Nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Mỹ tăng cường chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất bán dẫn / Kỹ thuật mới xét nghiệm máu phát hiện sớm bệnh Alzheimer
Làm chủ kỹ thuật cao
Năm 2023, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục đi đầu trong phát triển chuyên môn kỹ thuật ở hầu hết các lĩnh vực, trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh uy tín ở khu vực Bắc Trung Bộ và nước bạn Lào. Bệnh viện phấn đấu trở thành bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt vào năm 2025.
Mới đây, lần đầu tiên, Bệnh viện đã tư vấn và triển khai thành công kỹ thuật lấy, ghép đa tạng từ người cho chết não với sự phối hợp và hỗ trợ của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế… Từ tạng của người cho, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã tiến hành ghép thận cho hai bệnh nhân suy thận nặng.
Để thực hiện ca ghép tạng từ người cho chết não, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã huy động 6 kíp bác sĩ tham gia (kíp chuẩn bị, tư vấn, điều phối, lấy tạng, ghép tạng, theo dõi sau mổ) với tổng nhân lực khoảng gần 200 người.
Việc Nghệ An thực hiện được kỹ thuật ghép tạng từ người cho bị chết/chết não và người cho sống có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định vai trò vị trí của trung tâm y tế kỹ thuật cao vùng Bắc Trung Bộ; giúp người dân trong khu vực được ghép đa tạng mà không phải di chuyển xa.
Lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cho biết, việc gia đình người cho đăng ký hiến hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi người cho bị chết/chết não là việc làm có ý nghĩa nhân văn to lớn. Từ những bộ phận cơ thể của người cho, nhiều bệnh nhân khác sẽ được cứu sống.
Cùng với kỹ thuật lấy, ghép đa tạng từ người cho chết não, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An còn thực hiện thành công phẫu thuật ghép thận từ người cho sống để điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối. Đây cũng là niềm hạnh phúc lớn, là động lực, dấu mốc để đội ngũ y bác sĩ tiếp tục vươn lên, làm chủ kỹ thuật ghép đa tạng, bộ phận cơ thể người nói chung.
Đề tài “Điều trị vô sinh bằng kỹ thuật chuyển phôi trữ lạnh trong thụ tinh ống nghiệm” của các y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là một trong 4 công trình đoạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học và công nghệ tỉnh Nghệ An năm 2023.
Nghiên cứu 135 cặp vợ chồng thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh chu kỳ đầu tiên cho kết quả tỷ lệ có thai 54,07%, thai lâm sàng 48,15%, trẻ sinh sống 43,7%. Thống kê từ năm 2017 - 2023 cho thấy đã có 833 em bé ra đời từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Hoàng Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản - Chủ nhiệm đề tài cho biết: Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, hàng năm, trên 9.000 lượt bệnh nhân đến khám, hơn 300 chu kỳ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, với khoảng 400 chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh. Việc nuôi cấy phôi dài ngày và chuyển phôi trữ lạnh đã mang lại hiệu quả cao, đưa kết quả thành công lên gần 45%, cao hơn so với quy trình điều trị trước đó, đồng thời tiết kiệm được thời gian và chi phí phải lặp lại chuyển phôi nhiều lần cho bệnh nhân.
Khi sử dụng phương pháp này, bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật cao, tiên tiến với những trang thiết bị hiện đại, phòng ốc đạt chuẩn, chi phí không quá cao so với hiệu quả mang lại. Kỹ thuật được thực hiện rộng rãi giúp nâng cao thương hiệu trung tâm, làm an lòng người bệnh, tạo tiền đề cho sự phát triển hơn nữa của các kỹ thuật mới trong thụ tinh ống nghiệm.
Ông Trịnh Xuân Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, đến nay, Bệnh viện đã thực hiện được gần 11.000 kỹ thuật trong danh mục chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh phân theo tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, trong đó đã thực hiện được 90% kỹ thuật tuyến Trung ương, có nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu, tiêu biểu như: Ghép tạng, IVF, phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành, triển khai kỹ thuật ECMO, hạ thân nhiệt chỉ huy... góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị cho người dân.
Ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học
Công tác nghiên cứu và ứng dụng các công trình khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật luôn được ngành Y tế tỉnh Nghệ An quan tâm chú trọng. Nghiên cứu khoa học trở thành hoạt động thường quy và là một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả thi đua hàng năm của các đơn vị. Theo thời gian, số lượng đề tài và sáng kiến tăng dần qua từng năm. Hiện nay, mỗi năm có hơn 700 đề tài tham gia xét nghiệm thu cấp cơ sở, gần 40 đề tài sáng kiến cấp tỉnh. Các nội dung nghiên cứu ngày càng đa dạng với đầy đủ các lĩnh vực về điều trị; điều dưỡng, chăm sóc người bệnh; dược; y tế công cộng; phòng bệnh; quản lý y tế (tổ chức, tài chính y tế,…); quản lý chất lượng bệnh viện; Chất lượng các đề tài ngày càng được nâng cao. Các đề tài nghiên cứu khoa học luôn bám sát nhu cầu thực tế về chăm sóc sức khỏe, mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo thống kê từ Sở Y tế Nghệ An, năm 2023 chỉ tính riêng ngành Y tế đã có 48 công trình đoạt giải sáng tạo khoa học, công nghệ cấp tỉnh (trong đó có 10 giải Nhất, 11 giải Nhì, 15 giải Ba và 12 giải Khuyến khích), 6 đề tài khoa học đề xuất đề tài cấp tỉnh, 16 giải pháp, ứng dụng được đề xuất sáng kiến cấp tỉnh.
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục là đơn vị dẫn đầu trong công tác nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh với thành tích 17 giải thưởng Khoa học sáng tạo 2020 - 2023; lần thứ 2 đạt Giải Kim cương do Hội Đột quỵ thế giới chứng nhận. Trong năm 2023, Bệnh viện đã tổ chức thành công hai hội nghị khoa học toàn quốc (Hội nghị Gan, Mật, Tuỵ và Hội nghị Phẫu thuật thần kinh); kết hợp với các trường đại học tổ chức thành công 6 khóa học đào tạo chuyên khoa cấp I, cấp II tại Nghệ An.
Sở Y tế Nghệ An và Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tổ chức thành công “Hội nghị khoa học chuyên ngành sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực Bắc Trung Bộ lần thứ nhất”; phối hợp Bệnh viện Da liễu Trung ương và Bệnh viện Da liễu Nghệ An tổ chức “Hội nghị Da liễu Thẩm mỹ Toàn quốc lần thứ 6”; phối hợp Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cùng Hội Gan mật Việt Nam tổ chức “Hội nghị Gan mật tụy Việt Nam năm 2023”.
Dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học, các bệnh viện đã ứng dụng nhiều kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới vào công tác khám, chữa bệnh, giúp người bệnh không phải đi xa, giảm chí phí cho người bệnh. Một số kỹ thuật cao, y tế chuyên sâu được thực hiện nhờ ứng dụng chuyển giao công nghệ như: Lấy ghép tạng, phẫu thuật nội soi; phẫu thuật chấn thương; các kỹ thuật trong hồi sức…
Gần đây, các nghiên cứu mới trong lĩnh vực quản lý chất lượng bệnh viện; khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh về chất lượng dịch vụ y tế, thái độ ứng xử của nhân viên y tế... được ứng dụng, qua đó góp phần giúp các đơn vị rút kinh nghiệm trong quản lý, đồng thời áp dụng các biện pháp cải tiến về mọi mặt giúp nâng cao hơn nữa sự hài lòng người bệnh theo phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm”.
Từ kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học, các cơ sở y tế đã tiến hành bố trí thêm bàn khám bệnh, sắp xếp lại các bộ phận tiếp đón, khám bệnh, xét nghiệm, viện phí, dược... theo nguyên tắc liên hoàn; đề xuất cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác khám, chữa bệnh nhằm giảm thời gian chờ đợi người bệnh, giảm phiền hà, đảm bảo công bằng, minh bạch và nhận được sự hoan nghênh của đông đảo người dân.
Ông Nguyễn Hữu Lê, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Ngành đang phát động rộng rãi và khuyến khích cán bộ nhân viên tham gia phong trào Lao động sáng tạo, phấn đấu tăng số lượng và chất lượng các giải pháp qua từng năm. Theo đó, các đơn vị nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật và công nghệ cao trong y học hiện đại vào thực tiễn nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị người bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, các đơn vị nghiên cứu, tổng kết thực tiễn; đề xuất các mô hình, giải pháp hữu ích trong phòng, chống và điều trị các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi, dịch bệnh phổ biến trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
End of content
Không có tin nào tiếp theo