Khoa học - Công nghệ

TS Lê Đăng Doanh: Đáng lo ngại khi các doanh nghiệp tư nhân lớn chi dưới 1% cho R&D

DNVN - Nhận định về khả năng tự phát triển thông qua đầu tư R&D (nghiên cứu và phát triển) cực kỳ thấp của nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500), TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc các doanh nghiệp (DN) chi dưới 1% cho R&D là điều thực sự đáng lo ngại.

FPT Software và SCSK Nhật Bản bắt tay phát triển công nghệ xe hơi / Hàng nghìn người trải nghiệm công nghệ xe hơi do người Việt phát triển

Theo Báo cáo đánh giá 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Konrad-Adenaeur-Stiftung Vietnam (KAS) soạn thảo và công bố ngày 10/8 tại Hà Nội, một trong những nội dung quan trọng được nhóm nghiên cứu đề cập là tình hình sử dụng công nghệ, máy móc của VPE500.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, với tiềm lực về quy mô, nhìn chung VPE500 có mức độ công nghệ hiện đại hơn các DN tư nhân khác thể hiện qua một số chỉ số về máy móc thiết bị. Trong đó, tuổi đời của máy móc thiết bị hiện đang sử dụng của VPE500 trẻ hơn so với DN tư nhân khác khoảng 1 năm.
Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Dự báo Kinh tế ngành và DN của NCIF cho rằng, đây không phải là con số quá lớn so với chênh lệch về tuổi đời của máy móc thiết bị của FDI và DN tư nhân nói chung là khoảng 6,8 năm.

Khả năng tự phát triển thông qua đầu tư R&D của các DN tư nhân lớn cực kỳ thấp.
Tuy nhiên, nếu chia theo số năm sử dụng của máy móc thì thấy khoảng 40% máy móc thiết bị do VPE500 sử dụng có tuổi đời dưới 5 năm, trong khi con số này của DN tư nhân là khoảng gần 37%.
Ngoài ra, VPE500 vượt trội so với DN tư nhân về tỷ lệ máy móc tự điều khiển. Đây là một trong những chỉ số quan trọng về số hóa sản xuất. Có tới 28% số DN thuộc VPE500 có các trang thiết bị này trong khi chỉ số của DN tư nhân chỉ khoảng 8%.
Đáng chú ý, số liệu điều tra cũng phản ánh khá đúng về thực tế hình thành máy móc, thiết bị công nghệ của khu vực tư nhân ở Việt Nam. Đó là khả năng tự phát triển thông qua đầu tư R&D (nghiên cứu và phát triển) cực kỳ thấp. Chỉ khoảng hơn 1% số DN có nguồn gốc hình thành máy móc thiết bị là tự phát triển và điều này đúng cho cả VPE500 và DN tư nhân nói chung.
Phần lớn máy móc thiết bị là từ chuyển giao (trên 96%). Trong khi đó, với tiềm lực lớn hơn, VPE500 có quan hệ chuyển giao từ FDI cao hơn gấp đôi so với DN tư nhân (11,9% so với 5,3%). Kết quả trên cho thấy cơ hội về số hóa, về khả năng tiếp cận máy móc và hưởng lợi từ FDI của VPE500 lớn hơn nhiều so với các DN tư nhân khác.
Bình luận về "khả năng tự phát triển thông qua đầu tư R&D cực kỳ thấp của VPE500", TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc các DN chi dưới 1% cho R&D là điều thực sự đáng lo ngại.
"Vì nếu DN không chi, không đầu tư cho R&D, không đổi mới công nghệ, không có đầu tư vào hoạt động chuyển đổi số thì e rằng vài năm nữa 20% DN của VPE500 sẽ ra khỏi top này và sẽ VPE500 sẽ có danh sách mới", chuyên gia Lê Đăng Doanh nói.
Với kết quả trên, nhóm nghiên cứu cần tiếp tục làm rõ các DN này thực hiện quá trình chuyển đổi số như thế nào, chuyển sang kinh tế số và kết nối số với các chuỗi giá trị quốc tế ra sao. Bởi lẽ hiện nay nếu không có chuyển đổi số thì hầu như không thể kết nối được với các chuỗi giá trị quốc tế.
"Báo cáo cần phải lưu ý nhiều hơn đến chuyển đổi số, chuyển sang kinh tế số cũng như sự kết nối giữa DN với Chính phủ điện tử trong điều tra sắp tới. Nếu không các DN phải đối mặt với những thách thức rất lớn và đương nhiên sẽ lạc hậu với thế giới. Cần phải hỗ trợ các DN kết nối được với các trường đại học, viện nghiên cứu để mang lại tiến bộ thiết thực về khoa học - công nghệ", nguyên Viện trưởng CIEM khuyến nghị.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm