Khoa học - Công nghệ

Gỡ rào cản trong nghiên cứu khoa học: Chấp nhận rủi ro và khoán chi

DNVN - Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết thí điểm chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo ngày 17/2, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với việc tăng ngân sách đầu tư, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, đồng thời đề xuất thêm các giải pháp để tháo gỡ rào cản về cơ chế tài chính và thủ tục hành chính.

Khi các phi hành gia nhìn lại Trái đất, tại sao những gì họ nhìn thấy lại khiến con người sợ hãi? / Tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá, việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu là một điểm đột phá quan trọng trong Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Khai thác dầu khí có thể khoan 10 mũi mới tìm thấy dầu, nhưng nghiên cứu khoa học thậm chí còn khó lường hơn. Việc chấp nhận rủi ro sẽ giúp các nhà khoa học yên tâm sáng tạo", ông Cường nêu.
Bên cạnh đó, ông Cường đánh giá cao cơ chế khoán chi trong dự thảo, giúp giảm bớt gánh nặng hành chính cho các nhà khoa học. Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu phải dành quá nhiều thời gian cho thủ tục giấy tờ thay vì tập trung vào nghiên cứu. Việc khoán chi là bước tiến lớn để giải quyết vấn đề này.
Đại biểu đề xuất bỏ quy định đấu thầu trong lựa chọn đề tài nghiên cứu, thay vào đó nên áp dụng cơ chế đặt hàng và giao nhiệm vụ để đảm bảo tính liên tục của các đề tài quan trọng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội).
Đồng tình với quan điểm chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng cần quy định rõ ràng: “Chỉ miễn trách nhiệm dân sự nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình nghiên cứu theo quy định của pháp luật, không nên chỉ dựa vào hợp đồng giữa các bên”.
Ngoài ra, đại biểu cũng cảnh báo nguy cơ lạm dụng chính sách. Nếu một nhà nghiên cứu thất bại quá nhiều lần mà vẫn tiếp tục được giao đề tài, cần phải xem xét lại hiệu quả và trách nhiệm.
Về khoán chi, ông Hòa đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính phải có hướng dẫn cụ thể để tránh tiêu cực. Hiện nay, việc quyết toán các khoản chi nghiên cứu quá rườm rà, đòi hỏi chứng từ chi tiết đến mức không thực tế. Điều này cần được thay đổi để hỗ trợ hiệu quả hơn cho các nhà khoa học.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề xuất không nên áp dụng cơ chế đấu thầu đối với mua sắm vật liệu nghiên cứu. Việc này có thể kéo dài thời gian, làm chậm tiến độ nghiên cứu, trong khi một số vật liệu đặc thù không thể đấu thầu mà phải đặt hàng theo yêu cầu riêng. Nếu không điều chỉnh, các thủ tục hành chính sẽ tiếp tục trở thành trở ngại lớn cho hoạt động nghiên cứu.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Huế) đề xuất Việt Nam nên tham khảo mô hình Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) như Israel. Tại quốc gia này, Nhà nước góp 70%, tư nhân góp 30%, nếu nghiên cứu thành công, cổ phần sẽ tăng giá trị; nếu thất bại, tổn thất được chia sẻ. Đây là cách giúp nghiên cứu khoa học bớt gánh nặng về rủi ro tài chính.
Đại biểu cũng đề nghị chính sách ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư vào nghiên cứu khoa học để thu hút nguồn vốn xã hội.
Giải trình ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc cải cách cơ chế quản lý tài chính nghiên cứu khoa học; giao quyền tự chủ kinh phí nghiên cứu; và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu đều là những nội dung còn vướng mắc kéo dài.
Gốc của vướng mắc này là Nhà nước tránh rủi ro nên đề ra nhiều thủ tục phức tạp, dồn trách nhiệm lên các tổ chức nghiên cứu. Kết quả là các cơ sở nghiên cứu không dám nhận nghiên cứu lớn, có rủi ro cao như các nghiên cứu cơ bản.
Vì vậy, người đứng đầu Bộ TT&TT cho rằng cần phải thay đổi cách tiếp cận ở nghị quyết lần này bởi bản chất của nghiên cứu là rủi ro, một hình thức đầu tư rủi ro cao. Do đó, Nghị quyết lần này thí điểm cơ chế khoán chi đối với hầu hết các nghiên cứu mà không cần cam kết kết quả cuối cùng. Nhà nước sẽ quản lý thông qua việc đánh giá các giai đoạn nghiên cứu để tiếp tục cấp kinh phí; đánh giá các cơ sở nghiên cứu có kết quả để giao thực hiện tiếp các đề tài.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm