.
Loại vaccine này được khuyến cáo sử dụng cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên và không sử dụng cho lợn sinh sản (hậu bị, nái và đực giống). Từ ngày thứ 14, lợn được tiêm vaccine sẽ xuất hiện kháng thể. Thời gian bảo hộ kéo dài khoảng 4 tháng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo