Giữa tranh cãi về vaccine Trung Quốc chưa dứt: Hải Phòng tuyên bố tiếp nhận vaccine Sinopharm để tiêm cho người dân
Hiệu quả vaccine Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc khi sử dụng tại các nước / Vingroup nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ Mỹ, có thể chống lại chủng Delta
Người dân Hải Phòng được tự nguyện trong việc tiêm vaccine
UBND Thành phố Hải Phòng vừa ra Thông báo số 321/TB-UBND ngày 3/8/2021 truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Tùng sau cuộc họp giao ban trực tuyến với các sở ban ngành, các quận huyện về phòng chống dịch. Điểm 3 của Thông báo này có ghi rõ:
"Thống nhất chủ trương tiếp nhận vaccine Sinopharm để tiêm cho nhân dân thành phố theo thứ tự ưu tiên: 1. Nhóm lái xe, phụ xe đường dài 2. Nhóm công nhân đang làm việc cho các doanh nghiệp Trung Quốc, và tiếp là nhóm các công nhân tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp 3. Nhóm người dân xung phong thực hiện".
Như vậy, với quyết định này, Hải Phòng ưu tiên tiêm trước cho đội ngũ vận chuyển (để đảm bảo lưu thông hàng hoá), các khu công nghiệp (để đảm bảo sản xuất) sau đó đến người dân, và người dân cũng hoàn toàn tự nguyện tiêm hay không tiêm.
Hải Phòng đã trải qua 5 ngày chưa có ca mắc mới. Thời gian qua đã có ý kiến Hải Phòng chống dịch cực đoan ảnh hưởng đến kinh tế, nhưng thực tế việc sớm kiểm soát dịch bệnh sẽ thúc đẩy thành phố Cảng sớm quay lại cuộc sống bình thường, kinh tế vì vậy cũng sẽ hồi phục nhanh chóng.
Đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, Quảng Ninh đặt mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm
Có thể nói, cách đi của Hải Phòng khá giống với tỉnh Quảng Ninh, để người dân hoàn toàn tự nguyện trong việc tiêm vaccine. Quảng Ninh nằm trong số 9 tỉnh được phân bổ vaccine Sinopharm do Trung Quốc tài trợ. Được biết lô vaccine Sinopharm về Quảng Ninh ban đầu chỉ được tiêm cho công nhân người Trung Quốc tại khu vực biên giới (đầu tiên là khu Texhong của Móng Cái), sau đó số công nhân người Việt “ghen tị” với số công nhân Trung Quốc cũng xin đăng ký được tiêm chủng, sau đó nhiều người dân bản địa thấy tình hình tiêm ổn nên cũng đăng ký tiêm. Và việc tiêm chủng Sinopharm thành công tại 3 huyện biên giới Hải Hà, Móng Cái và Bình Liêu khiến việc tổ chức tiêm tại Hạ Long vào cuối tháng 7 cũng dễ dàng, không vấp phải bất cứ phản ứng nào từ phía người dân.
Theo bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021. Trong khi ở đâu đó còn đang băn khoăn, thậm chí nêu ý kiến trái chiều về câu chuyện lựa chọn vaccine thì ở Quảng Ninh có 3 địa phương giáp biên giới là Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu đã nhanh chóng thực hiện xong chiến dịch tiêm với 88.100 mũi 1 từ đầu tháng 7, từ ngày 3/8 đã tiêm mũi 2. Tất cả đều được tiêm vaccine Sinopharm do Chính phủ phân bổ.
Những người được tiêm đầu tiên là chiến sỹ công an, cán bộ đảng viên, nhân dân, tiểu thương ở Móng Cái. Trong 3 địa phương nói trên, đối tượng tiêm ở huyện miền núi Bình Liêu đã tham gia đạt tỷ lệ 80%, độ phủ tiêm chủng, đã đạt trên 50% dân số toàn huyện.
“Quảng Ninh đã sẵn sàng cho chiến dịch tiêm toàn tỉnh được phát động từ đầu tháng 8 này với mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay - 2021!”, bà Lê Ngọc Hân cho hay.
Từ hôm 31/7, thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức tiêm cho 6.000 người thuộc nhóm nguy cơ cao như tiểu thương các chợ, trung tâm thương mại lái xe taxi, bốc vác hàng hoá. Vaccine được sử dụng là Sinopharm của Trung Quốc.
Quảng Ninh tiếp nhận 230.000 liều vaccine Sinopharm và nhanh chóng tổ chức tiêm cho các địa phương giáp biên giới với Trung Quốc và người dân. Nhờ tổ chức tốt tiêm lô Sinopharm tại Quảng Ninh đã có hơn 90.000 liều đã được tiêm và chưa có thông tin nào tiêu cực về những người đã tiêm Sinopharm tại đây. Quảng Ninh hiện là một trong ít tỉnh trải qua 30 ngày chưa có ca dương tính mới, trong đó việc tiêm Sinopharm và Astrazeneca sớm có lẽ ít nhiều cũng có tác dụng. Với các lô Pfizer và Modena mới được Bộ y tế phân bổ, Quảng Ninh sẽ có thêm những vũ khí hữu hiệu trong chống dịch.
Vaccine Sinopharm đã được tiêm cho nhiều người dân ở Quảng Ninh.
Chiến sĩ công an ở Quảng Ninh tiêm vaccine Sinopharm.
Người dân khu vực biên giới Quảng Ninh tiêm vaccine Sinopharm.
Hiệu quả của 500.000 liều vacccine Sinopharm đã được tiêm
Ngày 23/6, Bộ Y tế đã ra quyết định số 3020/QĐ-BYT về việc phân bổ vaccine phòng COVID-19 đợt 6. Theo đó, Bộ Y tế quyết định phân bổ 500.000 liều vaccine COVID-19 vaccine (Vero Cell), Inactivated (tên khác là SARS - CoV-2 Vaccine (Vero Cell), Inactivated) - thường được gọi là Sinopharm do Chính phủ Trung Quốc viện trợ. 500.000 liều vaccine Trung Quốc được phân cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật 9 tỉnh và Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (để lưu mẫu).
Cụ thể: Lào Cai nhận 17.300 liều, Lạng Sơn nhận 121.000 liều, Quảng Ninh 230.000 liều, Nam Định 1.700 liều, Thái Bình 1.400 liều, Điện Biên 28.000 liều, Cao Bằng 60.000 liều, Lai Châu 6.000 liều, Hà Giang 34.000 và Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế (để kiểm định và lưu mẫu) 600 liều.
Số lượng vaccine Sinopharm nói trên đã được các tỉnh triển khai tiêm cho người dân như thế nào?
Tại Lào Cai, nguồn tin từ Sở Y tế cho biết, sau gần 1 tháng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 Vero Cell tại 5 điểm tiêm trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm hiện tại đã có 8.496 người được tiêm và đạt 99,95% kế hoạch đã đề ra. Vaccine Vero Cell được triển khai tiêm từ ngày 19/7 tại: Bắc Hà tiêm được 897 người; Bát Xát 2.469 người; Mường Khương 2.300 người; Si Ma Cai 1.500 người và TP Lào Cai 1.330 người. Đối tượng tiêm là người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc tại Trung Quốc và người dân khu vực biên giới và những đối tượng được ưu tiên khác như: người làm việc tại khu vực cửa khẩu, lái xe, công nhân các nhà máy xí nghiệp, doanh nghiệp…
Tính đến ngày 2/8, tỉnh Cao Bằng cũng đã sử dụng vaccine Vero Cell tiêm cho 20.380 người mũi 1. Đáng chú ý, báo cáo của Sở Y tế Cao Bằng cho biết, kết thúc số vaccine được cấp tỉnh này đã tổ chức tiêm chủng vaccine Astrazeneca đợt 1 cho 8.084 người (mũi 1), đợt 2 cho 14.566 người (mũi 2 được 7.829 người); vaccine Pfizer được 2.338 người (mũi 1). Riêng vaccine Vero Cell được 20.380 người mũi 1 và chuẩn bị tiêm mũi 2. Như vậy có thể nói, số lượng người được tiêm vaccine Vero Cell ở Cao Bằng gần tương đương với các loại vaccine khác.
Tại Lạng Sơn, đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine Vero Cell phòng COVID-19 từ ngày 20-25/7/2021, tổ chức tiêm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, Trung tâm Y tế 5 huyện biên giới (Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định, Văn Lãng, Đình Lập) và 21 xã biên giới. Nguồn vaccine Vero Cell ưu tiên tiêm cho công dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, chưa có kế hoạch tiếp nhận tiêm cho các đối tượng có hộ khẩu ngoài tỉnh. Tỉnh Lạng Sơn ưu tiên tiêm cho: Những người có nhu cầu trao đổi, hoạt động thương mại, dịch vụ với Trung Quốc tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Lưu học sinh Việt Nam đang và sẽ học tập ở Trung quốc tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Công dân Việt Nam có thân nhân ở Trung Quốc có nhu cầu thăm thân thuộc địa bàn thành phố Lạng Sơn và các huyện nội địa không có biên giới với Trung Quốc. Người dân tại các xã của các huyện có đường biên giới với Trung Quốc và công dân Việt Nam có thân nhân ở Trung Quốc có nhu cầu thăm thân thuộc địa bàn huyện và xã triển khai tiêm. Lạng Sơn tiếp nhận 121.000 vaccine Trung Quốc, chỉ sau tỉnh Quảng Ninh.
Sinopharm (Vero Cell) là vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) và được Chương trình COVAX mua để giúp các nước tiếp cận với vaccine một cách công bằng. Vaccine Vero Cell đã được 64 quốc gia phê duyệt sử dụng, và đã cung cấp 800 triệu liều tại 59 quốc gia. Trong đó có các quốc gia Đông Nam Á như Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine Sinopharm từ viện trợ của Chính phủ Trung Quốc từ ngày 20/6 và đã phân bổ tới 9 tỉnh nói trên để tiêm cho người dân. TP Hồ Chí Minh mới tiếp nhận 1 triệu liều được mua từ nguồn tiền tài trợ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Theo kế hoạch, gói tài trợ này tổng cộng có 5 triệu liều với giá trị là 45 triệu USD.
Ngay sau khi TP Hồ Chí Minh tiếp nhận 1 triệu liều vaccine Sinopharm đã nổi lên làn sóng về lựa chọn vaccine, tẩy chay vaccine Trung Quốc.
Số liệu về 6 loại vaccine phòng COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép (công bố ngày 4/8/2021).
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cách xác thực tài khoản Facebook để tránh bị khóa 2025
Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Nga lên kế hoạch thực hiện 15 vụ phóng tên lửa Angara từ năm 2027 đến 2033
Nhìn lại thế giới 2024: Bản giao hưởng vang khắp không gian
Đẩy mạnh phát triển trí tuệ nhân tạo để phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao