Khoa học - Công nghệ

Thách thức lớn nhất trong chuyển dịch năng lượng là cơ chế, chính sách

DNVN - Việc chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam cần những "đòn bẩy" chính sách quan trọng mang tính chất dẫn dắt. Trong đó, thách thức lớn nhất với câu chuyện chuyển dịch năng lượng là cơ chế, chính sách.

Ba nhà khoa học giành Nobel Kinh tế 2021 / Kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới


Sự lan tỏa của chuyển dịch năng lượng
Tại Diễn đàn "Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam - Hướng đến phát triển bền vững" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức sáng 13/10, bà Vũ Chi Mai - Trưởng hợp phần dự án 4E - EVEF, Chương trình Năng lượng GIZ cho biết, khi nói đến chuyển dịch năng lượng (CDNL) rất nhiều người sợ bởi cho rằng CDNL là loại trừ những gì đang có.
Tuy nhiên, trong quá khứ CDNL đã xảy ra rồi, đó là chuyển dịch từ biomas, chuyển dịch từ củi, sau đó chuyển dịch sang than, khí, dầu và bây giờ dần chuyển sang những dạng năng lượng mới sạch hơn.
"Và bây giờ chúng ta chuyển dịch một lần nữa, chuyển dịch sang nguồn năng lượng mới, đó là nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) có nguồn từ thiên nhiên. Chúng ta không lấy gì của thế hệ tương lai, đồng thời đáp ứng được câu chuyện về biến đổi khí hậu. Việt Nam dù có những điều kiện đặc biệt nhưng không phải lo ngại về câu chuyện CDNL bởi vì nó sẽ thích ứng với một quốc gia, với mỗi địa chính trị khác nhau", bà Mai nói.
Hiện người ta chú ý nhiều đến hệ thống năng lượng toàn cầu dịch chuyển từ sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch, có phát thải cao sang hệ thống năng lượng sạch hơn, NLTT và hiệu quả năng lượng.
Hiệu quả năng lượng là mảng Việt Nam dường như đang bỏ quên dù có tiềm năng rất lớn trong khi có rất nhiều giải pháp công nghệ có thể hỗ trợ phát triển hiệu quả năng lượng. Các nước đi trước cho rằng, việc CDNL càng sớm thì lợi ích quốc gia mang lại càng nhanh hơn, hiệu quả hơn bởi vì họ không phải sửa những lỗi lầm trong quá khứ, có những hoạch định chính sách lâu dài để đảm bảo sự phát triển bền vững hơn.

Bà Vũ Chi Mai - Trưởng hợp phần dự án 4E - EVEF, Chương trình Năng lượng GIZ.
"Bất cứ sự chuyển dịch nào đều có những nước đi đầu, những nước có công nghệ phát triển, có giải pháp công nghệ sớm nhất, đầu tư công nghệ sớm nhất, sau đó lan tỏa dần ra các nước khác. Việc chuyển dịch năng lượng lan tỏa không đều giữa các nước do phụ thuộc vào thể chế chính sách hiện có và cách thức quản trị. Việc lan tỏa bắt đầu từ châu Âu, Đan Mạch, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ. Sau đó lan ra Nam Phi, các nước Nam Mỹ. Việt Nam cũng nằm trong sự lan tỏa đó", bà Mai thông tin.
Năm 2020, đầu tư của Việt Nam vào điện mặt trời (ĐMT) đứng thứ 8 trên thế giới trong tổng đầu tư vào NLTT. Tổng công suất lắp đặt của ĐMT năm 2020 đứng thứ 5 thế giới, thậm chí cao hơn cả Đức – quốc gia vốn được coi là một trong nước đi đầu về ĐMT.
Sự lan tỏa đã được nhìn thấy. Tất nhiên, sự phát triển nhanh nhưng cũng có những hệ lụy nhất định, làm sao biến hóa và sử dụng chính sách thế nào cho hiệu quả là điều cần bàn.
Theo chia sẻ của bà Mai, thế giới đã chứng kiến xu hướng chuyển dịch trong ngành điện. Nhiều nước châu Âu có tổng công suất lắp đặt hoặc lượng tiêu thụ điện trong tiêu thụ điện của họ chiếm đến 30 - 50% và Việt Nam tổng công suất lắp đặt cho điện của NLTT trong toàn bộ hệ thống cũng đã trên 20%.
Sự chuyển dịch tiếp liên quan đến ngành giao thông vận tải - ngành đóng vai trò quan trọng trong tiêu thụ xanh và góp phần giảm phát thải C02. Ô tô điện có giá cạnh tranh so với ô tô chạy xăng dầu truyền thống. Năm 2019, toàn thế giới tiêu thụ 2,1 triệu ô tô điện - tăng 40% so với năm 2018.
Năm 2021, Trung Quốc dự kiến sản xuất 2,5 triệu xe điện - chiếm 13% tổng số lượng xe vận hành. Ở lĩnh vực này, Việt Nam cũng đã có sự chuyển dịch. VinGroup chuẩn bị ra mắt sản phẩm xe điện đầu tiên và THACO cũng tuyên bố sẽ có sản phẩm xe điện vào năm 2022.
Thách thức lớn nhất

Dẫn kết quả nghiên cứu của GIZ, bà Mai cho biết, có 3 đòn bẩy chính sách quan trọng có tính chất dẫn dắt câu chuyện chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Đó là thúc đẩy NLTT, giảm sâu phát thải CO2 và cần cơ sở hạ tầng tốt. Việt Nam đã có cơ chế, chính sách cho chuyển dịch năng lượng. Tuy nhiên, chúng ta có thể có những cơ chế phù hợp hơn. Cơ chế giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) là một ví dụ.
"Hiện chúng ta có giá FIT áp dụng toàn bộ từ Nam ra Bắc. Với tiềm năng điện gió và điện mặt trời khác nhau với cùng cơ chế FIT thì chắn chắn những vùng có tiềm năng điện gió tốt và tiềm năng điện mặt trời sẽ tập trung ở đó. Và chúng ta chuyển điện từ những vùng đó sang những vùng kém tiềm năng hơn nhưng nhu cầu sử dụng điện cũng rất lớn. Vậy tại sao chúng ta không có cơ chế FIT theo vùng? Nếu ở những vùng sử dụng năng lượng tại chỗ hiệu quả, giúp giảm thiểu truyền tải, tăng thu nhập của người dân thì cơ chế khuyến khích điện tại chỗ cũng nên được đưa vào và áp dụng", bà Mai nêu.
Thúc đẩy năng lượng sạch cũng là việc đưa ra những cơ chế dài hạn và cân bằng với những dạng năng lượng khác, giảm sâu phát thải CO2. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phải qua rào cản về "biên giới" carbon của châu Âu và những sản phẩm này cũng phải đáp ứng yêu cầu của châu Âu. Do vậy, việc giảm sâu trong từng sản phẩm xuất khẩu cũng sẽ được áp dụng. Bên cạnh đó, giao thông vận tải cũng là việc phải đáp ứng với sự biến đổi khí hậu.
Cơ sở hạ tầng cần có cho phát triển năng lượng tái tạo là cơ sở hạ tầng lưới. Cơ sở hạ tầng làm sao để chuyển dịch, để hỗ trợ những đơn vị có năng lượng truyền thống. Ở đây không chỉ là hạ tầng cứng mà còn là hạ tầng mềm – kể nguồn nhân lực cũng phải chuyển dịch để thích ứng với sự chuyển dịch của toàn ngành.
Chia sẻ sâu hơn về thách thức đối với Việt Nam trong chuyển dịch năng lượng, bà Mai cho biết, thách thức lớn nhất với nước ta là cơ chế, chính sách.
"Đầu năm 2020, đứng trước thực tế có khả năng sẽ thiếu điện vì tìm kiếm cơ hội đầu tư vào than gặp rất nhiều khó khăn, Chính phủ đã yêu cầu EVN, Bộ Công Thương cần đảm bảo an ninh năng lượng. Với thời gian như vậy, năng lượng tái tạo hoàn toàn có khả năng và ĐMT hoàn toàn được huy động từ vốn trong dân. Điều này gây ngạc nhiên", bà Mai nói.
Tuy nhiên, vì ĐMT phát triển nhanh và do là công nghệ mới cho nên điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật ở Việt Nam chưa được xây dựng đầy đủ nên đã dẫn đến một số hệ lụy cũng như công tác quản lý.
"Bởi vì là công nghệ mới, các cấp quản lý khác nhau, họ chưa có đủ thời gian để nhìn nhận các vấn đề và rất tiếc là có những hệ lụy không chỉ cho nhà đầu tư bị cắt giảm công suất mà cho cả EVN - đơn vị vận hành và cũng khiến Bộ Công Thương đau đầu", bà Mai chia sẻ.
Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Mai, các nhà đầu tư cần hiểu rằng, với tốc độ phát triển nhanh của ĐMT như vậy, chắc chắn sẽ có những bước điều chỉnh và Chính phủ cần có thời gian để điều chỉnh.
"Việc chưa có cơ chế hỗ trợ tại thời điểm này thì cũng là điều dễ hiểu vì trong quá khứ đã có những cơ chế hỗ trợ và mình không lường trước được sự phát triển của nó. Đây là bài học để tất cả cùng nhìn lại", bà Mai đánh giá.
Từ quan điểm này, bà Mai chỉ ra 4 yếu tố đảm bảo chuyển dịch năng lượng bền vững. Thứ nhất, phải có công nghệ. Thứ hai là thị trường cạnh tranh, tạo ra sản phẩm kinh tế cạnh tranh so với sản phẩm đang có. Thứ ba phải có thị trường mở cho phép nhà đầu tư có nhiều dịch vụ khác nhau cạnh tranh để tạo ra sản phẩm tốt hơn với giá thành phù hợp hơn với người tiêu dùng. Thứ 4 là chính sách - điều quan trọng nhất trong chuyển dịch năng lượng bền vững.
"Không chỉ là chính sách hỗ trợ cụ thể cho giá thành sản phẩm mà còn cần chính sách để tạo ra thị trường nội địa hóa ra làm sao, chính sách thúc đẩy nghiên cứu, chính sách phù hợp và hấp dẫn với nhà đầu tư. Một chính sách dài hạn và củng cố niềm tin các nhà đầu tư là thực sự cần thiết", bà Mai khuyến nghị.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm