Khoa học - Công nghệ

Kế toán 3D và Blockchain sẽ làm "lung lay" nền tảng kế toán 6 thế kỷ qua

DNVN - Nhận định về tương lai kế toán, kiểm toán trong hệ sinh thái Blockchain, PGS.TS Phạm Đức Hiếu, Trường Đại học Thương mại cho rằng kế toán 3D với công nghệ Blockchain sẽ làm lung lay nền tảng của kế toán của 6 thế kỷ qua.

Hiệu trưởng bị giáng chức, kế toán đi tù vì sai phạm tài chính / Cô giáo và nữ kế toán phê trong 'tiệc ma túy': Trưởng phòng Giáo dục nói gì?

Theo PGS.TS Phạm Đức Hiếu, mặc dù kế toán kép đã được áp dụng trong hơn 6 thế kỷ, nhưng ngày nay sự can thiệp của công nghệ đặc biệt là Blockchain và FinTech đã dẫn tới sự ra đời của một kỹ thuật ghi chép kế toán mới mang tên triple entry accounting hay còn tạm gọi là kế toán 3 chiều hoặc kế toán 3D.
Kế toán 3D với công nghệ Blockchain sẽ làm lung lay nền tảng của kế toán của 6 thế kỷ qua

Qua phân tích của chuyên gia Trường Đại học Thương mại, trong môi trường của Blockchain, đối với một số giao dịch, các đơn vị chỉ cần sử dụng bút toán đơn, bút toán còn lại sẽ được ghi chép trên một sổ cái chung (public shared ledger) – đó chính là kế toán 3D.
Kế toán 3D là một phương pháp kế toán mới hiệu quả hơn, gia tăng và cải thiện chất lượng thông tin tài chính. Kế toán 3D với công nghệ Blockchain nếu được vận hành đúng đắn sẽ đảm bảo chất lượng thông tin kế toán, đặc biệt là giảm thời gian ghi chép, loại bỏ việc ghi trùng, và giảm đáng kể thời gian của kiểm toán.
PGS.TS Phạm Đức Hiếu nhận định: Blockchain vẫn được nhìn nhận là một công nghệ mới nhưng về cơ bản Blockchain được xây dựng dựa trên các công nghệ hiện có và số đông đều quen với các công nghệ này. Theo Bauerle, Blockchain là sự kết hợp của 3 công nghệ nền tảng: internet, bảo mật và mã hóa dữ liệu. Cùng với đó là cách thức hay giao thức quản trị dữ liệu, tất cả tạo nên một hệ thống an toàn cho phép giao tiếp ngang hàng (peer-to-peer) giữa các bên mà không cần có sự đảm bảo của một bên thứ ba, vì thế Blockchain có khả năng gia tăng các mối quan hệ dựa trên nền tảng số.
Một cách đơn giản nhất như cách hiểu của đa số, Blockchain chính là một sổ cái dùng chung (shared ledger) thay thế cho sổ cái truyền thống có tính biệt lập, riêng tư; sổ cái Blockchain là sổ cái phân tán, chia sẻ công khai với các thành viên của Blockchain. Hệ thống sổ cái này tạo ra cách thức trao đổi thông tin hoàn toàn mới cả trong nội bộ và với bên ngoài (Deloitte, 2018). Áp dụng công nghệ Blockchain có thể làm thay đổi hoàn toàn cách thức tác nghiệp truyền thống ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh, ngân hàng, bảo hiểm...
Công nghệ Blockchain đã tạo ra một môi trường dân chủ và tin tưởng thực sự trong tiếp cận thông tin. Sự tồn tại của kế toán, kiểm toán bao gồm tìm kiếm cách thức đo lường, xử lý, kiểm tra và truyền đạt, công bố thông tin tài chính về một đơn vị kế toán, suy cho cùng cũng chỉ nhằm mục đích tạo ra sự tin tưởng và gia tăng độ minh bạch thông tin đối với người sử dụng.
“Dù các thủ tục và quy trình kế toán, kiểm toán hiện nay tiêu tốn khá nhiều thời gian và chi phí, nhưng trong một số trường hợp lại không hiệu quả. Kế toán 3D với công nghệ Blockchain là phương thức kế toán mới chứng tỏ hiệu quả hơn trong việc đạt tới mục tiêu minh bạch và gia tăng sự tin cậy đối với thông tin tài chính. Vì vậy, kế toán 3D và Blockchain chắc chắn sẽ ảnh hưởng sâu sắc làm lung lay nền tảng của kế toán 2D đã tồn tại trong hơn 6 thế kỷ qua”, PGS.TS. Phạm Đức Hiếu khẳng định.
Cuộc cách mạng tiếp theo trong kế toán: Ảnh hưởng tích cực và sâu rộng
Cũng theo PGS.TS Phạm Đức Hiếu nhấn mạnh: Kế toán 3D và Blockchain được áp dụng một cách đúng đắn sẽ tạo ra cuộc cách mạng tiếp theo trong kế toán, ảnh hưởng tích cực và sâu rộng tới nghiên cứu, giảng dạy và thực hành kế toán.
Kế toán 3D và Blockchain được áp dụng một cách đúng đắn sẽ tạo ra cuộc cách mạng tiếp theo trong kế toán

Theo đó, lợi ích trên hết có thể dễ dàng nhận thấy là gia tăng sự minh bạch thông tin, qua đó tạo ra sự tin tưởng của người sử dụng với thông tin kế toán, giảm các chi phí về giấy tờ, sổ sách, tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức; công việc kế toán, kiểm toán được giảm bớt và đơn giản hóa, dễ tra cứu, đối chiếu, đồng thời, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho xã hội.
Ông Hiếu khuyến nghị, để có thể ứng dụng kế toán 3D và Blockchain vào hoạt động kế toán, kiểm toán rất cần có các biện pháp đồng bộ trong nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm thực tiễn, tổng kết đúc rút kinh nghiệm.
Cụ thể, cần tạo sự gắn kết giữa công nghệ thông tin với nghiên cứu và hành nghề kế toán, kiểm toán đảm bảo sự hiểu biết ở mức độ cần thiết đối với các chuyên gia ở cả hai lĩnh vực này về công nghệ và chuyên môn kế toán, kiểm toán.
Đẩy mạnh các nghiên cứu về Blockchain và khả năng áp dụng kế toán 3D; đẩy mạnh giảng dạy và truyền bá các tư tưởng, mô hình kế toán, kiểm toán mới như là sản phẩm của CMCN 4.0 cũng như gắn kết và số hóa chương trình giảng dạy kế toán, kiểm toán, đặc biệt là các học phần thực hành kế toán/kiểm toán trên nền tảng của kế toán số (kế toán ảo) để thực hiện thử nghiệm kế toán 3D.
Bên cạnh đó, cần phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học trong ứng dụng các nền tảng công nghệ cho học tập, nghiên cứu; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán theo hướng tích hợp giữa chuyên môn kế toán, kiểm toán với kiến thức về CNTT, về Blockchain; tích hợp các chứng chỉ nghề nghiệp kế toán kiểm toán như CFAB, ACCA…; gia tăng một cách thích hợp thời lượng cho các học phần về CNTT nói chung về Blockchain nói riêng.
“Cần thử nghiệm kế toán 3D cho một số giao dịch thông thường để từ đó chuyển dần và số hóa công tác kế toán theo hướng kế toán 3D với ứng dụng Blockchain. Tổ chức tổng kết, đúc rút kinh nghiệm của thực tiễn để có các điều chỉnh kịp thời và cần có sự thừa nhận của các cơ quan quản lý đối với các công cụ của Blockchain, đối với hợp đồng thông minh, với chia sẻ dữ liệu hay dùng chung sổ kế toán như yêu cầu của kế toán 3D”, PGS.TS Phạm Đức Hiếu đề xuất.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm