Hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ trồng nấm dược liệu
Nữ doanh nhân khởi nghiệp với cây nấm dược liệu / Doanh nghiệp liên kết với người dân phát triển nấm hương
Ngày 19/8, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển và chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm dược liệu giữa Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai (thành viên Kcon Group) với giáo sư Akira Suzuki (giáo sư danh dự Đại học Chiba - Nhật Bản) và Công ty CP Nguyên Long (Công ty Nguyên Long - Lâm Đồng).
Bà Trần Phương Anh - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai, phát biểu tại buổi lễ ký kết.
Bà Trần Phương Anh - Phó Tổng giám đốc Công ty Sao Mai cho biết, thành lập năm 2019, định hướng phát triển của công ty là sẽ trở thành nhà cung ứng hàng đầu về nguyên liệu nông sản và dược liệu của cả nước.
Trong thời gian qua, Sao Mai không ngừng khẳng định uy tín và chất lượng sản phẩm thông qua việc tận dụng lợi thế vùng nguyên tại Kon Tum - vùng đất đa sắc màu và giàu tài nguyên nông sản cũng như dược liệu. Bước đi quan trọng tiếp theo của doanh nghiệp là nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng thị trường.
Cũng theo bà Phương Anh, xu hướng toàn cầu hóa và sự bùng nổ của khoa học công nghệ đã và đang thúc đẩy các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, phải không ngừng liên kết quốc tế, áp dụng tiến bộ khoa học, để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu suất sản xuất, nhằm mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất.
Cái "bắt tay" thật chặt để cùng nhau phát triển nấm dược liệu.
Chính vì vậy, công ty Sao Mai đã lựa chọn hợp tác với giáo sư Akira Suzuki - chuyên gia đầu ngành tại Nhật Bản về sinh lý và sản xuất nấm, cùng các chuyên gia của Công ty Nguyên Long, trong đó đứng đầu ban chuyên môn là TSKH Trương Bình Nguyên.
Mới đây, công ty đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ trồng nấm đông trùng hạ thảo theo công nghệ ẩm tuần hoàn của Nhật Bản; tiếp tục ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển và chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm dược liệu với giáo sư Akira Suzuki và Công ty Nguyên Long.
“Đây là bước khởi đầu quan trọng xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược dưới sự hỗ trợ và giám sát của các chuyên gia đầu ngành về nấm trong nước và quốc tế. Đây cũng là sự chuyển mình cho các phương thức bán hàng và tiếp cận thị trường mới mà Sao Mai đang hướng tới”, Phó Tổng giám đốc Công ty Sao Mai chia sẻ.
TSKH Trương Bình Nguyên – Chủ tịch Công ty CP Nguyên Long, chia sẻ thông tin.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất nấm không hóa chất theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2011 đến nay, TSKH Trương Bình Nguyên – Chủ tịch Công ty CP Nguyên Long, cho biết, hầu hết các loài nấm ăn đã được nuôi trồng đều có các hoạt tính sinh học có thể ứng dụng trong y dược.
Hiện có khoảng 400 loài nấm đã được nghiên cứu về dược tính. Dược tính của nấm có tác dụng lên huyết áp và thận; điều hòa miễn dịch và chống khối u của polysaccharide–protein complex từ hệ sợi, của lectins từ quả thể; chống oxy hóa; chống ung thư; bảo vệ gan, tụy; chống virus, vi khuẩn; điều hòa cholesteron, kháng viêm…
Cũng theo TSKH Trương Bình Nguyên, nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao. Năm 1991, thị trường thế giới đạt 1,2 tỷ USD; năm 1994 là 3,6 tỷ; năm 1999 đạt 6 tỷ USD. Dự báo thị trường từ năm 2023-2027, sẽ tăng thêm khoảng 6 tỷ USD.
Trong khi đó, có rất nhiều lợi thế khi dùng nấm làm dược liệu, đó là: có nhiều hình thức nuôi trồng; thời gian nuôi trồng ngắn; công nghệ khá đơn giản, dễ áp dụng so với các đối tượng là sinh vật khác và dễ mở rộng quy mô sản xuất.
“Là nhà khoa học, mong ước của chúng tôi là nghiên cứu để làm ra những sản phẩm tốt nhất. Chúng tôi mong muốn hợp tác và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp thực sự có tâm huyết và có tiềm lực như Công ty Sao Mai, nhằm nhân rộng mô hình sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm với nhiều phân khúc giá khác nhau, để bất cứ người Việt Nam nào cũng có cơ hội sử dụng các loại sản phẩm tốt cho sức khoẻ”, TSKH Trương Bình Nguyên chia sẻ.
Giáo sư Akira Suzuki - chuyên gia đầu ngành về nấm của Nhật Bản.
Cũng tại buổi ký kết, giáo sư Akira Suzuki - chuyên gia đầu ngành tại Nhật Bản về sinh lý và sản xuất nấm, đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị về các loại nấm trên thế giới và công nghệ trồng nấm ăn, nấm dược liệu.
Giáo sư Suzuki có 47 năm kinh nghiệm về giảng dạy và nghiên cứu nấm. Ông đã có hơn 117 bài báo trên tạp chí khoa học, 17 báo cáo khoa học, 33 sách khoa học… Năm 2010, giáo sư nhận giải thưởng của Hiệp hội Khoa học Nấm và Công nghệ sinh học Nhật Bản. Ông hiện là thành viên danh dự của Ủy ban Nấm học châu Á (AMC), Hiệp hội Nấm học Nhật Bản, thành viên trọn đời của Hiệp hội Nấm học Thái Lan...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Năng lượng tái tạo giúp hiện đại hóa lưới điện
Tổng Bí thư: Chú trọng gỡ rào cản thế chế để khoa học công nghệ bứt phá
Khoa học công nghệ đóng góp công lớn vào giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp
Thành lập Liên minh ứng phó sự cố an ninh mạng Quốc gia
5 tiểu hành tinh nguy hiểm nhất hệ mặt trời, có nguy cơ va chạm vào Trái Đất