Kế toán, kiểm toán bất cập trước yêu cầu quản lý và sự phát triển của công nghệ
DNVN - Phát biểu tại “Hội thảo khoa học quốc gia về kế toán và kiểm toán lần thứ 3 - VCAA 2021” ngày 18/12, TS Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính chỉ rõ những bất cập của kế toán kiểm toán trước yêu cầu quản lý và sự phát triển của công nghệ thông tin.
HAGL còn hơn 830 tỷ đồng quá hạn trả cho BIDV, lỗ thêm 200 tỷ sau kiểm toán / Sau kiểm toán lợi nhuận Kosy "bốc hơi" 29%, tồn kho dự án Kosy Bắc Giang tăng thêm 160 tỷ đồng
“Hội thảo khoa học Quốc gia về kế toán và kiểm toán lần thứ 3 - VCAA 2021” được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, dưới sự phối hợp của Viện Kế toán - Kiểm toán (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), Khoa Kế toán (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) và Khoa Kế toán (Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh).
Hội thảo nhằm kết nối, tạo diễn đàn và mở ra cơ hội cho các nhà khoa học cùng giao lưu, trao đổi về các vấn đề nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và hướng tới lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Trường và 30 năm thành lập Khoa Kế toán (nay là Viện Kế toán – Kiểm toán), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
“Hội thảo khoa học quốc gia về kế toán và kiểm toán lần thứ 3 - VCAA 2021”.
Chia sẻ về định hướng phát triển kế toán, kiểm toán giai đoạn 2021-2030, TS Vũ Đức Chính- Cục trưởng Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính cho rằng: Khung khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán hiện khá hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu và phù hợp với cơ chế quản lý; tiếp cận gần hơn với thông lệ quốc tế.
Vai trò và năng lực quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán từng bước được nâng cao. Từng bước phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán theo tất cả các tiêu chí, cả về chất lượng dịch vụ và quy mô hoạt động.
Tuy nhiên, hoạt động kế toán, kiểm toán tại Việt Nam còn nhiều bất cập, hạn chế.
Đó là, một số quy định pháp luật về kế toán, kiểm toán, kể cả trong Luật Kế toán và Luật Kiểm toán độc lập đã tỏ ra lạc hậu, bất cập do yêu cầu quản lý, tình hình kinh tế, xã hội, sự phát triển của công nghệ thông tin.
Cơ quan quản lý giám sát về kế toán, kiểm toán chưa được tổ chức đủ mạnh để có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đòi hỏi sự bổ sung cán bộ có kinh nghiệm, nguồn nhân lực cần thiết để tổ chức thực hiện khối lượng công việc lớn và phức tạp như hiện nay.
Cơ chế, nội dung, hình thức giám sát thực thi việc tuân thủ chuẩn mực kế toán, kiểm toán chưa được thực đầy đủ và hiệu quả. Ý thức và trách nhiệm tuân thủ pháp luật nói chung và kế toán, kiểm toán nói riêng của các tổ chức, cá nhân chưa được đặt đúng tầm cả về nhận thức và tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó là hạn chế về số lượng kế toán viên và kiểm toán viên, đặc biệt là người có năng lực, kinh nghiệm hành nghề tại một số vị trí công việc.
Hạn chế về nguồn nhân lực, điều kiện hoạt động của các Hội nghề nghiệp và về hoạt động hội nhập quốc tế. Quá trình chuyển đổi số chưa đồng bộ, hiệu quả.
Kế toán, kiểm toán bất cập trước yêu cầu quản lý và sự phát triển của công nghệ.
Trước những bất cập trên, TS Vũ Đức Chính nhấn mạnh yêu cầu phát triển hệ thống kế toán, kiểm toán phù hợp thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, gắn liền với quá trình chuyển đổi số, nhằm nâng cao chất lượng của các thông tin kinh tế, tài chính, ngân sách phục vụ công tác điều hành, ra quyết định của cơ quan Nhà nước, của các doanh nghiệp, đơn vị và tổ chức khác; thúc đẩy các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ và đầu tư phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Cụ thể, về hoạt động quản lý giám sát, cần tăng cường năng lực cơ quan quản lý, giám sát về kế toán, kiểm toán; nâng cao năng lực, thu hút nhân sự có chất lượng cao; thực hiện mô hình tham vấn ý kiến tư vấn về kế toán, kiểm toán.
Đồng thời, tăng cường hiệu quả công tác quản lý, giám sát hoạt động kế toán, kiểm toán; tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp, đơn vị kế toán và các cá nhân trong tuân thủ pháp luật.
Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật và các chuẩn mực chuyên môn nghiệp vụ; công khai, minh bạch thông tin kinh tế, tài chính của các doanh nghiệp, đơn vị kế toán, cơ quan, tổ chức kinh tế.
Về phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, theo TS Vũ Đức Chính, cần phát triển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán; tăng cường, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin.
“Để phát triển các hội nghề nghiệp, mô hình tổ chức hoạt động nghề nghiệp cần thống nhất, tự quản, chuyên nghiệp, theo thông lệ quốc tế, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Nâng cao năng lực xây dựng và phản biện cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực quản lý, giám sát việc tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp”, TS Vũ Đức Chính nhấn mạnh.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo