Môi trường

Tỷ lệ người mua ngà voi, sừng tê giác giảm mạnh

DNVN - Sau 5 năm triển khai và thực hiện Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã, tỷ lệ người mua ngà voi giảm từ 16% xuống 9%, còn số lượng người mua sừng tê giác và các sản phẩm từ tê tê đã giảm từ 8% xuống 6% trong giai đoạn từ 2018 - 2021

Đà Nẵng: Suối Lương ngang nhiên bị chặn dòng làm du lịch / Khí thải giao thông đang gây tác động xấu lên môi trường

Sáng 27/8, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp tổ chức Lễ tổng kết Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã (Dự án USAID Saving Species). Dự án được tài trợ bởi USAID và đơn vị truyền thông cho Dự án là Vietbamedia.
Trong 5 năm qua (2016-2021), USAID Saving Species đã hợp tác với các đối tác của Việt Nam triển khai thực hiện các hoạt động của Dự án nhằm cải thiện và thống nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới bảo vệ các loài hoang dã, tăng cường thực thi pháp luật, truy tố tội phạm về động vật hoang dã và giảm nhu cầu và tiêu thụ bất hợp pháp các loài hoang dã.
Tại Lễ tổng kết, bà Ann Marie Yastishock - Giám đốc USAID phát biểu: "Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa hai nước đã mang lại những kết quả rất đáng ghi nhận. Trong tương lai, Việt Nam vẫn là đối tác quan trọng của Chính phủ Hoa Kỳ về chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật".
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, nỗ lực chung của Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam thông qua Dự án USAID Saving Species đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ các loài động vật hoang dã ở Việt Nam, duy trì các dịch vụ sinh thái quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của quốc gia và khu vực.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT phát biểu tại sự kiện.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, một trong những đóng góp quan trọng của Dự án trong việc bảo vệ động vật hoang dã của Việt Nam là hỗ trợ xây dựng, sửa đổi và triển khai 4 văn bản quy phạm pháp luật về việc quản lý và bảo vệ các loài hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, góp phần giải quyết những khoảng trống và những điểm chồng chéo trong các văn bản luật trước đó. Dự án cũng tập huấn cho hơn 2.600 cán bộ thuộc các ngành kiểm lâm, hải quan, cảnh sát môi trường, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, tòa án, kiểm sát về các kỹ năng và kiến thức liên quan tới xử lý các loại tội phạm về bảo vệ các loài hoang dã. So với số liệu ở giai đoạn bắt đầu Dự án, tỷ lệ truy tố, xét xử/số vụ bắt giữ các vụ việc vi phạm về bảo vệ các loài hoang dã đã tăng từ 25% (năm 2018) lên 75% (tháng 8 năm 2021).
Bên cạnh đó, Dự án USAID Saving Species phối hợp với Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam đã triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ các loài hoang dã, thay đổi hành vi của các đối tượng sử dụng sản phẩm từ ngà voi, sừng tê giác và tê tê. Dự án cũng phối hợp với các thầy thuốc đông y để tuyên truyền giảm việc sử dụng các vị thuốc từ động vật hoang dã trong trị bệnh bằng y học cổ truyền. Các chiến dịch này đã chuyển tải các thông điệp tới hàng chục triệu người và thu hút hàng triệu người tham gia tương tác trực tuyến.
Kết quả khảo sát người tiêu dùng gần đây cho thấy, những người nhận được thông điệp truyền thông của Dự án có xu hướng giảm nhu cầu mua các sản phẩm từ ngà voi, sừng tê giác và tê tê so với trước khi triển khai các chiến dịch. Trong số các đối tượng tham gia khảo sát có thu nhập cao, tỷ lệ người mua ngà voi giảm từ 16% (năm 2018) xuống 9% (năm 2021); số lượng người mua sừng tê giác và các sản phẩm từ tê tê đã giảm từ 8% (năm 2018) xuống 6% (năm 2021).
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm