Khoa học - Công nghệ

Việt Nam còn nhiều dư địa tăng cường đổi mới sáng tạo và số hóa doanh nghiệp

DNVN - Việt Nam có rất nhiều dư địa để tăng cường số hóa trong các hoạt động của doanh nghiệp. Việt Nam cũng còn nhiều dư địa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, xây dựng năng lực cho doanh nghiệp để tạo ra các công nghệ tiên tiến nhất nên là ưu tiên hàng đầu.

Quyền sở hữu trí tuệ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp khoa học công nghệ / Việt Nam có tiềm năng cao phát triển năng lượng tái tạo

Nhu cầu phải đẩy nhanh tốc độ ứng dụng, phổ biến công nghệ
Sáng 3/11, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng thế giới (WB) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố 2 báo cáo về "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam" và "Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế".
Báo cáo “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam” là sản phẩm của Chương trình Hỗ trợ phân tích và tư vấn của Ngân hàng Thế giới về nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam. Được xây dựng theo đặt hàng của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, báo cáo tập trung nghiên cứu khung phát triển và chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện tại, phân tích những điểm nghẽn cản trở các doanh nghiệp đổi mới và đề xuất một nghị trình cải cách toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng dẫn dắt bởi ĐMST.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam cho biết, báo cáo khuyến nghị Việt Nam nên tái cân đối chính sách phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST của mình, chuyển từ tập trung đầu tư tạo ra công nghệ tiên tiến sang thúc đẩy hấp thụ và phổ biến công nghệ giữa nhóm các doanh nghiệp. Sự lan tỏa công nghệ - không chỉ là nghiên cứu và phát triển - có thể mang lại hiệu quả năng suất và chuyển đổi kinh tế đáng kể.

Bà Carolyn Turk phát biểu tại sự kiện.
Quan tâm xây dựng năng lực để tận dụng tối đa các công nghệ hiện đại nhất nên là ưu tiên hàng đầu. Việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng của lực lượng lao động - cả chất lượng và số lượng - cũng sẽ rất quan trọng để khai thác toàn bộ sức mạnh của đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, Báo cáo “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam: Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế” do CSIRO, cơ quan khoa học quốc gia Australia và các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng thực hiện.
Báo cáo này nhấn mạnh, sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ sẽ định hình lại chiến lược định hướng xuất khẩu dựa trên thâm dụng lao động với chi phí thấp của Việt Nam. Các mô hình kinh doanh mới, các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên nền tảng kỹ thuật số và các công ty “siêu ứng dụng” mang lại nhiều triển vọng hứa hẹn. Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mạo hiểm, đầu tư vốn cổ phần tư nhân.
Tăng cường ĐMST và số hóa doanh nghiệp
Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế đã chỉ ra, Việt Nam còn nhiều dư địa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khoảng 20% hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế do thiếu quy mô, công nghệ và mức độ tinh vi về kinh doanh để có thể tăng năng suất và mở rộng thị trường. Có rất nhiều cơ hội để cải thiện năng suất doanh nghiệp thông qua việc ứng dụng và phổ biến công nghệ tại Việt Nam.
Quang cảnh sự kiện.

Việt Nam cũng có rất nhiều dư địa để tăng cường số hóa các trong hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ, trong khi hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể thực hiện bán hàng trực tuyến, chỉ có 1% doanh nghiệp bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng sử dụng một số phương thức bán hàng kỹ thuật số thường xuyên hơn các phương pháp khác, hoặc thông qua nền tảng xã hội hoặc trên website của riêng họ. Có 51% doanh nghiệp sử dụng các công nghệ kỹ thuật số trong hoạt động tiếp thị và quảng cáo.
WB đánh giá, do chi phí lao động còn thấp, số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam có sử dụng các công nghệ Công nghiệp 4.0 như in 3-D, robot còn rất ít. Việc chỉ có 29% doanh nghiệp sử dụng máy móc được điều khiển bởi máy tính, công nghệ kỹ thuật số của Công nghiệp 3.0 và chỉ 8,7% sử dụng công nghệ này một cách tích cực, hiệu quả là vấn đề đáng quan ngại.
Kết quả cho thấy, vẫn còn khoảng cách đáng kể để bắt kịp mức độ phát triển công nghệ cao nhất và khó có cơ hội lớn thu hẹp khoảng cách và phát triển nhảy vọt. Doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tích lũy năng lực đổi mới, trước hết thông qua chuyển đổi các quy trình sang sử dụng các công nghệ kỹ thuật số, sau đó tiến tới các công nghệ công nghiệp 4.0 phức tạp hơn. Lợi ích mang lại từ hoạt động này có thể rất lớn.
Việc hiện thực hóa các cơ hội tiềm tàng phụ thuộc vào quyết tâm của Việt Nam trong việc sẵn sàng vượt qua thử thách cũng như đẩy nhanh tốc độ các cải cách chưa hoàn thành trong đổi mới thể chế và tạo môi trường thuận lợi cho ĐMST.
Những ưu tiên hàng đầu
Phát biểu tại sự kiện, bà Robyn Mudie- Đại sứ Australia tại Việt Nam đánh giá, báo cáo là nguồn tham khảo chính sách quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và cho thấy tính hiệu quả và nhân tố đổi mới sáng tạo đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế so với vốn và lao động giá rẻ.

Bà Robyn Mudie chia sẻ thông tin tại sự kiện.
Bà Carolyn Turk- Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và ĐMST sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng. Tuy nhiên, có nhiều cách tiếp cận khác nhau để thúc đẩy ĐMST và báo cáo này đưa ra những ý tưởng có thể phù hợp cho Việt Nam.
Báo cáo khuyến nghị, nâng cao năng lực doanh nghiệp nên là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy tiếp cận công nghệ mới. Cần đa dạng hóa đáng kể các mô hình cho dịch vụ tư vấn kinh doanh và đổi mới công nghệ, củng cố khung pháp lý, loại bỏ các chính sách gây bóp méo thị trường và thúc đẩy sân chơi bình đẳng thông qua cải thiện khung pháp lý cạnh tranh tại Việt Nam.
Ngoài ra, để khuyến khích các công ty đa quốc gia chia sẻ công nghệ với doanh nghiệp trong nước cũng như cho phép họ thực hiện R&D tại Việt Nam mà không gặp rủi ro bị xâm phạm bản quyền, một hệ thống bảo hộ quyền SHTT hiệu quả và duy trì thực thi liên tục có vai trò rất quan trọng. Việt Nam còn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để thực thi việc bảo hộ quyền SHTT.
Mặc dù Việt Nam có tăng trưởng tín dụng nhanh chóng, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận tài chính cho ĐMST tại Việt Nam. Để thực hiện trọng tâm chiến lược về đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Việt Nam cần nỗ lực thúc đẩy sự điều phối liên ngành hiệu quả và áp dụng các thực tiễn tốt nhất trong thiết kế và thực thi chính sách đổi mới sáng tạo...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, các báo cáo đã chỉ rõ vai trò đóng góp quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng kinh tế - xã hội ở Việt Nam và con đường để Việt Nam tiến về phía trước, không ngừng hoàn thiện và nâng cao năng lực hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình sáng tạo, truyền bá, ứng dụng tri thức và công nghệ phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững đất nước đến năm 2030 và 2045. Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao hỗ trợ của Chính phủ Australia và Ngân hàng Thế giới trong các nỗ lực này và mong muốn có thêm các sáng kiến hợp tác tiếp theo để đưa các khuyến nghị, công cụ hữu ích này vào thực tiễn”.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm