Khoa học - Công nghệ

Giai đoạn 2021-2030: Doanh nghiệp sẽ là trung tâm của đổi mới sáng tạo

DNVN - Theo Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, thay vì xác định trọng tâm là các viện, trường đại học thì trong giai đoạn mới, xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ lấy doanh nghiệp làm trung tâm và viện nghiên cứu sáng tạo quốc gia sẽ là chủ thể.

Lần đầu tiên phát hành báo cáo “Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021” / Cần Thơ lập Ban Quản lý dự án “Các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh”

Giai đoạn 2021-2030, doanh nghiệp sẽ là trung tâm của đổi mới sáng tạo

Nhằm hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, sáng 5/11, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức buổi làm việc xin ý kiến của đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đối về nội dung của Dự thảo.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, trong lĩnh vực đổi mới công nghệ và sự thay đổi về vốn của các doanh nghiệp khoa học công nghệ đang được ghi nhận sự tăng trưởng dương. Riêng đối với lĩnh vực quản trị dây chuyền sản xuất, kinh doanh của nước ta đang tăng trưởng âm 11%.

Mặc dù các doanh nghiệp khoa học công nghệ thời gian qua đã tập trung vào việc mua máy móc nhưng việc đào tạo, thay đổi về sản xuất, về tư duy cũng như môi trường kinh doanh vẫn chưa thay đổi, và hầu như chưa phát huy hết được hiệu quả trong đầu tư.

Cùng với đó năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Việc mua sắm trang thiết bị máy móc, đổi mới dây chuyền công nghệ gần như chúng ta vẫn phụ thuộc 100% vào các chuyên gia nước ngoài.

Cũng theo Thứ trưởng, việc liên kết giữa khối hàn lâm, viện, trường với doanh nghiệp hiện nay còn rất yếu, vẫn chưa giúp được doanh nghiệp làm chủ được dây chuyền công nghệ và cải tiến được nó.

Bên cạnh đó trình độ của người lao động vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đủ năng lực hấp thu công nghệ cũng như đổi mới sáng tạo nguồn nhân lực. Từ đó, Thứ trưởng cho rằng, trong giai đoạn 2021-2030 chúng ta cần phải xác định chuyển đổi lại trọng tâm. Thay vì xác định trọng tâm là các viện, trường đại học thì trong giai đoạn mới, xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ lấy doanh nghiệp làm trung tâm và viện nghiên cứu sáng tạo quốc gia sẽ là chủ thể.

Như vậy, bài toán đặt ra cho các viện, trường sẽ là từ chính các doanh nghiệp. Và kết quả là phải đưa trở lại doanh nghiệp, biến nó trở thành hàng hóa giá trị và tạo ra sản phẩm cho xã hội.

Toàn cảnh buổi làm việc xin ý kiến của đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đối về nội dung của Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030.

Toàn cảnh buổi làm việc xin ý kiến của đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đối về nội dung của Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030.

Các chính sách cần đi vào cuộc sống, thiết thực hơn cho doanh nghiệp

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) đồng quan điểm với chủ trương trong điều khoản mà Bộ khoa học và Công nghệ đưa ra.

Hiện nay doanh nghiệp Việt Nam có đến 99% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Chính vì vậy, khả năng nhận thức và hấp thụ công nghệ nước ngoài và chuyển đổi nó làm sao trở thành kiến thức của mình là rất khó. Vì vậy, rất cần có vai trò của nhà nước, có những chính sách phù hợp để các doanh nghiệp có thể phát triển đồng đều và phối hợp hỗ trợ lẫn nhau.

"Về việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) của các doanh nghiệp khoa học công nghệ hiện nay, chúng ta cần có các chương trình mở rộng nghiên cứu, phát triển, cải tiến nghiên cứu, chuyển đổi từ kiến thức của các hãng thành kiến thức của mình và nhân rộng nó ra. Khi đã có kiến thức nền tảng rồi thì việc nhân rộng, nâng tầm lên thành phát minh là điều không khó", ông Sơn chia sẻ.

Theo bà Trịnh Thị Ngân, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, hiện nay năng lực và các mối quan hệ của các doanh nghiệp nhỏ là khó tiếp cận với khoa học và công nghệ. Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nên bổ sung thêm các chương trình dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, danh mục hàng hóa của các nhà sản xuất vẫn còn hời hợt, chưa cụ thể. Các thông tin này cần được chi tiết và cụ thể để hạn chế việc nhập khẩu các mặt hàng tương tự để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển.

Còn theo đại diện HAMI, hiện nay các sáng chế và các tài sản trí tuệ của Việt Nam không thể mang đi thế chấp được trong khi doanh nghiệp khoa học và công nghệ là đơn vị cần vốn vay nhất. Vì vậy ông Minh cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách phối hợp để biến các sản phẩm trí tuệ thành các tài sản có thể định giá, có thể thế chấp được, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ TP Hà Nội cũng cho rằng, khoa học công nghệ cần có hàm lượng nghiên cứu, phát triển, chuyển giao ứng dụng hướng đến cái thực tiễn, mang lại giá trị cho xã hội. Vì vậy nhà nước nên tập trung vào phát triển các doanh nghiệp khoa học, công nghệ làm sao để có thể tạo ra nhiều chính sách, tạo ra được nhiều doanh nghiệp khoa học, công nghệ đóng góp cho sự phát triển của quốc gia.

Cũng theo ông Hoàng, chúng ta nên chia doanh nghiệp khoa học công nghệ làm 2 loại: Doanh nghiệp chuyên nghiên cứu sáng tạo, chuyển giao công nghệ và doanh nghiệp chuyên ứng dụng công nghệ để có những chính sách phát triển và đối xử riêng với các đối tượng này.

Còn theo bà Nguyễn Thị Bích Hường – Phó Tổng biên tập Tạp chí doanh nghiệp Việt Nam, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp khoa học công nghệ, khối doanh nghiệp hiện nay quân tâm nhiều hơn vào hiệu quả đầu tư. Vì vậy, các chính sách đưa ra cần phải đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Theo bà Hường, hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa mặc dù có nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ thứ nhưng lại là bộ phận đổi mới sáng tạo mãnh liệt và linh hoạt nhất. Vì vậy, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo phát triển khoa học, công nghệ chỉ làm tốt được khi chúng ta nắm bắt được nhu cầu và biết rõ được "nỗi đau" của doanh nghiệp. Để chính sách có thể đạt được những mục tiêu đề ra thì cần có thêm những nội dung chuyên sâu, gần gũi hơn với các cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới.

Thực hiện Quyết định số 696/QĐ-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan xây dựng Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030; Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030; Báo cáo thuyết minh xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030.
Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm