Khoa học - Công nghệ

Giáo sư chế tạo thành công 14 tầu ngầm thừa nhận công năng đặc biệt của sáng chế “nỏ thần” Cổ Loa

DNVN - Giáo sư Vladimir Koroman (Croatia) - người nổi tiếng thế giới vì đã chế tạo thành công 14 tầu ngầm cho rằng, căn cứ vào mô tả sáng chế “nỏ thần” của kỹ sư Vũ Đình Thanh, “nỏ thần” này có thể bắn được cả vạn mũi tên xa đến 1000 m.

Giải mã sức mạnh của "nỏ thần" An Dương Vương huyền thoại / Kim quang của nỏ thần rực sáng ngàn năm

Nhà khoa học tầm cỡ thế giới, giáo sư, tiến sĩ khoa học Vladimir Koroman - nguyên Viện trưởng Viện hàng hải Brodarski Institute, Cộng hòa liên bang XHCN Nam Tư cũ (nay là Croatia), người đã chế tạo thành công 14 tầu ngầm, có loại còn hơn tầu ngầm Kilo - xác nhận "nỏ thần" của người Việt một lần bắn giết vạn quân là câu chuyện hoàn toàn có thể có thật.

Trong chuyến thăm người bạn cũ là Thượng tướng, viện sĩ, tiến sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu, giáo sư, tiến sĩ khoa học Vladimir Koroman đã chia sẻ niềm tự hào về đất nước Nam Tư cũ. Tuy là nước nhỏ nhưng lại là một trong 7 nước trên thế giới có công nghệ tầu ngầm.

Thậm chí, công nghệ tàu ngầm này còn không để xảy ra bất cứ một tai nạn hay sự cố nào. Trong khi, các cường quốc như Liên Xô và Mỹ, các tai nạn gắn với tầu ngầm là thường xuyên.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và giáo sư Vladimir Koroman chụp ảnh lưu niệm tại phòng làm việc của tướng Hiệu.

Chung vui niềm tự hào này, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã đề nghị giáo sư Vladimir Koroman xem xét đánh giá và đưa ra ý kiến kỹ thuật về câu chuyện "nỏ thần" một lần bắn giết vạn quân - vũ khí cung nỏ mà người Việt xưa đã chiến thắng 50 vạn quân Tần.

Để đưa ra đánh giá về "nỏ thần" một lần bắn giết vạn quân Tần của người Việt, giáo sư Vladimir Koroman đã xem xét các mũi tên đồng Cổ Loa có trong bảo tàng lịch sử. Giáo sư hỏi đi hỏi lại có phải là các mũi tên này được người Việt làm ra từ cách đây 2.300 năm không. Vì những mũi tên đồng Cổ Loa này không khác gì các mũi tên flechette của không quân trong thế chiến thứ nhất và các mũi tên rải từ UAV, drone, máy bay ngày nay.

Giáo sư nhấn mạnh, các nhà khoa học châu Âu phải nghiên cứu và thử nghiệm kỹ lưỡng, mất rất nhiều thời gian mới chế tạo được các flechette rải từ máy bay ngày nay. Nếu để ý sẽ thấy, tại sao các flechette ngày nay có cấu tạo giống hệt mũi tên đồng Cổ Loa. Đó là đều không có hình dáng khác như hình tròn, hình lục lăng.

Bởi vì, trọng tâm phải nằm phía đầu nhọn. Flechette ngày nay và mũi tên Cổ Loa đều dài 11 cm. Tuy nhiên, đầu mũi tên của người Việt còn có cấu trúc tinh vi gây ra hiệu ứng quay quanh trục, tạo sự nguy hiểm hơn flechette ngày nay.

Thượng tướng viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu; Trung tướng, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến; Đại tá, giáo sư, tiến sĩ Lê Đình Sỹ; Đại tá, giáo sư, tiến sĩ Vũ Tang Bồng bắn "nỏ thần" phục dựng của kỹ sư Vũ Đình Thanh.

Về vật liệu, tỉ trọng vừa phải thắng được sức cản không khí, nếu thả tên gỗ hay nhựa từ trên cao sẽ bị không khí cản lại mà không gây nguy hiểm gì. Điều này đòi hỏi rất nhiều yếu tố và là kết quả nghiên cứu mất nhiều thời gian mới chế tạo được mũi tên như vậy.

Giáo sư Vladimir Koroman khẳng định, những mũi tên đồng Cổ Loa trong bảo tàng ngay lập tức thay thế được cho các flechette ngày nay và nếu thả vào đội hình tập trung không ẩn nấp thì đội hình tập trung đó “chết sạch”.

Ông không thể tin nổi là các flechette đạn chùm này được người Việt làm ra cách đây 2300 năm. Giáo sư đưa ra thông số sử dụng flechette y hệt như mũi tên đồng Cổ Loa là sát thương khi rải từ độ cao 18,5 m, máy bay thời chiến tranh thế giới thứ nhất thường rải flechette từ độ cao từ 46 m đến 220 m, lý tưởng nhất là từ độ cao 95 m đến 120 m.

Giáo sư Vladimir Koroman rất ngạc nhiên và hỏi tại Việt Nam, sao chỉ có kỹ sư Vũ Đình Thanh đưa ra ý kiến các mũi tên đồng Cổ Loa chính là đạn chùm flechette? Vì đây là điều hiển nhiên, bất kỳ kỹ sư vũ khí nào nhìn thấy mũi tên đồng Cổ Loa đều phải đưa ra kết luận ngay lập tức. Đó chính là đạn chùm flechette ngày nay, như một sự thật hiển nhiên.

“Nếu bắn mũi tên đồng Cổ Loa từ độ cao lớn như các núi cao và thành cao thì không khác gì rải flechette từ máy bay ngày nay. Máy bay trong thế chiến thứ nhất rải flechette tối đa để bảo đảm chính xác là 220 m.

Giáo sư Vladimir Koroman xác nhận mũi tên đồng Cổ Loa bắn từ đỉnh núi Phja Dạ Cao Bằng cao 2000 m có vận tốc gần 200 m/s quay nhanh quanh trục, có thể xuyên táo 10 tên giặc ở chân núi.

Nếu người Việt xưa bắn tên đồng Cổ Loa từ độ cao 2000 m như kỹ sư Thanh có nêu ví dụ từ ngọn núi Phja Dạ, Cao Bằng thì vận tốc lúc tiếp đất (tức là lúc lao vào quân giặc) sẽ xấp xỉ 200 m/s. Mũi tên đồng Cổ Loa với vận tốc lớn lại quay quanh trục thì xuyên táo hàng loạt giặc là chuyện hoàn toàn có thể”, giáo sư Vladimir Koroman nhận định.

Đồng thời, vị giáo sư này đã đề nghị kỹ sư Thanh mang "nỏ thần" ra bắn từ đỉnh núi Phja Dạ, Cao Bằng xuống mục tiêu tại chân núi để kiếm chứng.

Cũng theo giáo sư Vladimir Koroman, công nghệ đạn chùm flechette là công nghệ rất đặc biệt - chuyển động nhanh dần đều chỉ nhờ sức hút trái đất chứ không nhờ lực của thuốc nổ hay sức mạnh của cánh cung nỏ. Rải flechette (tức mũi tên đồng Cổ Loa) càng cao càng tốt. Người xưa chưa biết đến lực hút của trái đất nên coi đó là sức mạnh của thánh thần cũng là điều dễ hiểu.

Như vậy, quân Việt đứng từ trên núi cao bắn vào quân giặc ở chân núi theo tính toán và thực tế từ công nghệ flechette ngày nay thì từ độ cao 18,5 m đã gây ra sát thương. Cao 100 m trở lên thì không giáp nào che được vì đây là mũi tên rơi từ trên cao rất khó chống đỡ.

Mũi tên đồng Cổ Loa, địa hình đồi núi cao cùng với sáng chế về loại nỏ bắn cùng lúc nhiều mũi tên Cổ Loa là bằng chứng rõ ràng về việc người Việt có loại vũ khí khủng khiếp mà thời đó không quân đội nào chống đỡ được. Nếu người Việt đứng từ trên cao mà bắn xuống thì quân địch không làm gì được, chỉ có chờ cái chết thảm khốc kinh hoàng mà thôi.

“Khi bắn ở núi cao, uy lực của mũi tên đồng Cổ Loa xưa còn hơn nhiều lần đạn chùm flechette trong thế chiến thứ nhất vì núi có độ cao lớn hơn và vị trí bắn nỏ ổn định không dịch chuyển như máy bay”, giáo sư Vladimir Koroman khẳng định.

Căn cứ vào mô tả sáng chế “nỏ thần” của kỹ sư Vũ Đình Thanh trên trang web của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, giáo sư Vladimir Koroman cho rằng, nếu biết cách sử dụng nguyên lý đó thì có thể bắn được cả vạn mũi tên xa đến 1000 m.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu; Trung tướng, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến; Đại tá, giáo sư, tiến sĩ Lê Đình Sỹ; Đại tá, giáo sư, tiến sĩ Vũ Tang Bồng bắn nỏ thần phục dựng của kỹ sư Vũ Đình Thanh.

Qua video bắn “nỏ thần” của kỹ sư Thanh từ đỉnh núi Phja Dạ, ông cho rằng, kỹ sư Thanh đã giải quyết được một vấn đề rất khó giải quyết (vấn đề này thuộc về bí mật công nghệ không nêu được cụ thể ). Giáo sư cũng có xem nỏ phục dựng của các nhà khoa học Trung Quốc mà Kênh truyền hình CNTV/ CCTV9 quay lại thì thấy, dù lực cánh nỏ của nỏ Trung Quốc mạnh hơn nhiều lần nhưng chùm tên của nỏ Trung Quốc bay có 1m.

“Kỹ sư Thanh đã giải quyết được vấn đề cốt yếu là bí mật của "nỏ thần", bí mật của người Việt xưa. Qua video này, rõ ràng sử sách Trung Quốc có ghi rõ về loại nỏ bắn bằng ống từ thời xưa.

Căn cứ vào ghi chép về việc người dân Cổ Loa xưa trong lễ hội rước "nỏ thần" có loại nỏ bắn bằng ống, có thể kết luận, người Việt xưa có sử dụng loại nỏ bắn bằng ống, bắn đồng loạt các mũi tên đồng Cổ Loa flechette từ độ cao lớn. Qua đó, tiêu diệt cùng lúc hàng trăm, hàng nghìn tên giặc là câu chuyện hoàn toàn có cơ sở”, giáo sư Vladimir Koroman nhấn mạnh.

Sau khi nghe những nhận định, đánh giá của giáo sư Vladimir Koroman, tướng Hiệu nhấn mạnh với giáo sư ý nghĩa của các nghiên cứu liên quan đến "nỏ thần" Cổ Loa. Nghiên cứu đã khẳng định rõ ràng Nhà nước của người Việt đã tồn tại song song với các triều đại Trung Quốc, từng đánh nhau với các triều đình Trung Quốc trong bề dầy lịch sử hàng nghìn năm.

Tuy người Việt ít hơn người Trung Quốc nhưng nhờ nắm bắt các công nghệ đặc biệt vượt trội nên đã nhiều lần chiến thắng Trung Quốc từ thời cổ đại. Nhờ vậy, bảo vệ vững chắc chủ quyền cho tới ngày hôm nay.

 

Tướng Hiệu bày tỏ mong muốn giáo sư Vladimir Koroman khi có điều kiện thì phổ biến các thông tin này cho giới khoa học, chính trị tại châu Âu. Đặc biệt, thông tin về người Việt từ thuở hồng hoang đã có vũ khí khác biệt hoàn toàn, không những chỉ khác với Trung Quốc mà còn với cả thế giới.

Người Việt đã chiến đấu vì nền độc lập vì chủ quyền của mình từ thuở hồng hoang cho đến ngày nay và sẽ luôn chiến đấu, chiến thắng để bảo vệ mảnh đất thân yêu của mình chống lại mọi loại giặc ngoại xâm.

Được biết, là nhà khoa học luôn tâm huyết với đất nước, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã cùng với trung tướng, giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến; giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc; giáo sư, tiến sĩ Lê Đình Sĩ; giáo sư tiến sĩ Vũ Tang Bồng; giáo sư tiến sĩ Lại Văn Tới, nhà báo Quốc Phong, nhà báo Vũ Lân nhiệt huyết tham gia nhóm nghiên cứu việc phục dựng “nỏ thần” của kỹ sư vũ khí Vũ Đình Thanh.

Nhóm nghiên cứu đã nhiều lần bắn “nỏ thần” phục dựng, bắn được chùm tên 15 mũi tên đồng Cổ Loa xa tới 200 m. Nhóm nghiên cứu không có bất cứ một sự tài trợ nào của Nhà nước.

Kỹ sư Thanh đã có bằng độc quyền sáng chế về loại nỏ bắn bằng ống cùng lúc về lý thuyết có thể bắn tới cả vạn mũi tên đồng Cổ Loa. Kỹ sư khẳng định "nỏ thần" có khả năng giết được hàng nghìn quân chỉ bằng một phát bắn đúng như những gì hàng chục cuốn sử cả ta và Trung Quốc ghi lại.

 

Các mũi tên đồng Cổ Loa hoàn toàn trùng hợp với các mũi tên flechette mà không quân trong Thế chiến thứ nhất dùng để thả từ máy bay tiêu diệt bộ binh và kỵ binh địch. Kỹ sư Thanh còn đưa ra ý kiến rất táo bạo, đó là trong cuộc kháng chiến chống quân Tần, người Việt đã dùng công nghệ đạn chùm flechette tức là bắn các mũi tên đồng Cổ Loa từ trên cao xuống để chiến thắng 50 vạn quân Tần.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm