Hà Nam: Cần cơ chế hấp dẫn hướng khởi nghiệp sang những lĩnh vực khoa học và công nghệ cao
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Nguồn lực cho phát triển bền vững / Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Năm 2023, các doanh nghiệp cần mạnh dạn ứng dụng Khoa học công nghệ- Đổi mới sáng tạo
Nằm ở cửa ngõ phía nam của Thủ đô Hà Nội, trong quy hoạch Vùng Thủ đô, thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh Hà Nam có điều kiện rất thuận lợi để giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật với các địa phương trong vùng và cả nước.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 khu công nghiệp và có 1.128 dự án đầu tư còn hiệu lực (359 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và 769 dự án trong nước) với vốn đăng ký 5.155,5 triệu USD và 165.497,4 tỷ đồng đã góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Đồng thời, Hà Nam cũng là tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành 100% chỉ tiêu cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử cho công dân.
Ông Nguyễn Đức Vượng – Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Nam cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Hà Nam đã xây dựng nhiều kế hoạch để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Qua đó, nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng hoặc dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xâ.y dựng các thiết chế hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, các kênh tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp
Các tổ chức, cá nhân có ý tưởng hoặc dự án khởi nghiệp, thông qua các cuộc thi, hội thi, ngày hội khởi nghiệp sáng tạo do tỉnh tổ chức đã được tiếp cận các hoạt động, dịch vụ tư vấn.
Đặc biệt, những ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao còn được hỗ trợ về vốn từ các nhà đầu tư và thiết chế tài chính của Nhà nước (60 mô hình phụ nữ khởi nghiệp được hỗ trợ hơn 3,5 tỉ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội; 20 dự án khởi nghiệp khác đã kêu gọi được số vốn đầu tư là 15,9 tỉ đồng).
Trong 4 năm (2019, 2020, 2021 và 2022), tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ 21 dự án, mô hình của thanh niên với tổng số vốn là 27,2 tỷ đồng. Tiêu biểu là một số dự án, mô hình như: Trung tâm Tiếng Anh Olala, Sản xuất Rượu vọc, Siêu thị điện máy Đồng Tâm, Xưởng gốm Liên Kiểm.
Tỉnh cũng đã triển khai tích cực Đề án “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030" và các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
“Sau khi UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hưởng đến năm 2030”, đến nay đã có 65 sản phẩm của 30 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP góp phần quan trọng xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín và giá trị của sản phẩm; khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương”, ông Vượng nói.
Về xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Hà Nam đã quy hoạch và đưa vào sử dụng khoảng 222 ha để xây dựng 6 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Giai đoạn 2016 – 2020, Nhà nước và doanh nghiệp đã đầu tư 392,488 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện nay, có 5 doanh nghiệp đã và chuẩn bị đầu tư vào 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, theo ông Vượng, ngân sách của địa phương dành cho cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo rất hạn hẹp (chưa đạt 0,2% trong tổng chi ngân sách), chủ yếu là chỉ cho hoạt động sự nghiệp khoa học và công nghệ. Do đó hạ tầng cơ bản phục vụ khởi nghiệp còn thiếu hoặc yếu.
Ngoài ra, tỉnh vẫn chưa tạo ra hoặc thu hút được các thiết chế tài chính chuyên nghiệp đầu tư vào các hoạt động khởi nghiệp (chẳng hạn như quỹ phát triển khoa học và công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần).
Vẫn chưa có cơ chế đủ hấp dẫn để hướng hoạt động khởi nghiệp sang những lĩnh vực có hàm lượng khoa học và công nghệ cao. Hoạt động khởi nghiệp trong thời gian qua chủ yếu yếu dựa trên các sản phẩm nông nghiệp, truyền thống với giá trị gia tăng thấp.
Các dự án, mô hình khởi nghiệp quy mô còn nhỏ, hàm lượng khoa học và công nghệ thấp (kể cả với sản phẩm OCOP). Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho các đối tượng khác nhau chưa có sự gắn kết, khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ còn nhiều hạn chế dẫn đến phân tán nguồn lực hoặc sử dụng không hiệu quả nguồn lực đầu tư. Điều này làm cho chất lượng khởi nghiệp không cao, tính đổi mới sáng tạo thấp.
Ngoài ra, tỉnh chưa xây dựng được các công cụ đánh giá hiện trạng của hệ sinh thái khởi nghiệp để từ đó đề ra chính sách hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo phù hợp.
Về cơ bản, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh Hà Nam mới chỉ là sự cụ thể hóa các chính sách của Trung ương mà chưa có (hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện) cơ chế, chính sách riêng vượt trội, đặc thù.
Các dự án khởi nghiệp áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo không nhiều, chưa thực sự đa dạng, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, trong thời gian tới, cùng với triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tỉnh Hà Nam sẽ tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm.
Đó là hoàn thiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án thành lập Khu công nghệ cao Hà Nam. Khu Công nghệ cao được kỳ vọng là một thiết chế đặc biệt, động lực thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh Hà Nam và vùng đồng bằng sông Hồng.
Hỗ trợ áp dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, truyền thống, thế mạnh, đặc thù, trong đó có các sản phẩm OCOP.
Đồng thời, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh Hà Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo