Khoa học - Công nghệ

Lạng Sơn: Hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo quản, chế biến quả trám đen

DNVN – Với việc hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo quản và chế biến quả trám đen là cơ sở cho các ban ngành, cơ quan địa phương trong việc định hướng phát triển vùng nguyên liệu đối với cây trám đen của tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ giám sát thiên tai / Làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị đo thành phần khí độc hại trong các hầm lò, mỏ khai thác khoáng sản

Mới đây, Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh do ông Trần Quốc Anh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch Hội đồng đã tổ chức họp đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Dự án KH&CN cấp tỉnh: Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình bảo quản chế biến quả trám đen tại tỉnh Lạng Sơn. Dự án do Thạc sỹ Nguyễn Thị Hải làm chủ nhiệm dự án và Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thiên Phú là đơn vị chủ trì thực hiện dự án.

Tại cuộc họp, Thạc sỹ Nguyễn Thị Thuận – Thư ký dự án cho biết, dự án đã hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, dự án cũng tiếp nhận thành công 3 quy trình kỹ thuật bảo quản, chế biến quả trám đen: Quy trình bảo quản quả trám đen tươi; Quy trình chế biến quả trám đen bằng phương pháp sấy; Quy trình chế biến trám đen bằng phương pháp muối.

Cùng đó là xây dựng thành công mô hình bảo quản tươi và chế biến quả trám đen (sấy và muối) quy mô 5 – 7 tấn nguyên liệu/năm. Đã sản xuất thử nghiệm được: 3219 lọ 800g và 3423 lọ 1280g sản phẩm trám đen muối ăn liền (tương đương 2945kg trám tươi); 540kg sản phẩm trám đen sấy tách hạt (tương đương 2113kg trám tươi).

Thực hiện công bố chất lượng cho sản phẩm trám đen muối ăn liền và trám đen sấy; Thiết kế nhãn hàng hóa và xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm trám đen muối lăn liền và trám đen sấy; Hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo quản, chế biến quả trám đen phù hợp với điều kiện của tỉnh Lạng Sơn.

Toàn cảnh Hội đồng khoa học.

Toàn cảnh Hội đồng khoa học.

Kết quả thực hiện của dự án đã hoàn thiện được các quy trình kỹ thuật bảo quản và chế biến quả trám đen với các thông số cơ bản: Bảo quản trám tươi ở nhiệt độ từ 4 – 70C trong túi lưới, trong thời gian từ 2 – 6 ngày; Om trám ở nhiệt độ 67 – 70 độ C trong thời gian từ 10 – 15 phút, trám đầu vụ có thời gian om dài và trám cuối vụ có thời gian om ngắn hơn; sản phẩm trám đen muối ăn liền được chế biến bằng phương pháp muối, pha dung dịch ở nồng độ muối 8%, rót dịch 1000C, đóng nắp sau đó thanh trùng nâng nhiệt từ 65 – 85 độ C với thời gian 15 phút, sau đó làm nguội bằng sốc nhiệt; sản phẩm Trám đen sấy được chế biến bằng phương pháp sấy quả Trám ở nhiệt độ 60 độ C trong thời gian 3 tiếng, sau đó để ở nhiệt độ 500C trong 5 tiếng đến khi sản phẩm đạt độ ẩm dưới 10%. Sản phẩm trám đen muối ăn liền và trám đen sấy của Dự án đã được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng và lựa chọn.

Với những kết quả đạt được, Hội đồng Khoa học và Công nghệ đánh giá dự án thực hiện đầy đủ các nội dung thuyết minh đã được phê duyệt, đáp ứng được mục tiêu đề ra. Kết quả thực hiện của dự án có tính khoa học, giá trị thực tiễn cao, là cơ sở cho các ban ngành, cơ quan địa phương trong việc định hướng phát triển vùng nguyên liệu đối với cây trám đen của tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm